Dù UBND tỉnh Hải Dương đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng xe tải nặng vẫn nườm nượp đi vào tỉnh lộ 391 để né trạm thu phí |
Để hạn chế tình trạng xe né trạm thu phí, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý, tuyên truyền… Điển hình, Hải Dương đã quyết liệt cấm đường theo giờ trên nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của những giải pháp này chưa được như kỳ vọng.
Cấm giờ, cấm tuyến: Chả ăn thua
Để hạn chế tình trạng xe né trạm thu phí, nhằm “cứu” những con đường địa phương khỏi tình trạng quá tải, xuống cấp, mất ATGT, UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai một giải pháp mạnh là cấm đường theo giờ đối với các xe tải trọng lớn.
"Cấm đường, tăng cường TTKS, cân tải trọng xe... chỉ là những giải pháp “cắt ngọn” xe quá tải. Nên chăng, chúng ta cần tính lại bài toán kinh tế. Khi xe né trạm thu phí, chính trạm thu phí sẽ hụt thu, đường địa phương thì tăng chi để duy tu, bảo dưỡng. Chưa kể còn nguy cơ TNGT, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu giảm phí một chút, xe không né trạm nữa thì trạm thu phí đỡ thất thu và hiệu quả tuyến đường được đầu tư, nâng cấp mới được khai thác tốt”. Ông Lê Văn Tiến |
Từ ngày 15/4, Sở GTVT Hải Dương cắm biển hạn chế phương tiện ba, bốn trục trở lên qua Tỉnh lộ 391 theo các giờ 6-8h, 16-20h. Từ ngày 16/5, Hải Dương tiếp tục cấm ô tô từ bốn trục bánh trở lên qua 10 tuyến đường: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Điện Biên Phủ, Lê Thanh Nghị, Trần Hưng Đạo, Thanh Niên và Tứ Minh. Đồng thời, cấm ô tô tải từ bốn trục trở lên lưu thông qua đường 62m theo khung giờ 6-8h và 16-20h hàng ngày.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương thẳng thắn thừa nhận, biện pháp này không phát huy tác dụng “cứu” Tỉnh lộ 391” như mong đợi, lượng phương tiện qua Tỉnh lộ 391 không giảm.
Theo ông Long, thay vì chạy cả ngày, đêm như trước đây, lái xe chọn cách căn giờ để chạy. Những lái xe đến trước giờ cấm thì đậu, đỗ xe chờ tới giờ cho phép chạy “tháo khoán” vào Tỉnh lộ 391. Để bù vào quãng thời gian chờ đợi, nhiều lái xe tăng tốc, phóng nhanh, vượt ẩu khiến giao thông trong những giờ không cấm đường càng hỗn loạn hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết thêm, biện pháp cấm đường còn ảnh hưởng không nhỏ tới một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương và huyện Tứ Kỳ. “Từ khi cấm đường theo giờ, chúng tôi nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện vì việc cấm đường này lại ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương”, ông Sẫm nói.
Kiểm soát chặt tải trọng xe
Thừa nhận thực trạng xe né trạm thu phí phá nát đường trung tâm xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), ông Ngô Xuân Điềm, Chánh thanh tra Sở GTVT Hòa Bình cho biết, TTGT tỉnh đã nhiều lần triển khai lực lượng xuống cung đường này, nhưng không có cơ sở nào để xử lý lái xe né trạm thu phí. Bởi nếu xe không quá tải, quá khổ so với kết cấu của xe thì TTGT không thể xử phạt. “Chúng tôi đang dự định tham mưu với Sở GTVT đề xuất họp với huyện tăng cường lực lượng chốt trực trên tuyến này, xử lý nghiêm vi phạm, nếu có”, ông Điềm nói.
Bản thân Chủ tịch UBND xã Tân Vinh, ông Đinh Văn Lợi cũng loay hoay không biết làm thế nào để hạn chế xe né trạm đi vào địa bàn xã. “Đây không phải là đường khu dân cư, nên không thể lập barie hay ụ chắn. Con đường này do huyện quản lý, chúng tôi chỉ biết gửi công văn cầu cứu huyện”, ông Lợi nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hồng, Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện Lương Sơn lại cho rằng, đường Tân Vinh hư hỏng không hẳn vì xe né trạm thu phí. “Tuyến đường này đã hỏng từ trước. Hiện huyện đã đầu tư làm được một đoạn hơn km, một đoạn nữa chưa có kinh phí thì để giai đoạn II sẽ đầu tư tiếp. Đây là đường cấp ba miền núi, tương lai sẽ quy hoạch thành đường tránh TX Lương Sơn, đang được huyện tiến hành nâng cấp”, ông Hồng thông tin.
Theo ông Hồng, để hạn chế xe né trạm trên tuyến đường liên xã Tân Vinh, biện pháp cần thiết là tăng cường quản lý, bổ sung cọc tiêu, biển báo hạn chế tải trọng và siết chặt kiểm tra, cân tải trọng tại tuyến đó. “Huyện cũng đã được trang bị cân tải trọng, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra trên tuyến này”, ông Hồng khẳng định.
Trung tá Lương Xuân An, Đội trưởng Đội CSGT huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cũng cho rằng, để tránh việc xe đổ dồn về các tuyến đường tránh né trạm thu phí, cần bổ sung biển báo hạn chế phương tiện tải trọng lớn ở những đoạn tuyến nhất định, sau đó tăng cường công tác TTKS xử phạt, răn đe.
“Như tại tuyến đường ĐH13, Sở GTVT, Công an tỉnh và huyện Văn Lâm đã thống nhất triển khai lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng, hạn chế phương tiện có tổng chiều dài không vượt quá 12m đi qua nút giao ĐH13 với ĐT385, đường sắt Hà Hải do tiêu chuẩn kỹ thuật nút giao chưa bảo đảm khai thác với xe có chiều dài lớn hơn. Hiện, Công an Văn Lâm vẫn tăng cường xử lý xe vi phạm, tuy nhiên có thực tế khi vắng bóng lực lượng chức năng thì phương tiện tăng trở lại ngay”, Trung tá An nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận