• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Chung tay vì ATGT

"Xoa dịu nỗi đau, hành động vì người đang sống"

16/11/2019, 07:00

Năm nay là năm thứ 8 Việt Nam tổ chức hưởng ứng hoạt động tưởng niệm Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT.

Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Tạ Tôn

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm nay diễn ra vào ngày 17/11 tại TP HCM. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ với Báo Giao thông xung quanh sự kiện này.

Thay đổi hành vi, tham gia giao thông an toàn

Nhân dịp lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, ông nhìn nhận thế nào về hậu quả của TNGT tại Việt Nam?

Trong 10 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam đã có trên 6.300 người chết và 10.000 người bị thương tật suốt đời do TNGT, mỗi ngày khoảng hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. Nạn nhân TNGT đa số là những người khỏe mạnh, tích cực, hăng say lao động, ở độ tuổi 18-55. Nguyên nhân chủ yếu là do hành vi tham gia giao thông không an toàn như: Lái xe sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chuyển hướng không quan sát, vi phạm nồng độ cồn... thậm chí có những người lái xe vi phạm mang đến cái chết oan uổng, bất ngờ xảy đến cho cả những cụ già, trẻ nhỏ còn đang say giấc ngủ trong chính ngôi nhà mình.

Điều đau lòng nhất với tôi là TNGT cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ con người rất to lớn và không thể bù đắp được. Phía sau những cái chết do TNGT là rất nhiều em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha, mẹ già không còn nơi nương tựa và đói, nghèo ập đến với hàng chục ngàn gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông điệp của lễ tưởng niệm năm nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đây là năm thứ 8 Việt Nam tổ chức hưởng ứng hoạt động tưởng niệm Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT. Thông điệp của lễ tưởng niệm năm nay vẫn là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.

Đây là thông điệp của lễ tưởng niệm hàng năm, thành thông điệp của toàn dân trong tưởng niệm nạn nhân TNGT. Đây cũng là dịp tưởng nhớ những người không may qua đời vì TNGT, chia sẻ với gia đình họ những nỗi đau, mất mát. Đồng thời, cũng là dịp để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ một cách sâu sắc về nguyên nhân, hậu quả của TNGT đối với mỗi người. Từ đó cùng nhau hợp sức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn TNGT, giảm thiểu những mất mát của các gia đình và toàn thể xã hội. Đây cũng là dịp để mỗi người tự nhắc mình về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông.

Nhiều người thắc mắc tại sao hàng năm chúng ta phải làm lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Trong một ngày, một năm, mỗi người chúng ta có rất nhiều việc phải quan tâm, hay công tác ATGT cũng có nhiều việc phải làm. Lễ tưởng niệm là dịp để mọi người nghĩ đến hậu quả, nghĩ đến những người đã ra đi vì TNGT, trong đó có những người thân yêu, bè bạn. Đây là dịp để mọi người nghĩ về người thân yêu của mình, đồng bào, bạn bè của mình. Những người mà hôm qua còn vui cười với mình, hôm qua còn là người yêu, hôm qua còn là bạn trai, bạn gái, hôm qua còn là con, là mẹ ôm ấp kề cận chăm sóc nhau nhưng nay không còn nữa.

Ai cũng có nhu cầu được sống khỏe mạnh, an toàn, mong muốn người thân, bạn bè mình được sống. Chúng ta nghĩ đến người mất đi để thấy cái chết vì TNGT là vô nghĩa và phải làm gì để không còn những cái chết vô nghĩa như thế. Chúng ta vẫn còn người thân bạn bè mình đang sống, nghĩ đến người đã mất thấy mình cần làm gì để bản thân, những người đang sống khác an toàn, làm gì để vi phạm giảm thì TNGT mới giảm. “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” là như vậy.

Thông điệp sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ những khó khăn cho các gia đình tại Lễ Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT tổ chức ở chùa Đại Bi

Có người cho rằng, trong số các nạn nhân TNGT có người gây ra cái chết cho người khác. Sao chúng ta phải tưởng niệm họ?

Đúng là trong số người chết vì TNGT thì chính bản thân người đó là người gây tai nạn cho người khác. Tuy nhiên, người gây tai nạn đó có thể là bạn, là người thân của mỗi ai đó cũng cần tưởng nhớ đến họ. Cần khẳng định rằng, đây là tưởng niệm chứ không phải tôn vinh, chúng ta chỉ nhớ đến họ chứ không phải tôn vinh họ. Có những cái chết rất đáng trách vì chính họ chết và gây tai nạn chết người cho người khác. Nghĩ đến họ để chúng ta điều chỉnh hành vi tham gia giao thông an toàn hơn. Người ta gây tai nạn nhưng cũng là bạn bè, người thân, con em của một ai đó.

Thông điệp lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT hàng năm mà Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, đối với tất cả nạn nhân không may bị TNGT và thân nhân nạn nhân TNGT đã tử vong, tôi xin gửi lời chia sẻ, mong họ cố gắng vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống. Còn đối với người dân, người tham gia giao thông hãy tuyệt đối tuân thủ pháp luật trật tự ATGT, nhường nhịn và có văn hoá để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh.
Ông Khuất Việt Hùng


Bản thân ông đã bao giờ có người bạn hay người thân của mình mất vì TNGT? Cảm xúc của ông khi đó thế nào?

Khi đang học đại học, một ngày tôi nhận được tin người em họ thân thiết vừa ra trường chuẩn bị đi làm mất vì TNGT. Hôm đó, trên đường từ Hà Nội về nhà trên chiếc xe máy bố mẹ mới mua cho chuẩn bị đi làm em tôi bị tai nạn không qua khỏi.

Nhận được tin báo, tôi không thể tin người em giỏi giang, thông minh, cao lớn, đẹp trai lại có thể ra đi mãi mãi. Khi đó tôi cũng đã chứng kiến bố của em - một người đã qua bao thăng trầm của cuộc đời bị suy sụp hoàn toàn. Từ đó đến nay, có những lúc tôi quên chuyện đó vì không nghĩ rằng người em mình không còn nữa. Thậm chí, có những lúc định gọi điện hỏi thăm nhưng mới sực tỉnh nhận ra sự thật người em là niềm tự hào, kiêu hãnh, hy vọng của gia đình dì tôi mất đi làm tôi có cảm giác khủng khiếp của TNGT.

Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thực hiện những giải pháp nào để “người ở lại” không phải gánh chịu thêm nỗi đau TNGT, thưa ông?

Năm nay là năm thứ 8 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” do Liên hợp quốc phát động. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm mục tiêu kéo giảm TNGT. Cùng đó, chúng ta cũng có nhiều nghĩa cử, tấm lòng cao đẹp tưởng nhớ những nạn nhân không may tử vong do TNGT.

Chúng ta phải có hành động thiết thực để mọi người được tham gia giao thông trong một hệ thống an toàn hơn. Chúng ta ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, phân tích những nguyên nhân, lý do tại sao xảy ra TNGT. Tổng kết thành những thông điệp gửi đến những người đang tham gia giao thông, để mỗi người từ khi ra đường đến khi về nhà được an toàn.

Trong các năm tiếp theo, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức các hoạt động này như thế nào, thưa ông?

Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động hưởng ứng, trong đó có sự phối hợp của các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, MTTQ Việt Nam sẽ sâu sắc hơn, toàn diện hơn đến tận cấp cơ sở để tính lan tỏa trong tổ chức các hoạt động tưởng niệm. Qua đó, phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, giúp nội dung và tinh thần của thông điệp về hoạt động tưởng niệm ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Theo Nghị quyết 70 của Liên hợp quốc, đến năm 2020, Việt Nam phải giảm thương vong do TNGT xuống khoảng 50% so với năm 2010. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì vậy cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo giải pháp thực hiện. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là các tổ chức đoàn thể xã hội trong đảm bảo ATGT.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Để những nỗi đau mãi không bao giờ quay trở lại

Không có nỗi đau nào khiến cho người ta bàng hoàng, sững sờ hơn là nỗi đau, mất mát do TNGT. Có những người ra đi khi bao kế hoạch còn dang dở, có những người vợ hàng ngày vẫn sắp xếp mâm cơm đầy đủ cho cả gia đình, nhưng đã có người không trở về. Chỉ vì một giây phút mất tập trung, không làm chủ tốc độ có thể gây ra những vụ tai nạn thảm khốc, để lại nỗi đau, nỗi mất mát không thể xóa nhòa cho người thân, gia đình và xã hội.

Lễ tưởng niệm thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bày tỏ niềm thương xót đối với những người không may thiệt mạng vì TNGT và người thân của họ. Qua đó cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT; góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật TTATGT, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT là một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn; là dịp để mỗi chúng ta cùng thế giới tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân và gia đình của họ. Đây là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè và cộng đồng về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Mỗi ngọn nến được thắp lên là lời tưởng nhớ những người không may tử vong do TNGT, đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy cẩn trọng hơn, cùng nâng cao ý thức và cộng đồng trách nhiệm khi tham gia giao thông để những nỗi đau mãi không bao giờ quay trở lại.

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn Hóa - Thể thao Hà Nội:
Nguyện cầu cho những linh hồn sớm được siêu thoát

Lễ Tưởng niệm những nạn nhân TNGT là việc làm rất ý nghĩa. Hành động này trước hết là sự chia sẻ nỗi đau, sự mất mát với các gia đình có người tử nạn do TNGT. Về góc độ tâm linh, theo phong tục văn hóa dân gian, lễ tưởng niệm là một sự nguyện cầu cho những linh hồn sớm được siêu thoát.

Đặc biệt, lễ tưởng niệm còn mang sứ mệnh cao cả hơn nữa là nhắc nhở những người đang sống tham gia giao thông dù ở hình thức, phương tiện nào cũng phải chú ý đảm bảo được an toàn cho bản thân mình, cho mọi người, đồng thời dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người đang sống, nếu không chấp hành pháp luật về ATGT hoặc thiếu chú ý khi tham gia giao thông, hậu quả sẽ khôn lường.

Nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ:
Tiếp nối truyền thống nhân ái của người Việt

Các sự kiện tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì TNGT được tổ chức là một hình thức hoạt động có ý nghĩa để tuyên truyền sâu rộng ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông.

Không ít nạn nhân ra đi do TNGT là những người phải từ bỏ cuộc sống khi tuổi đời đa số đang còn sung sức, thậm chí đang là lao động chính của gia đình. Truyền thống nhân ái của văn hóa Việt Nam dành cho họ sự cảm thương sâu sắc và lễ tưởng niệm là sự tiếp nối truyền thống nhân ái đó.

Cầu hồn cho quá khứ cũng là cầu mong cho hiện tại. Người đã qua và người còn có sự buộc bện tinh thần với nhau bền chặt. Những kinh nghiệm từng trải được nhắc lại cũng là để chúng ta nhìn lại mà xác định cho chính mình những hành vi sống cẩn trọng hơn, vì cộng đồng hơn.

Việc tưởng niệm các nạn nhân TNGT còn có sức lan tỏa mạnh mẽ, lay động tình cảm và mang đến hiệu quả tuyên truyền thiết thực đến từng người dân. Sự chuyển biến trong tâm hồn và trí tuệ sẽ nhanh chóng trở thành kim chỉ nam trong hành động.

Nam Khánh - Trần Duy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.