Ùn tắc giảm nhờ điều tiết, phân luồng hàng hóa
Trực tiếp đi thực tế tại khu vực cảng Tân Cảng Cát Lái những ngày gần đây, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể.
Cụ thể, trong các buổi chiều 31/7, 2/8 và sáng 3/8, có mặt tại đây nhiều giờ đồng hồ nhưng PV không chứng kiến vụ ùn tắc nào. Đường Đồng Văn Cống (nối từ Mai Chí Thọ vào đến Nguyễn Thị Định) khá thông thoáng. Trong khi đó, đường Nguyễn Thị Định (từ cầu vượt Mỹ Thủy đến phà Cát Lái) dòng phương tiện đông đúc hơn, nhưng không xảy ra ùn ứ, ngay cả trong các khung giờ cao điểm. Tại các giao lộ trên tuyến, thường xuyên có lực lượng của cảng Cát Lái túc trực, hỗ trợ phân luồng, điều tiết giao thông.
Tới đây cần đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, mở rộng các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, Liên Phường, Võ Chí Công; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy), đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, đường Nguyễn Duy Trinh; triển khai xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát lái đến đường Võ Chí Công. Về lâu dài, cần sớm di dời cụm cảng Trường Thọ; triển khai xây dựng để khép kín đường Vành đai 2 (đoạn phía Đông) và đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2). Đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ Cát Lái đến các đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM
“Nhiều hôm, vào các ngày thứ 5, 6 hàng tuần, cao điểm chiều vẫn còn ùn ứ một chút, nhưng không tắc nghẽn hàng giờ như trước, chỉ khi nào xảy ra TNGT mới tắc thôi”, bà Nguyễn Thị Phượng, một người dân ở chân cầu vượt Mỹ Thủy cho hay.
Ông Nguyễn Năng Toàn, Phó tổng giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi đã điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC và các bến cảng khu vực Cái Mép. Trong đó, chấp hành nghiêm chủ trương của Cục Hàng hải VN về việc giới hạn số chuyến tàu cập cảng (81 chuyến/tuần) và không tăng kích cỡ tàu đối với tuyến mới cập cảng Cát Lái. Áp dụng nhiều gói chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyến tàu mới, tàu tăng cường vào cảng Tân cảng Hiệp Phước, các cảng Cái Mép thay vì cảng Cát Lái để giảm quá tải”.
Cũng theo ông Toàn, đơn vị này cũng trực tiếp làm việc với từng nhóm khách hàng tại các khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Tây Nam Bộ để tìm hiểu rõ nhu cầu khách hàng, từ đó giúp khách hàng sử dụng các cơ sở khác của Tân Cảng Sài Gòn (ICD Nhơn Trạch, ICD Long Bình, ICD Sóng Thần và Tân Cảng Hiệp Phước) để giao nhận hàng cho tàu cập các cảng Cái Mép (thay vì giao nhận tại cảng Cát Lái).
“Chúng tôi đang triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối, điều tiết giao thông và duy trì lực lượng điều tiết giao thông 24/7 tại tất cả tuyến đường/nút giao thông ra, vào khu vực cảng Cát Lái”, ông Toàn nói thêm và cho biết, việc hoàn thành đề án hiện đại hóa thủ tục giao nhận tại cảng với 100% khách hàng tới cảng đã thực hiện làm thủ tục giao nhận và thanh toán trực tuyến qua mạng có ý nghĩa rất lớn. Dự kiến, tháng 10/2019 sẽ triển khai thực hiện lệnh giao hàng điện tử (eDO) với 100% hãng tàu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng.
Vẫn cần thêm nhiều giải pháp phi công trình
Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực hàng hóa dự kiến thông qua cảng Cát Lái là 37 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2018, sản lượng hàng đã vượt quy định, đạt 63,6 triệu tấn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, lượng hàng qua cảng này đã đạt 58,8 triệu tấn.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng Cát Lái chưa được đầu tư đồng bộ, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng chủ yếu bằng đường bộ, không có đường chuyên dùng. Tất cả các loại xe lưu thông ra vào khu vực cảng đều đi trên tuyến đường độc đạo Nguyễn Thị Định. Lưu lượng xe ra vào cảng bình quân 16.100 xe/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt/ngày đêm đã vượt quá năng lực của tuyến đường (gấp khoảng 2 lần). Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch.
Thời gian qua, thành phố đã đầu tư, đưa vào khai thác một số công trình như: Cầu vượt và hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy, cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công, cầu qua đảo Kim Cương. Đang khẩn trương xây dựng tuyến đường mới kết nối cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công nhằm phá thế độc đạo của đường Nguyễn Thị Định. Đẩy mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các ICD (cảng cạn) đến Cát Lái nhằm giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ...
Ông An cho rằng, để giải “bài toán” ùn tắc khu vực cảng Cát Lái, cần đẩy mạnh giải pháp phi công trình như: Phát triển mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các ICD đến cảng Cát Lái nhằm giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; Phát huy hiệu quả của Tổ công tác liên ngành thông qua các nhóm phản ứng nhanh để kiểm soát tình hình giao thông tại khu vực; Điều tiết lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái phù hợp với từng thời điểm trong năm; Điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số nút giao, tuyến đường…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận