Hình thành tư duy tuân thủ giao thông
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2024, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh, vượt xa tốc độ phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và năng lực vận tải công cộng, tạo áp lực rất lớn lên nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
Với sự chỉ đạo đồng bộ của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm, số vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn trong các dịp cao điểm tiếp tục giảm sâu so với các năm trước.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh đi kèm là hoạt động giao thông vận tải sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT.
Thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2025 của Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề "Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai", ông Thành cho biết có 3 mục tiêu được đặt ra, gồm: Kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; Tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn;
Tiếp tục khắc phục tình trạng ùn tắc, ô nhiễm từ các hoạt động giao thông; không để xảy ra ùn tắc kéo dài tại Hà Nội, TP. HCM và một số đô thị lớn trên cả nước, trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm.
Theo ông Thành, lễ ra quân Năm ATGT 2025 được tổ chức trong bối cảnh pháp luật về TTATGT đường bộ có nhiều thay đổi. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TTATGT đường bộ, Luật Đường bộ đồng loạt được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2025, đã có tác động rất lớn, rộng khắp trên toàn quốc; làm thay đổi thái độ, hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực hơn, nhất là việc chấp hành đúng quy định về TTATGT đường bộ.
Tuy nhiên, cùng với đó đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như về hạ tầng giao thông, tổ chức điều hành giao thông, phát triển giao thông công cộng…
Các lực lượng ra quân đảm bảo TTATGT năm 2025 sau lễ phát động (ảnh: Tạ Hải).
Từ đó, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội cần xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Năm ATGT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của cơ quan, đơn vị và địa phương, triển khai quyết liệt, hiệu quả ngay trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân 2025.
Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp như: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT trong việc chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về giao thông nói riêng.
Thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.
Kiên quyết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như lái xe khi đã uống rượu bia, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, và các hành vi nguy hiểm khác… Áp dụng hình thức "số hóa" trong xử lý vi phạm như phạt nguội qua camera giám sát và tăng cường sự hỗ trợ từ người dân, giúp chuyển từ tư duy "chống chế để không bị phạt" sang tư duy "tuân thủ để bảo vệ an toàn cho mình và cho người khác".
Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và tuyệt đối ATGT trong các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý, kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông; tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn với các hoạt động kinh doanh vận tải.
Cuối cùng là tiếp tục giành nguồn lực đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông đô thị; tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, linh hoạt bằng giải pháp công nghệ; ưu tiên phát triển các loại hình giao thông công cộng.
Không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, năm 2025, Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm TNGT từ 5% trở lên so với năm 2024 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); giảm ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân năm 2025 và các sự kiện chính trị quan trọng khác diễn ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Trước mắt, yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Trong đó, lực lượng công an tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; đặc biệt các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông. Đơn cử như vi phạm quy định về nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường quy định, xe chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, dừng, đỗ xe không đúng quy định gây ùn tắc giao thông...; ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ (nếu có).
"Chủ tịch UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở trên địa bàn; đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt phục vụ Lễ hội Chùa Hương năm 2025", ông Đông nhấn mạnh.
Đồng thời, yêu cầu triển khai có hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài để giảm ùn tắc giao thông. Rà soát, khắc phục kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, xử lý các điểm hay xảy ra TNGT đường bộ; có phương án ứng trực, phân luồng giao thông, không để ùn tắc kéo dài khi có sự cố, TNGT, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính, tuyến vành đai cửa ngõ ra vào nội đô.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc Sở GTVT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn có phương án đảm bảo năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ. Giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc" và tăng giá vé trái quy định.
Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật, thường xuyên cập nhật phương án phân luồng, tổ chức giao thông, kế hoạch phục vụ vận tải, hướng dẫn nhân dân lựa chọn lộ trình và phương thức di chuyển phù hợp, tránh ùn tắc.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy TNGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận