Chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Trước và trong thời gian cơn bão số 3 diễn biến phức tạp, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, nhà kho, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Ông Đoàn Huy Tùng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Ngay trước thời điểm bước vào mùa mưa bão, lãnh đạo Sở GTVT đã yêu cầu các phòng ban phối hợp với các đơn vị đường bộ lên phương án chuẩn bị máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại".
Theo đó, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí phân công trực 100% các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ngành GTVT và trực 100% lực lượng thanh tra giao thông để theo dõi, chỉ đạo, xử lý các tình huống phát sinh do cơn bão số 3 gây ra.
Thông tin với PV, lãnh đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết trong đợt mưa lũ vừa qua, tổng chiều dài ngập úng trên các tuyến khoảng 5.930m, tập trung chủ yếu trên ĐT.305C qua địa bàn xã Triệu Đề và Sơn Đông (dài khoảng 4.500m); Đập tràn Km 8+750 ĐT.302B; tràn Cầu Nhội trên ĐT.302; tràn Tân Đồng Km 29+900 ĐT.302; Cầu chui đường sắt trên ĐT.310B; tràn Công Binh Km15+950 ĐT.310C…
Trước vấn đề trên, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương và đơn vị bảo trì thực hiện phân luồng giao thông ngay khi xảy ra ách tắc.
Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ đạo đơn vị bảo trì rào chắn, cảnh giới, phân luồng từ xa khi xảy ra ngập úng để các phương tiện chủ động lựa chọn hướng lưu thông khác phù hợp. Ngay sau khi nước rút, đơn vị bảo trì triển khai dọn dẹp, vệ sinh bùn đất, cây que, rác lắng đọng trên mặt đường để đảm bảo ATGT, mỹ quan".
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua cầu khi nước sông lên cao, chảy siết, đặc biệt là sông Lô, sông Phó Đáy, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan lưu ý đến việc đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí cầu, cống, ngầm tràn, các công trình nông nghiệp có kết hợp giao thông… để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi cho người tham gia giao thông trong mùa mưa bão, nhất là thời điểm bão số 3 đổ bộ, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo phân luồng giao thông qua vị trí sạt lở ta luy âm, lún sụt nền mặt đường nguy cơ gây đứt đường trên đoạn tuyến Km 88+750 - Km 88+810 tuyến QL15C; và phân luồng, tổ chức giao thông trên một số tuyến đường, tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Hạn chế tối đa thiệt hại
Trước những phương án đã được lên kế hoạch cụ thể, và sự chủ động ứng phó, Sở GTVT đã hạn chế tối đa những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Cụ thể, do trời mưa gió, đèn tín hiệu giao thông bị chập, cháy tại nút giao giữa QL.2 với Đường Lê Duẩn (thành phố Vĩnh Yên) và nút giao giữa Đường Kim Ngọc và Lý Thái Tổ, thiệt hại ước tính khoảng 50 triệu đồng.
Biển báo hiệu đường bộ gãy đổ, hư hỏng 43 biển báo hiệu các loại, thiệt hại ước tính khoảng 150 triệu đồng. Về sạt lở: 504m ta luy dương và ta luy âm chủ yếu trên QL.2B đoạn Km 13-Km 21, Km 4+100 ĐT.307… thiệt hại ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng. Khoảng 850 cây đổ, gãy ở trên hầu hết tất cả các tuyến đường.
Đáng chú ý, do mực nước sông dâng cao, khoảng 8h sáng 10/9, đã xảy ra sự cố tàu thuyền va vào cầu Vĩnh Phú. Cụ thể, có 1 ụ nổi sửa chữa tàu và 5 tàu trọng tải lớn va chạm, mắc kẹt tại trụ cầu Vĩnh Phú.
Ông Vũ Hanh, Phó trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở và các phòng ban cùng lực lượng ứng trực thuộc Sở GTVT đã ngay lập tức tới hiện trường và phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan lập rào chắn, khẩn cấp tạm dừng các phương tiện lưu thông trên cầu Vĩnh Phú.
Sau đó, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và mời PGS. TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải bàn phương án xử lý đồng thời có văn bản báo cáo nhanh với Bộ Giao thông vận tải về sự cố và đề nghị Bộ hỗ trợ.
Đến 17h ngày 10/9, lực lượng chức năng đã xử lý xong các phương tiện mắc kẹt. Tiếp theo đó, Sở GTVT đã phối hợp với Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT - Trường Đại học GTVT thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn khai thác của cầu Vĩnh Phú. Kết quả cầu vẫn đảm bảo khai thác bình thường và đã ban hành thông báo cho các phương tiện lưu thông qua cầu Vĩnh Phú bình thường từ 7h ngày 11/9".
Đối với các công tác khắc phục khác, ngay sau khi mưa chấm dứt, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì, vận hành hệ thống đèn tín hiệu xử lý khắc phục, đến nay đã hoạt động bình thường trở lại với kinh phí từ nguồn quản lý, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Ngoài ra, toàn bộ hệ thống báo hiệu đường bộ đã được đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tiến hành sửa chữa, gia cố đối với các biển bị hư hỏng nhẹ và thay thế đối với các biển báo bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa và xếp lại các cục dẫn hướng bị xô lệch.
Đối với vị trí sạt lở mái ta luy, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở, thống nhất triển khai sửa chữa đột xuất và đưa vào kế hoạch bảo trì công trình đường bộ năm 2024 bằng nguồn kinh phí trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024 đã được cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận