Hỏi - Đáp

Vụ lật xe dưa 9 người thương vong ở Phú Yên: Đền bù các nạn nhân thế nào?

06/04/2023, 09:42
image

Trong trường hợp xác định lỗi của tài xế dẫn đến lật xe chở dưa nhưng người này đã tử vong, vậy ai có trách nhiệm đền bù các nạn nhân?

Ngày 6/4, Công an tỉnh Phú Yên cho biết, vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ lật xe chở dưa hấu đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn huyện Tuy An khiến 9 người thương vong. Cơ quan này đang tiến hành kiểm tra tải trọng phương tiện.

Trước đó, vào ngày 4/4, lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, lượng dưa trên xe đã bị hư hỏng, phương tiện không còn nguyên vẹn nên không thể kiểm tra tải trọng. Hướng xử lý là làm việc với chủ hàng để nắm số liệu thu vào nguồn hàng nhằm xác định tải trọng phương tiện xe.

img

Hiện trường vụ lật xe chở dưa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người thương vong ở Phú Yên

Trước đó, vào khoảng 9h sáng 3/4, tại Km 3+700 Tỉnh lộ 643 thuộc (thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) xe tải chở dưa hấu BKS 73H-009.42 do tài xế Hoàng Ngọc Anh (SN 1991, trú xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển lưu thông theo hướng Tây - Đông, trên cabin xe có 9 người.

Khi xe tải chạy đến địa điểm trên bất ngờ đâm vào vách núi, lật xe. Hậu quả làm 4 người tử vong, trong đó 3 người tử vong tại chỗ, một người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và 5 người bị thương nặng. Tài xế Hoàng Ngọc Anh cũng đã tử vong trong vụ tai nạn.

Phương tiện này ban đầu được xác định do mất thắng khi xuống dốc dẫn đến vụ tai nạn; có dấu hiệu chở quá tải trọng. Đồng thời, theo quy định phương tiện này chỉ được chở 2 người nhưng tài xế đã chở đến 9 người trên ca bin.

Trao đổi với Báo Giao thông Luật sư Trần Viết Hà - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, với những thông tin ban đầu được xác định là xe quá tải trọng và chở quá số người quy định. Nếu qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định đó là đúng thì với các hành vi này tài xế đã vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bộ và có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Do đó, Cơ quan điều tra vẫn sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo quy định Điều 143, 154 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, do người thực hiện hành vi phạm tội đã tử vong nên sẽ không khởi tố bị can đối với lái xe đã tử vong. Đồng thời, nếu cơ quan điều tra cũng không xác định được ngoài lái xe có các cá nhân khác liên quan dẫn đến hành vi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ giải quyết về mặt hình sự.

Video toàn cảnh vụ tai nạn

Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, để xác định được trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan trong vụ tai nạn, phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, việc xe đâm vào vách núi là do xe mất phanh hay do tài xế lái xe với tốc độ cao, chở quá trọng tải nên không làm chủ được tay lái.

Theo quy định của pháp luật, bất kỳ loại phương tiện nào cũng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật, đảm bảo an toàn mới được tham gia giao thông. Tại Điều 10 Thông tư 53/2014/TT-BGTVT đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động các chi tiết, hệ thống, tổng thành để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới trước khi tham gia giao thông. Đồng thời phải kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau một chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.

Nếu một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do xe “mất phanh” thì lỗi này xuất phát từ đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe và cơ sở bảo dưỡng. Những cá nhân, đơn vị này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” quy định tại Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 với khung hình phạt cao nhất từ 5 năm đến 10 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

img

Vụ tai nạn khiến 9 người thương vong

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, xe ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ.

Trường hợp lái xe là người lao động làm thuê cho nhà xe và có lỗi gây tai nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ do nhà xe giao thì căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 nhà xe phải bồi thường thiệt hại do lái xe gây ra. Nếu nhà xe đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu lái xe phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp lái xe đồng thời cũng là chủ xe và tai nạn được kết luận do lỗi của lái xe thì lái xe phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại được bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Đối với tài xế đã chết, những người thừa kế của tài xế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản mà người chết để lại.

Theo Điều 4 và Điều 5 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, nếu chủ xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp "loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” quy định tại Điều 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP.

Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC cũng quy định cụ thể mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là một trăm năm mươi (150) triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là một trăm (100) triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Trường hợp chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm thì căn cứ vào thỏa thuận này để bồi thường thiệt hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.