Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng |
Chia sẻ với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT để an ủi động viên người thân, đồng thời giúp người đang sống thức tỉnh về những nguyên nhân dẫn đến TNGT, qua đó thay đổi hành vi tham gia giao thông an toàn.
Hiểu nguyên nhân TNGT để thay đổi hành vi, tham gia giao thông an toàn
Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức?
Năm nay là năm thứ 5 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” do Liên hợp quốc phát động. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm mục tiêu kéo giảm TNGT. Cùng đó, chúng ta cũng có nhiều nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp tưởng nhớ những nạn nhân không may tử vong do TNGT.
Lễ tưởng niệm giúp người tham gia giao thông có cảm nhận sâu sắc về nỗi đau cũng như những hậu quả TNGT gây ra và cũng là dịp để góp phần sẻ chia nỗi đau mất mát đối với người thân của nạn nhân TNGT. Đây là thông điệp mạnh mẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn hậu quả do TNGT, từ đó giúp họ thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi tham gia giao thông, cải thiện ý thức tham gia giao thông trách nhiệm hơn, qua đó góp phần kéo giảm TNGT.
Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của những thông điệp được Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn qua các năm?
Hàng năm, các quốc gia và các tổ chức đều chọn những thông điệp khác nhau để tưởng niệm nạn nhân TNGT. Đối với Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia muốn nhấn mạnh thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”. Tinh thần mà Ủy ban ATGT Quốc gia hướng đến chính là vì những người đang sống, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiểu được nguyên nhân dẫn đến thương vong do TNGT, những người đang sống sẽ thay đổi lối sống, hành vi để tham gia giao thông an toàn hơn, mang lại hạnh phúc cho gia đình, xã hội. Đó chính là tinh thần cốt lõi của thông điệp cũng như lễ tưởng niệm. Đây cũng là lý do tại sao trong 5 năm qua Ủy ban ATGT Quốc gia vẫn chung thủy với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” trong các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng vì TNGT.
Năm đầu tiên triển khai hoạt động tưởng niệm, có không ít ý kiến trái chiều cho rằng, việc tưởng niệm cả những người gây ra TNGT là không cần thiết. Quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Trong số những nạn nhân tử vong do TNGT có những người do hành vi vi phạm của họ gây ra. Có thể do nhận thức chưa đúng hay vì lý do khác mà họ có hành vi dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho chính bản thân và người xung quanh, nhưng mỗi người không may qua đời đều để lại thương xót. Chúng ta cần hiểu là tưởng nhớ khác với tôn vinh đối với những người hy sinh cao cả vì đất nước như các anh hùng liệt sỹ.
Với những người không may bị thiệt mạng, chúng ta nên dành cho họ tình cảm và sự xót thương, đặc biệt là phía sau sự ra đi của họ là những người ở lại, là cha mẹ già, là con thơ. Tình cảm giữa con người với con người mới thực sự đi sâu vào tâm trí, trái tim của đông đảo người dân. Nếu tình cảm xót thương trước cái chết của đồng loại mà cũng rạch ròi ai đúng, ai sai thì tôi cho rằng, nó không nằm trong khuôn khổ tinh thần “Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT”.
Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm 2015 được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa với chủ đề “Sống” - Ảnh: Khánh Linh |
Vận động tổ chức tôn giáo khác tổ chức tưởng niệm
Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng và kịch bản của lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm nay có gì khác so với mọi năm?
Lễ tưởng niệm năm nay sẽ có quy mô lớn hơn các năm trước với các hoạt động thăm hỏi, hoạt động tuyên truyền, tổ chức lễ cầu siêu, lễ tưởng niệm cho nạn nhân TNGT. Năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ đạo Ban Tôn giáo các địa phương vận động các tổ chức tôn giáo khác cùng tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân không may tử vong vì TNGT. Trong lễ tưởng niệm chính thức được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV1 vào 20h10 ngày 18/11 tại Đài Truyền hình Việt Nam sẽ có tính truyền thông cao hơn thay vì tính sân khấu hóa như các năm trước. Việc tổ chức hướng đến thông điệp tương tác với các chuỗi hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự ATGT gắn với chủ đề Năm ATGT 2017.
Trong các năm tiếp theo, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức các hoạt động này như thế nào, thưa ông?
Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động hưởng ứng, trong đó có sự phối hợp của các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, MTTQ Việt Nam sẽ sâu sắc hơn, toàn diện hơn đến tận cấp cơ sở để tính lan tỏa trong tổ chức các hoạt động tưởng niệm. Qua đó, phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, giúp nội dung và tinh thần của thông điệp về hoạt động tưởng niệm ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Theo Nghị quyết 70 của Liên hợp quốc, đến năm 2020, Việt Nam phải giảm thương vong do TNGT xuống khoảng 50% so với năm 2010. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo giải pháp thực hiện. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là các tổ chức đoàn thể xã hội trong đảm bảo ATGT.
Cảm ơn ông!
Thông thường những nạn nhân tử vong do TNGT đều là trụ cột gia đình, phía sau họ là vợ trẻ, con thơ, bố mẹ già. Hậu quả TNGT không chỉ là mất đi con người mà nó làm thay đổi cơ hội sống và trưởng thành và phát triển của nhiều thế hệ. Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm nay được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV1 vào 20h10 ngày 18/11 tại Đài Truyền hình Việt Nam sẽ có tính truyền thông cao hơn. Việc tổ chức nhằm hướng đến thông điệp tương tác với các chuỗi hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự ATGT gắn với chủ đề Năm ATGT 2017. Ông Khuất Việt Hùng |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận