Xe chở đá "có ngọn" nối đuôi nhau cày phá đường quê ở Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo phản ánh, thời gian qua trên tuyến đường bê tông từ mỏ đá thôn 3 (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, của Công ty TNHH Khoáng sản Thiên An) dẫn ra đường liên xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) - Ea Tiêu (huyện Cư Kiun) xe chở đá hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm khiến tuyến đường bị cày phá, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất ATGT và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
>>> Video: Xe chở đá "có ngọn" nối đuôi nhau cày phá đường quê ở Đắk Lắk.
Ngày 11/6, theo ghi nhận, từ đường liên xã Ea Kao - Ea Tiêu dẫn vào mỏ đá thôn 3 có chiều dài khoảng 2km gồm hai đoạn đường nhựa và đường bê tông.
Trong đó, đoạn đường nhựa dẫn vào đến cầu buôn Bông bị bong tróc, nhiều đoạn đã “biến” thành con đường cấp phối; còn lại là đoạn đường bê tông dẫn vào đến mỏ đá mặt đường bị nứt chằng chịt kéo dài, nhiều vị trí bị “cày xới” để lại lớp đá dăm lởm chởm.
Càng đi về hướng mỏ đá, trên mặt đường xuất hiện dày đặc đá 1x2 rơi vãi.
Xe chở đá "có ngọn", nối đuôi nhau qua cầu dân sinh. Ảnh: Ngọc Hùng
Trong khoảng 20 phút có mặt trên tuyến đường, PV ghi nhận hàng loạt các xe BKS: 47C-211.53, 35N-7524, 47C-122.18, 7C-047.02, 47C-122.68, 47C-230.89, 47C-167.27 nối đuôi nhau ra vào chở đá, nhiều xe chở “có ngọn” thi nhau giằng xé con đường, bụi bặm cuốn lên mù mịt.
Một người dân bức xúc, trên tuyến đường này xe chở đá chạy như “chuồn chuồn”, con đường bê tông vừa mới làm đã bị nứt nẻ, hư hỏng. Đặc biệt, trên đoạn đường này có cầu dân sinh nhỏ hẹp, được đầu tư từ lâu nhưng hàng ngày vẫn “cõng” những xe đá hàng chục tấn qua lại, rất mất ATGT.
Nhiều xe chở đá quá cao, khiến đá đổ rơi vãi khắp đường gây nguy hiểm cho người đi xe máy.
Theo người dân địa phương, xe chở đá hoạt động rầm rộ khiến tuyến đường quê nhanh chóng xuống cấp. Ảnh: Ngọc Hùng
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Khoáng sản Thiên An khẳng định: “Đường đó tôi đổ bê tông hết, làm gì có bụi bặm. Xe vào mỏ chở đá đều được cân và chở đúng trọng tải. Xe chở cao hay không, khi qua cân đều đúng trọng tải”.
Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: “Tuyến đường nhựa, hiện nay đã xuống cấp, đang có dự án nâng cấp sửa chữa. Đối với đoạn đường bê tông thì vừa được thi công, đường có kinh phí hơn 4 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 70% còn mỏ đá chịu 30%.
Mỏ đá được tỉnh cho phép hoạt động thì xe phải chạy, đường hỏng thì mỏ đá sửa lại không vấn đề gì cả. Còn việc xe chở cơi nới, có dấu hiệu quá tải hay không là trách nhiệm của giao thông”.
Hàng ngày, xe chở đá hoạt động rầm rộ "thi nhau" cày phá con đường và bụi bặm gây ô nhiễm. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo ghi nhận, hầu hết các xe chở đá đều "có ngọn" vượt kích thước thùng xe nhưng Giám đốc mỏ đá khẳng định các xe đều chở đúng tải. Ảnh: Ngọc Hùng
Dàn xe chở đá hoạt động rầm rập khiến mặt đường bê tông bị bong tróc, lởm chởm lớp đá 1x2. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường bê tông bị nứt nẻ chằng chịt. Ảnh: Ngọc Hùng
Nhiều xe chở "có ngọn" khiến đá rơi vãi khắp mặt đường. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường nhựa bị bong tróc, đã "biến" thành con đường cấp phối. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường nhựa bị hằn lún, tạo thành ụ đất nhô cao trên mặt đường gây mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hùng
Từ mỏ đá ra, PV dễ dàng bắt gặp những chiếc xe chở đá "có ngọn" nghênh ngang trên đường.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận