Bạn Nguyễn Văn Hùng (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và nhiều người tham gia giao thông khác hỏi: "Em không mang giấy phép lái xe (GPLX) cũng như một số giấy tờ nào khác hay tiền mặt nên khi vi phạm giao thông. Em bị CSGT lập biên bản xử phạt tiền và tạm giữ phương tiện để bảo đảm việc nộp phạt. Tuy nhiên, do gặp một số vấn đề nên em không đến nộp phạt đúng thời hạn hẹn thì có bị tịch thu phương tiện không?"
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết là để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Khoản 6, Điều 125 quy định: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Điều 17 Nghị định 115/2013 về xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ nêu: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan“.
"Như vậy, khi vi phạm giao thông mà bạn không mang theo giấy tờ, tiền mặt thì sẽ bị tạm giữ phương tiện để đảm bảo cho việc nộp phạt. Thời gian tạm giữ phương tiện tối đa là 7 ngày, nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần thiết tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ phương tiện.
Nếu quá thời hạn trên mà bạn không đến để nộp phạt và nhận lại phương tiện của mình mà không có lý do chính đáng, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc địa phương nơi tạm giữ phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận, người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Do vậy, bạn chỉ bị tịch thu phương tiện nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên", Luật sư Hướng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận