• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Vì sao người dân đi lại trên đường huyện 83 khó hơn lên rẫy?

16/11/2022, 17:06

Người dân bức xúc vì đường ĐH83 (Kon Tum) hư hỏng nặng, đến cán bộ trong xã cũng thấy “mệt” vì đi trên tuyến đường này còn khó hơn lên rẫy.

Đường độc đạo nát như bánh tráng

Sau các đợt mưa lớn vừa qua, tuyến đường huyện (ĐH) 83 hạy qua các xã Sơn Màu, Sơn Tinh và Sơn Lập, huyện Sơn Tây vốn dĩ đã hư hỏng nay càng nặng thêm. Cả con đường chạy xuyên qua các ngọn núi dài hun hút từ đầu huyện Sơn Tây đến giáp với xã Ngọc Tem (huyện Konplong, tỉnh Kon Tum) dài khoảng 25km.

Nền đường ĐH83 sau thời gian dài "cõng" những đoàn xe thi công thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C thêm hư hỏng.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc đường từ trung tâm xã Sơn Màu đến xã Sơn Tinh mặt đường bê tông bong bật, biến dạng, nhiều điểm tạo thành ổ gà, ổ voi lún sâu hơn mặt đường gần 20cm.

Tương tự đoạn nối từ khu vực đập thủy điện Sơn Trà 1C qua UBND xã Sơn Lập nối vào đường Đông Trường Sơn dài khoảng 15km, có hàng loạt vị trí mặt đường hư hỏng, bong tróc lớp nhựa tạo thành nền đường gồ ghề. Đối với những đoạn được làm bằng bê tông cũng bị nứt chằng chịt.

Không chỉ nền đường hư hỏng mà dọc tuyến có rất nhiều cầu cống cũng bị xuống cấp, có nguy cơ lún, sụp bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hệ thống biển báo bị tác động, xiêu vẹo.

Đường hư khiến người dân đi lại khó khăn. Đặc biệt các phương tiện chở hàng nông sản phải liên tục đánh lái tránh ổ gà, phòng xe nghiêng ngả....

Một nửa làn ĐH83 biến thành hố sâu chẳng khác nào cái bẫy với người tham gia giao thông.

Ông Đinh Này, xã Sơn Tinh cho biết, từ 3 năm qua tuyến đường độc đạo dẫn từ trung tâm huyện về 3 xã hư hỏng rất nặng nên bà con đi lại rất khó khăn, phương tiện nhanh xuống cấp. Thậm chí, nhiều trường hợp bị ngã gây thương tích.

“Hồi trước huyện đầu tư tuyến đường nhựa phẳng lỳ, chạy xe máy từ nhà qua đến huyện khỏe re. Nhưng từ khi các thủy điện xây dựng, nền đường dần xuống cấp rồi nát như bây giờ. Người dân chúng tôi “kêu” suốt nhưng không thấy ai đoái hoài gì. Có chăng, bên công ty thủy điện đổ vài xe đá cấp phối lấp mấy cái “ổ trâu” từng xảy ra nhiều vụ tai nạn. Bà con ở đây đã nghèo còn gặp bao cái khó, ngay cả đến đường giao thông đi lại cũng khó… vì thủy điện”, ông Này nói.

Ông Đinh Văn La, xã Sơn Lập cho biết, vừa rồi ở địa phương có trường hợp bị bệnh cần chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Người nhà nhờ hàng xóm có ô tô chở đi, nhưng chỉ chạy được một đoạn thì người nhà… xin không đi ô tô nữa vì ngồi trên xe xóc quá.

“Để cứu người bệnh, làng huy động cả chục thanh niên thay phiên nhau dùng võng khiêng người bệnh đến địa phận xã Sơn Màu, nơi nền đường không bị hư hỏng. Còn chiếc xe ô tô thì chạy chậm phía sau soi đèn để người dân khiêng võng đi. May thay người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Người dân mong muốn chính quyền sớm đầu tư lại con đường để bà con thuận tiện đi lại”, ông La kiến nghị.

Chậm khắc phục, dặm vá qua loa

Theo nhiều người dân các xã Sơn Tinh, Sơn Lập, trước kia khi chưa có các dự án thủy điện triển khai, tuyến đường ĐH83 khá tốt, việc đi lại, buôn bán giao thương hàng hóa của người dân khá tiện lợi, thông suốt. Tuy nhiên, từ khi có 3 dự án thủy điện triển khai, chủ đầu tư 3 dự án này đã đưa phương tiện cơ giới, vận chuyển vật liệu, máy móc với tần suất lớn, tải trọng nặng khiến tuyến đường xuất hiện những hư hỏng và dần nát như bây giờ.

Mặt đường nhựa đã bị hư hỏng chỉ còn mỗi nền đất và lún sâu.

Ông Đinh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh cho biết, người dân rất bức xúc vì tuyến ĐH83 hư hỏng nặng. Ngay bản thân cán bộ trong xã cũng thấy “mệt” vì phải đi lại trên tuyến đường độc đạo mà còn khó hơn lên rẫy.

“Trước khi thi công các dự án thủy điện, chủ đầu tư có cam kết với địa phương sẽ sửa chữa lại đường bị hư hỏng khi dự án hoàn thành. Từ cam kết đó, địa phương và người dân mới thống nhất, đồng thuận để thủy điện triển khai dự án. Giờ thủy điện làm xong rồi, công nhân, thiết bị kéo đi hết chỉ còn lại vài kỹ thuật quản lý nhà máy. Đường hư, người dân bức xúc và kiến nghị sửa chữa nhưng rất khó khăn, không được đáp ứng” - ông Ngọc nói.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lập Võ Tấn Tự khẳng định: Tuyến ĐH83 qua địa bàn xã bị hư hỏng, xuống cấp xuất phát từ nguyên nhân chính là do quá trình thi công các dự án thủy điện Sơn Trà 1A và 1B gây ra.

“Người dân kiến nghị lên xã nhiều lần, hết năm này qua năm nọ, phản ảnh từ khi thủy điện làm dang dở cho đến khi họ làm xong vận hành phát điện bán lấy tiền nhưng đường thì vẫn lơ không chịu sửa. Xã đã có báo cáo, kiến nghị lên UBND huyện Sơn Tây rất nhiều lần, yêu cầu sửa chữa lại tuyến ĐH83" - ông Tự nói.

Một đoạn đường bê tông được cho là "còn ngon" nhưng cũng chằng chịt hàng trăm vết nứt từ 2-5cm.

Liên quan đến tuyến ĐH83 hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, đi lại của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau như thời gian sử dụng lâu, thời tiết bất lợi… Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc thi công 3 dự án thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C gây ra.

“Trước đây, UBND huyện Sơn Tây đã có nhiều văn bản yêu cầu các công ty quản lý thủy điện cùng với huyện tham gia khắc phục hư hỏng. Tuy nhiên, các đơn vị này chỉ làm cho lấy có. Đơn cử như vừa rồi họ có đổ ít đất, đá cấp phối khắc phục một đoạn hư hỏng quá năng, nhưng chẳng thấm vào đâu. Về lâu dài, để đảm bảo việc đi lại của người dân an toàn, kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp lại tuyến đường. Đồng thời tiếp tục kiến nghị các công ty quản lý thủy điện sửa những chỗ hư hỏng” - ông Giang cho hay.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty CP 30-4, Nguyễn Văn Khánh, chủ đầu tư 3 dự án thủy điện cho biết: Trước khi dự án đi vào vận hành khai thác điện, công ty đã sửa chữa toàn tuyến và bàn giao cho địa phương từ 3 năm trước và đã có biên bản nghiệm thu với huyện. Nguyên nhân chính là địa phương quản lý không tốt và người dân mở đường chở keo làm hư.

"Sau khi bàn giao, địa phương quản lý không tốt, không khơi thông rãnh thoát nước, rồi người dân mở đường chở keo, mỗi khi mưa lũ xuống cuốn đất đá lấp rảnh và cống thoát nước dẫn đến nước đọng trên đường. Trong khi nền đường bê tông nhựa không chịu được nước đọng lâu ngày nên hư hỏng. Bản thân chúng tôi cũng sót cả ruột nên có kiến nghị với xã khơi thông rãnh thoát nước nhưng có ai nghe đâu? Họ bảo không có kinh phí để làm nên đành để vậy", ông Khánh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.