Ngày 18/7, Ban ATGT tỉnh An Giang tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp điều tra, xử lý nạn nhân cấp cứu TNGT liên quan đến nồng độ cồn và phát động quần chúng nhân dân cung cấp hình ảnh, video các trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Chủ trì hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử lý triệt để không bỏ lọt trường hợp tài xế điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Không bỏ lọt vi phạm
Ông Lê Việt Cường, Chánh VP Ban ATGT cho biết, theo kế hoạch dự kiến, tất cả người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây TNGT hoặc bị TNGT được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc qua thiết bị đo nồng độ cồn trong khí thở. Việc này góp phần phục vụ quá trình điều tra nhằm tránh bỏ sót các trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT để cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra TNGT và làm cơ sở điều trị.
Việc xử lý nồng độ cồn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được chia thành nhiều tình huống khác nhau. Cụ thể, tình huống 1, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị TNGT được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị TNGT được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
Tình huống 2, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị TNGT tự đến hoặc được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xử lý, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nếu xét thấy người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoặc nạn nhân TNGT có dấu hiệu sử dụng chất có cồn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thông báo ngay đến cơ quan chức năng để điều tra nhằm tránh bỏ sót các trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT.
Bác sĩ trực cấp cứu chỉ định đo nồng độ cồn qua thiết bị đo nồng độ cồn trong khí thở (nếu nạn nhân còn nhận thức) hoặc chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu (nếu nạn nhân bị bất tỉnh).
Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ công an được phân công làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT phối hợp với phòng cấp cứu tiếp nhận hồ sơ về nồng độ cồn của nạn nhân và tiến hành các bước tiếp theo về điều tra, xử lý TNGT theo quy định của Bộ Công an.
“Đối với vấn đề tiếp nhận hình ảnh, video clip các trường hợp vi phạm trật tự ATGT do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp. Các hình ảnh do cơ quan, tổ chức, cá nhân ghi lại trong quá trình tham gia giao thông cung cấp hoặc đăng tải trên báo chí, mạng Internet liên quan đến tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh sẽ được sử dụng để lực lượng chức năng xác minh, phát hiện và xử lý vi phạm giao thông. Tình huống xử lý thực hiện theo Điều 24 của Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông”, Chánh Văn Phòng Ban ATGT cho biết.
Triển khai quyết liệt, không qua loa
Về phía Công an tỉnh, Đại tá Bùi Bé Năm, Phó giám đốc Công an đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng không chỉ là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn có cả người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Mặt khác, cũng cần phải xác định rõ, đối tượng cần được xét nghiệm là người gây tai nạn vi phạm. Đối với những trường hợp y tế chưa phân loại được là có nồng độ cồn hay không thì cần phải tiến hành xét nghiệm máu.
“Việc cấp cứu nạn nhân là ưu tiên hàng đầu, tính mạng con người là trên hết. Cho nên nguyên tắc là phải lo cấp cứu nạn nhân. Khi có điều kiện thuận lợi, nhanh nhất có thể thì chúng ta mới tiến hành việc xét nghiệm.
Một vấn đề nữa, đây là một điểm mới trên địa bàn của chúng ta, cho nên để tạo sự đồng thuận trong xã hội và để kế hoạch đạt được mục đích, yêu cầu đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Tôi đề nghị các ngành chức năng, nhất là Ban ATGT chỉ đạo các ngành có liên quan, Ban ATGT các huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, làm sao việc làm này được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ. Đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm”, đại tá Bùi Bé Năm nói.
Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh, chủ trương này sẽ là cơ sở góp phần nâng cao ý thức người dân, góp phần hạn chế tai nạn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, TNGT đến mức xử lý hình sự, vấn đề này không bàn cãi. Nhưng đối với những trường hợp nhẹ hơn, không đến mức xử lý hình sự đáng lẽ phải phạt hành chinh, tuy nhiên khi vô bệnh viện lại “thoát”.
“Việc xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện, bị tai nạn đưa vào bệnh viện cấp cứu, có liên quan đến nồng độ cồn sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dân giúp họ hiểu rằng hiểu rằng khi tham gia giao thông có nồng độ cồn là vi phạm giao thông, vẫn sẽ bị xử phạt.
Mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý, không bỏ lọt, mục đích của chúng ta là kéo giảm tai nạn. So với cả nước chúng ta đang “đội sổ”, tình hình TNGT trên tỉnh chúng ta đang rất được quan tâm. Mục đích của chúng ta là kéo giảm tai nạn. Tất cả người dân đều đồng tình với chủ trương này”, ông Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
Nói về giải pháp triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các ngành các cấp, Ban ATGT các quận, huyện xác định công tác tuyên truyền làm nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, đề nghị Ban ATGT tỉnh sớm hoàn chỉnh kế hoạch. Lãnh đạo Cảnh sát giao thông, Sở Y tế phối hợp triển khai quyết liệt, không qua loa, không bỏ lọt các hành vi vi phạm mà có nồng độ cồn ở trong bệnh viện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận