Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Tổng cục DDBVN và các Sở ngành chứng kiến các doanh nghiệp ký cam kết không chở quá tải, không xếp hàng quá tải trọng phương tiện cho phép. |
Tham dự Hội nghị có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, cùng đại diện Tổng cục VII - Bộ Công an, Cục QLĐB II, các sở, ngành và doanh nghiệp, đơn vị vận tải, đơn vị khai thác khoáng sản của địa phương.
Báo cáo kết quả kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Hoàng Phú Hiền, cho biết: Năm 2014 thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương cấp huyện trên địa bàn triển khai thực hiện. Các lực lượng chức năng của Cục QLĐB II, Sở GTVT, Công an tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý tình trạng xe quá tải, quá khổ, xe tự ý thay đổi kích thước thùng hàng lưu thông trên các tuyến đường bộ. Ngoài ra, lãnh đạo Sở trực tiếp tham gia chỉ đạo tổ công tác đột xuất kiểm tra, xử lý các phương tiện cố tình trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách đi vào đường tỉnh, huyện, xã, đi vào ban đêm, lợi dụng các giờ giao ca, nghỉ trưa...
Kết quả, lực lượng liên ngành tại Trạm cân số 15 và 14 đoàn kiểm tra lưu động đã phát hiện xử lý 3.039 trường hợp xe chở hàng quá tải, quá khổ, buộc hạ tải 12.835 tấn hàng hóa, phạt tiền trên 20 tỷ đồng. Thông qua công tác TTKS, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã lập biên bản 9.665 trường hợp trong đó 6.159 trường hợp chở hàng vượt tải trọng thiết kế, 3.506 trường hợp chở hàng quá khổ. Lực lượng liên ngành Cục C67, Cục Đăng kiểm, CSGT, TTGT tỉnh đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với 378 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, 213 trường hợp chở quá tải, 62 trường hợp quá khổ.
193/200 xe HOWO có thùng cơi nới ở Nghệ An đã được trả về đúng kích thước. |
Trong công tác kiểm soát tải trọng xe ở Nghệ An, việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện luôn được thực hiện song song với việc tăng cường kiểm soát tải trọng từ các đầu mối hàng hóa lớn, mỏ vật liệu, mỏ khoáng sản. Tháng 8/2014, lực lượng liên ngành của tỉnh đã phối hợp với Cục QLĐB II, ngăn chặn và xử lý kịp thời đoàn xe Lào hơn 200 chiếc chở gỗ quá tải nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn QL 7. Vận động 100% doanh nghiệp khai thác mỏ, chuyên vận chuyển khoáng sản ở “thủ phủ đá trắng” Quỳ Hợp sử dụng xe HOWO đã tự giác đưa xe về xưởng cắt bỏ phần cơi nới thành thùng xe. Nhiều xe HOWO có thùng nguyên bản cao từ 1,8m – 2m cũng được chủ doanh nghiệp cho cắt ngắn còn 0,6-0,7m. Số xe HOWO đã được cắt thùng lên đến 193/200 xe (tương đương 96,5% số xe HOWO của toàn tỉnh).
Ông Nguyễn Đình Trân – Giám đốc Công ty TNHH Vinh An, một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Nghệ An tiên phong cắt thùng xe cho biết: Trước đây để vận chuyển một đơn hàng từ Quỳ Hợp ra cảng Cửa Lò, chúng tôi chỉ mất 1 ngày. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương không xếp hàng quá tải, chúng tôi đã tự bỏ kinh phí cắt bỏ toàn bộ phần thùng hàng cơi nới và chỉ cho xe chở đúng tải trọng nên thời gian vận chuyển tăng gấp 2-3 lần. Lợi nhuận tuy có sụt giảm nhưng chúng tôi sẵn sàng bớt đi một phần lợi nhuận để góp phần vào xây dựng đất nước, bảo vệ hạ tầng giao thông.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, sự tự giác của doanh nghiệp, đơn vị khai thác mỏ trong việc kiểm soát tải trọng xe, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành việc ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép theo yêu cầu của Bộ GTVT, nhưng là tỉnh đầu tiên tiên phong chỉ đạo cắt thùng toàn bộ xe HOWO. Đây là thành tích đáng biểu dương của lực lượng chức năng Nghệ An, thể hiện sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị tỉnh trong công tác kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo TTATGT.
Dựa trên những kết quả đã đạt được, ông Huyện cũng đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh, cùng các sở ngành, địa phương tiếp tục duy trì việc kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn, đặc biệt là ở các đầu mối giao thông, đầu mối hàng hóa, kho hàng, các đơn vị sản xuất cung ứng xi măng, vật liệu xây dựng. Riêng về chế tài xử phạt các doanh nghiệp đã ký cam kết nhưng cố tình vi phạm, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN đề nghị các cơ quan cấp phép tiến hành rút giấy phép kinh doanh vận tải, giấy phép khai thác mỏ của DN nếu phát hiện có phương tiện vi phạm từ 2 lần trở lên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho rằng yêu cầu đặt ra với Nghệ An trong công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian tới là cần phải làm nghiêm, làm công bằng để tạo được sự đồng thuận của các DN trên địa bàn, từ đó, tạo nề nếp mới trong vận tải hàng hóa đường bộ. Trên tinh thần đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm trên đường. Đồng thời, giao lãnh đạo UBND các huyện, các Sở phải chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện trong thời gian tới.
Cùng ngày, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép với 77 doanh nghiệp vận tải, đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh.
Văn Thanh - Phúc Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận