• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Vì sao chậm khắc phục hư hỏng đường Đông Trường Sơn?

03/12/2022, 20:29

Nhiều vị trí nền đường Đông Trường Sơn qua Quảng Ngãi bị đứt gãy, sạt lở... gây mất ATGT.

Đường hư, biển cảnh báo cũng rách

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau các đợt mưa lũ vừa qua, tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gánh thêm nhiều hư hại.

Thậm chí, nhiều đoạn vốn bị ảnh hưởng trước đó, nhưng chậm khắc phục tạo thành "bẫy" dễ gây mất ATGT...

Nền đường Đông Trường Sơn đoạn qua xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đứt gãy và nguy cơ sạt lở xảy ra, song từ lâu nơi đây chỉ có mỗi tấm biển cảnh báo đã rách nát.

Đi dọc đoạn tuyến từ cầu Ngọc Tem, giáp với huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đến xã Trà Vân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam không khó để chứng kiến hàng loạt điểm hư hỏng trên tuyến đường huyết mạch nối 7 tỉnh từ Quảng Nam đến Lâm Đồng.

Tại đoạn qua Km 170 thuộc địa phận thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, từ xa một đoạn tuyến được rào chắn bởi những sợi dây phản quang đã rách thành từng đoạn, hai đầu đoạn tuyến được dựng hai tấm biển cảnh báo với nội dung “Đi chậm” và tấm biển đối diện “Nguy hiểm, khu vực đường sạt lở”.

Để giữ các tấm biển báo đứng vững, người ta đã sử dụng những viên đá tảng đè lên chân tấm biển báo.

Ghi nhận của PV tại vị trí này cho thấy một đoạn nền đường bị nứt toạc tạo ra khe hở lớn. Cạnh dãy tường hộ lan mềm là một đoạn cọc sắt hộ lan của đoạn tường cũ sau quá trình sạt lở còn sót lại.

Đi tiếp về phía bắc tầm 200m, một đoạn đường dài khoảng 60m nền đường đã biến dạng và co lại chỉ còn nửa làn đường so với những đoạn còn lại. Nền bê tông đã gãy nát chỉ còn lại nền đường phình lên với lớp đá dăm.

Hệ thống mương thoát nước dọc có đoạn thì đứt gãy, đoạn thì sụp xuống, đoạn phình lên cao tạo ra những hàm ếch. Có đoạn, kênh thoát nước dọc biến mất nhường chỗ cho một đoạn nền đất gồ ghề.

Một đoạn nền đường Đông Trường Sơn phình lên, nền mương thoát nước dọc dựng chổng ngược.

Đi tiếp về phía bắc đoạn cuối xã Sơn Long, một đoạn nền đường bê tông sau lũ lụt đã bể vụn, nham nhở và tạo ra khe hở từ 5-7cm giữa các khối bê tông đứt rời. Nhiều phương tiện tham gia giao thông qua đây rất vất vả và chạy thật chậm.

Theo người dân địa phương, tại các vị trí hư hỏng trên tuyến đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do người dân tự té ngã là chính. Anh Đinh Văn Đó, xã Sơn Long cho biết, bản thân anh cũng từng chạy xe qua điểm đường hỏng và xe trượt ngã dẫn đến thương tích.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, lo ngại các vị trí hư hỏng của đường Đông Trường Sơn có thể dẫn đến tai nạn chết người nên địa phương phải sử dụng các tấm biển cảnh báo để hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

“Xã đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện kiến nghị có ý kiến với cơ quan quản lý để sớm có biện pháp khắc phục các hư hỏng nhằm đảm bảo ATGT trên đường. Dù vậy, từ cuối mùa mưa 2020 đến giờ vẫn không thấy ai đoái hoài gì. Xã đang rất lo lắng vì nếu các điểm hư hỏng không sớm được khắc phục thì mưa lũ ập đến bất ngờ, hiểm họa sạt lở rất lớn”, ông Vượt nói.

Sạt lở từ năm 2020 đến giờ chưa khắc phục

Tương tự đi dọc theo tuyến giao thông này qua địa phận xã Sơn Mùa, Sơn Bua (Quảng Ngãi) và Trà Vân (Quảng Nam) hiện trạng nền đường xuống cấp, hư hỏng.

Thậm chí, tại Km 156+900 qua xã Sơn Mùa, đã bị ách tắc hoàn toàn sau vụ sạt lở hồi năm 2020, nhưng đến giờ vẫn chưa thể khắc phục. Dưới lớp đất này đoạn nền đường nhựa đứt gãy rời rạc.

Đoạn đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Mùa bị sạt lở núi vùi lấp từ năm 2020 nhưng đến giờ chưa được khắc phục.

Những rọ đá để gia cố tatuy đường trước kia cũng bị đất đá dồn đống lại, vùi lấp và hư hỏng hoàn toàn. Hiện tại lưu thông qua đây người dân và các phương tiện phải đi qua một đoạn đường tạm tự phát được mở trên đất sản xuất của người dân địa phương.

Nền đường tạm gồ ghề, dốc và lởm chởm đá nên phương tiện qua đây rất khó khăn. Nhiều tài xế xe tải chở hàng nặng phải đi từ từ qua vì nền đường quá xấu và một bên là vực sâu. Do đường tạm và hư hỏng nặng nên giao thông qua đây rất phức tạp.

Anh Đinh Văn Sửu, xã Sơn Mùa cho biết, từ khi xảy ra sự cố sạt lở núi vùi lấp con đường, người dân phải tự mở đường tạm để đi. Không biết đến bao giờ cơ quan chức năng mới sửa lại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, trước thực trạng một số đoạn, điểm trên tuyến đường Đông Trường Sơn hư hỏng và nguy cơ tai nạn rất cao nên địa phương cũng đã có kiến nghị đến Sở GTVT, UBND tỉnh, Ban quản lý 46 - Bộ Quốc phòng và Khu Quản lý đường bộ 3, song đến nay mọi thứ vẫn nằm trên giấy.

Theo Ban Quản lý dự án 46 - Bộ Quốc phòng, đoạn tuyến xảy ra sự cố thuộc gói thầu số 24 và đoạn tuyến này đã thống nhất để Khu Quản lý Đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam đảm bảo giao thông tại vị trí sạt lở này, và đã hướng dẫn để huyện Tây Sơn kiến nghị lên Khu Quản lý đường bộ III.

Tuy nhiên, theo văn bản trả lời huyện Sơn Tây về việc này, Khu Quản lý Đường bộ III cho rằng: Đoạn Km 156+890 - Km 156 + 970 mới hoàn thành 85% khối lượng, nên Khu chưa nhận bàn giao, vì thế trách nhiệm vẫn thuộc Ban Quản lý dự án 46.

Người dân đi lại trên tuyến đường mở tạm qua đất sản xuất của người dân địa phương.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong cho rằng: Trách nhiệm thực hiện công tác sửa chữa đảm bảo giao thông tại vị trí sạt lở được Ban Quản lý dự án 46 đang triển khai thực hiện dự án kiên cố hoá. Vì thế, Ban và nhà thầu thi công dự án kiên cố hoá là đơn vị có trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo giao thông tại khu vực đang triển khai thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.