Xã hội

Vì sao cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn?

Góp ý vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một số đại biểu đề xuất quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn trong xử lý vi phạm giao thông, thay vì cấm tuyệt đối như hiện nay.

Cùng đó, những quy định liên quan đến phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải có thiết bị giám sát hành trình, hay tích hợp nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông… cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. 

Báo Giao thông trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an (thành viên ban soạn thảo) xung quanh vấn đề này.

Bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông

Một số ý kiến cho rằng quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tai nạn giao thông đang phức tạp. Tuy nhiên, cũng ý kiến cũng cho rằng quy định tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0 chưa phù hợp, nên chăng đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe. Quan điểm của cơ quan soạn thảo thế nào?

Với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Vì sao cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn? - Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. 

Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.

Do đó, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Hiện dự thảo Luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.

Dự án luật có quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Với điều kiện thực tế hiện nay, quy định này có khả thi, hay chỉ nên ưu tiên xe kinh doanh vận tải, còn xe cá nhân thì khuyến khích?

Thực hiện quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đối với người điều khiển, người sử dụng các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phương tiện giao thông thông minh tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Cùng đó, xe vận chuyển hàng nguy hiểm phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera bảo đảm giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe theo quy định của Chính phủ.

Còn xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải lắp thiết bị giám sát hành trình; xe cứu hộ giao thông đường bộ phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dẫn dữ liệu theo quy định.

Dự án Luật đang được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7. 

Trong quá trình này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng, khả thi.

Vì sao cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn? - Ảnh 2.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phương tiện giao thông thông minh tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Trong đó, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình phù hợp với các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân và tính khả thi khi được áp dụng trong thực tiễn.

Ứng dụng công nghệ ngăn tiêu cực

Tại các buổi thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định cần áp dụng công nghệ ngay để giảm tiêu cực trong lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông, hướng đến không xử phạt trực tiếp. Vậy những công nghệ có thể được áp dụng là gì, thưa ông?

Quán triệt quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đó là: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân, dự thảo Luật đã dành nhiều dung lượng nội dung quy định về ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được bao phủ hầu hết ở các chương (Điều 5, Điều 7, Điều 49, Điều 60, Điều 62, Điều 64, Điều 67, Điều 79...). Trong đó, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào 2 lĩnh vực.

Một là, phục vụ phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị chỉ huy giao thông thông minh; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống camera điều hành giao thông; thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Hai là, phục vụ chỉ huy, điều khiển giao thông thông qua trung tâm chỉ huy giao thông với chức năng là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình giao thông phục vụ chỉ huy, điều hành giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác liên quan tới giao thông đường bộ.

Cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người tham gia giao thông; nghiên cứu giải pháp bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt.

Những quy định như vậy có ý nghĩa thế nào trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thưa ông?

Những quy định nêu trên sẽ góp phần điều hành giao thông thông minh, tương ứng với xu thế phát triển cách mạng 4.0; giảm được tiếp xúc giữa cảnh sát giao thông với người dân thông qua giám sát, xử lý vi phạm bằng dữ liệu, hình ảnh, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Ví dụ, thay vì trực tiếp chỉ huy, điều khiển giao thông tại các tuyến đường bộ, cảnh sát giao thông sẽ giám sát tình hình giao thông qua hệ thống giám sát tại trung tâm chỉ huy giao thông để kịp thời có phương án chỉ huy, điều khiển giao thông phù hợp; đồng thời, qua hệ thống giám sát, cảnh sát giao thông sẽ kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.

Dữ liệu vi phạm sẽ được trích xuất, thông báo cho chủ phương tiện để thực hiện công tác xử phạt trên môi trường điện tử; người vi phạm sẽ thực hiện thủ tục nộp phạt qua các dịch vụ công trực tuyến, không phải tiếp xúc trực tiếp với cảnh sát giao thông, qua đó, hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tích hợp nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông vào ứng dụng VNeID là điều mà người dân mong mỏi từ lâu. Vậy hiện nay, bằng lái xe và giấy đăng ký đã có trên VNeID, người dân có cần mang theo các giấy tờ (bản cứng) này khi lái xe nữa không, thưa ông?

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định người dân không phải mang theo một số loại giấy tờ liên quan đến điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ đó đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định.

Nếu quy định này được thông qua thì sẽ được áp dụng trên thực tế. Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và xây dựng, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Cảm ơn ông!

Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.
Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến trong ủy ban đề nghị cân nhắc nội dung này vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương".
Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, một số thành viên khác của Ủy ban lại nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này đã được quy định tại khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.


Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) băn khoăn về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn và góp ý, nên có hình thức quy định để có ngưỡng nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần tham khảo quy định các nước và dẫn chứng ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng, trước khi tham gia giao thông. Lượng chất kích thích này, theo đại biểu, chưa đủ để tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Ngược lại, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) lại bày tỏ sự đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho biết, qua khảo sát của 177 nước, có 25 nước quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0.
“Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về những hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau”, đại biểu thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.