• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

Uống từ sáng, chiều kiểm tra vẫn vi phạm nồng độ cồn?

24/09/2014, 10:04

Các khách mời đã cùng trao đổi những vướng mắc trong ngăn chặn tài xế say xỉn gây thảm hoạ giao thông tại tọa đàm trực tuyến "Cách nào giảm TNGT do uống rượu bia?" do Báo Giao thông tổ chức.

Quảng cảnh buổi tọa đàm
Quảng cảnh buổi tọa đàm

Các khách mời tham gia tọa đàm sẽ cùng trao đổi về những tác hại của việc sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông và làm cách nào để giảm thiểu TNGT do rượu bia gây ra. Những vướng mắc trong kiểm soát, xử phạt tài xế say xỉn cũng sẽ được đặt ra với nhiều ý kiến đa chiều.

Khách mời tham gia tọa đàm gồm có Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng; Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn; Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GTVT) Trịnh Thị Hằng Nga; Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái; Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền; Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Thân Văn Thanh; Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu nước giải khát Nguyễn Văn Việt; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây Văn Thanh Liêm; TGĐ Công ty Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây Nguyễn Xuân Hải; Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh GS.TS Đinh Văn Thuận.

Các khách mời tại đầu cầu TP.HCM gồm Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM GS. Phan Xuân BiênBác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh; Thiếu tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng CSGT Công an Tp.HCM. 

Thưa ông, mỗi năm có hàng ngàn vụ TNGT xảy ra ở nước ta mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu bia. Mặc dù đã có các đợt tuyên truyền, vận động và quy định xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông khi sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép nhưng tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn không giảm, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG
Ông Khuất Việt Hùng
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG: Có thể nói cho đến thời điểm hiện nay Luật Giao thông đường bộ đã có qui định nghiêm cấm người điều khiển ô tô sử dụng bia rượu không được điều khiển phương tiện với những mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu bia, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn không chỉ không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Các số liệu thống kê chính thức về nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT do rượu bia thì chưa cao, có địa phương khoảng 10%, nhưng nhiều địa phương còn thấp hơn. Nhưng số liệu chúng tôi có được qua một số cơ quan chức năng, nhất là tại các bệnh viện lớn thì số liệu cao hơn nhiều.

Đơn cử tại Bệnh viện Việt - Đức, có tới 60% số ca vào cấp cứu do TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 40% số ca chấn thương đầu có sử dụng rượu bia. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động nhưng thực sự tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông không có nhiều thuyên giảm. Chúng tôi vừa kiểm tra công tác ATGT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhận thấy, trong số 198 người chết do TNGT gây ra trong 6 tháng đầu năm 2014, có đến 52 người chết do tự gây ra, không va chạm với ai. Nguyên nhân chủ yếu là đi xe máy tự đâm vào dải phân cách, tự ngã gây tai nạn, tử vong. Số còn lại cũng không ít trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia quá mức. Đây là vấn đề rất đáng báo động.

Chúng tôi hoan nghênh Báo Giao thông đã tổ chức buổi tọa đàm này. Đây là việc làm rất có ý nghĩa. Tại cuộc tọa đàm này có đại diện đơn vị sản xuất kinh doanh rượu bia và đại diện của các đơn vị kinh doanh vận tải... Chúng tôi sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp, cùng nhau trao đổi tìm giải pháp vận động người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng rượu bia.

Thời gian tới, chắc chắn sẽ có những đợt cao điểm xử lý vi phạm rượu bia, đặc biệt là trong quý IV cũng là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Một vụ tai nạn do người điều khiển mô tô sử dụng rượu bia ngay trước khi lái xe
Một vụ tai nạn do người điều khiển mô tô sử dụng rượu bia ngay trước khi lái xe

Một câu hỏi của độc giả gửi tới đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM: Thường xuyên tiếp xúc với các ca cấp cứu nạn nhân TNGT xin ông cho biết tỷ lệ các ca cấp cứu mà nạn nhân có uống rượu bia vào khoảng bao nhiêu phần trăm?

Ông Trương Thế Hiệp - Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy
Ông Trương Thế Hiệp
Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy

Ông Trương Thế Hiệp - Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy: Trung bình năm 2014 mỗi ngày tiếp nhận 250 đến 270 ca, trong đó rất nhiều vụ do TNGT, do uống rượu bia là 10%. Thậm chí có nhiều bệnh nhân có nồng độ cồn cao hơn 10 lần so với quy định.

Phần lớn nạn nhân vào cấp cứu do TNGT  có độ tuổi 18 đến 25 tuổi.

Khi bệnh nhân vào cấp cứu mà say rượu, nguy cơ tử vong có cao hơn bình thường không thưa bác sỹ?

 Nạn nhân có nồng độ cồn trong máu cao chắc chắn gây khó khăn cho công tác cấp cứu. 

Với người điều khiển xe gắn máy thì uống bao nhiêu rượu, bia thì vi phạm nồng độ cồn?

 

Ông Trương Thế Hiệp - Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy: Tùy vào loại rượu, bia của nhà sản xuất. Có những loại rượu 12 độ cồn, nhưng cũng có loại bia đến 65 độ cồn. Theo WTO khuyến cáo thì mỗi người một ngày sử dụng một ngày 50ml rượu mạnh. Đối với rượu nhẹ thì có thể uống 1.150ml, bia thì chỉ uống 330ml (tức khoảng 1 lon)….Tức là tùy theo sức khỏe của từng người. Mà tốt nhất khi điều khiển phương tiện giao thông thì không uống bia, rượu.

 

Theo quy định, người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu bao nhiêu là vi phạm? Nếu vi phạm, mức phạt như thế nào?

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng CSGT công an TP HCM:

Căn cứ tại khoản 8, điều 8, Luật giao thông đường bộ năm 2008:

- Nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định trên, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt căn cứ tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, cụ thể như sau:

1. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy:

-  Phạt 500.000 – 1.000.000 đồng, tước GPLX 01 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 10 Điều 6 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

Trong trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe 02 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

-  Phạt 2.000.000 – 3.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở  (Căn cứ Điểm e Khoản 6, Điểm c Khoản 10 Điều 6 và Điểm b Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

* Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. (Căn cứ Điểm b Khoản 6 Điều 6 NĐ 171/2013/NĐ-CP)

2. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước GPLX 01 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều này (Căn cứ Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 11 Điều 5 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

Trong trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe 02 tháng (Điểm c khoản 11 Điều 5 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 7.000.000  - 8.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm b Khoản 7, Điểm c Khoản 11 Điều 5 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng, tước GPLX 02 tháng và tạm giữ phương tiện 07 ngày trong trường hợp Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Căn cứ Điểm a Khoản 8, Điểm c Khoản 11 và Điểm a Khoản 1 Điều 75 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

* Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ. (Căn cứ Điểm b Khoản 8 Điều 5 NĐ 171/2013/NĐ-CP).

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng CSGT công an TP HCM:
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong
Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP HCM

Có thực trạng tỷ lệ người uống rượu bị phạt thấp do CSGT ngại xử phạt vì họ hay chống đối, ở TPHCM có hiện tượng này không?

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong: Tình hình sử dụng rượu bia trong thời gian gần đây sau khi tuyên truyền, xử phạt... ý thức của người dân có chuyển biến, có chiều hướng giảm chứ không nhiều như những năm trước. CSGT bên cạnh tuyên truyền thì tăng cường xử phạt.

Qua tìm hiểu các nguyên nhân gây TNGT, chúng tôi xác định nguyên nhân chính, trong đó trọng tâm là người điều khiển phương tiện lạm dụng rượu, bia. Trong 10 tháng 2014, chúng tôi đã kiểm tra, xử lý  trên 11.000 trường hợp vi phạm.

Trong giai đoạn đầu triển khai đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT gặp khó khăn do có nhiều lái xe chống chế, không hợp tác, hoặc do quá say nên thổi vào máy không được. Thậm chí còn có lời nói nhục mạ CSGT. CSGT đã rút kinh nghiệm, lựa chọn những cán bộ chiến sĩ ứng xử tốt, trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đã kiểm soát và xử lý hiện tượng này tốt hơn.

Độc giả Lê Văn Trung (Quận 9, TPHCM) hỏi: Hiện nay, CSGT TP Hồ Chí Minh có kiểm tra ở quán nhậu không, thưa ông?

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong: Chúng tôi không kiểm tra tại các quán mà kiểm tra trên các tuyến đường trọng điểm có nhiều quán ăn. Đây là những tuyến đường có TNGT cao. Đồng thời cũng xác định các thời gian cao điểm xảy ra TNGT và các điểm đen TNGT chứ không trực tại các quán.

Do kiểm tra xử phạt tài xế say xỉn gặp nhiều khó khăn, có tình trạng CSGT "ngại" xử phạt đối tượng này. Xin được hỏi Thiếu tá Phong, TP HCM có khoán phạt hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện không?

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong: Chúng tôi không khoán. Chúng tôi xác định đây là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT và tập trung xử lý. Chúng tôi linh hoạt bố trí cán bộ và địa điểm một cách khoa học đồng bộ để đạt hiệu quả cao.

Quảng cảnh buổi tọa đàm đầu cầu TP.Hồ Chí Minh
Quảng cảnh buổi tọa đàm đầu cầu TP.Hồ Chí Minh

Xin được hỏi Ban ATGT Quảng Ninh, Quảng Ninh là 1 trong 5 tỉnh thí điểm kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh, qua thực tế triển khai, hiệu quả đạt được như thế nào, còn gì vướng mắc?

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quảng Ninh
Bà Nguyễn Thị Hiền
Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quảng Ninh

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quảng Ninh: Việc kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh theo quy chuẩn quốc tế đã được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh theo quy trình: Sau khi dừng xe, lái xe ngồi tại vị trí lái, cảnh sát đưa ống thổi, lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn sẽ bị đưa vào xử lý theo quy định, trong trường hợp không vi phạm sẽ được đi ngay, thời gian kiểm tra chỉ mất 5 giây.

Sau 2 năm triển khai, chương trình đã tiến hành sơ kết tại Hà Nội vào tháng 12/2013 và tại Quảng Ninh vào tháng 8/2014. Đánh giá bước đầu cho thấy, đây là mô hình hiệu quả cao. Trong 8 tháng đầu 2014, Quảng Ninh đã dừng kiểm tra trên 10.000 lượt phương tiện, phát hiện 1.546 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Hiệu quả rõ nhất trong quy trình này là: Trong khoảng thời gian ngắn kiểm soát được số lượng lớn phương tiện. Qua việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn nói chung và việc kiểm tra áp dụng kinh nghiệm quốc tế nói riêng, cho thấy đã có ảnh hưởng tích cực đối với người điều khiển phương tiện, tạo được sức răn đe, giáo dục tốt, góp phần phòng ngừa, hạn chế TNGT. Qua đó bước đầu có ý nghĩa răn đe các lái xe khi tham gia giao thông; được dư luận ủng hộ và chính quyền đánh giá cao.

Mô hình này đã được Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) Bộ Công an ban hành  hướng dẫn kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế ngày 6/6/2014.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, khó khăn. Trước hết, vì chỉ tập trung cho một chuyên đề này nên các lực lượng chức năng sẽ dễ bỏ sót hành vi khác như lái xe điều khiển không có bằng chẳng hạn. Quá trình kiểm tra cũng đòi hỏi lực lượng tương đối đông, gồm 12 đồng chí cho một chốt kiểm tra (bao gồm Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông) nên khó huy động đầy đủ lực lượng triển khai. 

Vị trí, địa điểm kiểm soát xử lý phải lựa chọn những nơi thực địa tốt (đường 1 chiều, lòng đường rộng, có đất trống làm bãi đỗ xe). Trong khi những tuyến đường, địa bàn, địa hình có nhiều người vi phạm về nồng độ cồn lại không đáp ứng được (như trong khu vực nội thành, nội thị, khu vực nhà hàng, quán ăn). Nhiều tuyến đường đang được nâng cấp sửa chữa và chủ yếu là đường 2 chiều, lòng đường hẹp nên rất khó chọn địa điểm để kiểm soát. Kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh thường vào ban đêm nên yêu cầu về ánh sáng là rất quan trọng.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, có thể khẳng định việc kiểm tra nồng độ cồn ở Quảng Ninh đã tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và được các cấp chính quyền đánh giá cao.

Thời gian tới, để chương trình này được duy trì hiệu quả, chúng tôi đề xuất có thể bố trí xe cơ động, có trang bị đầy đủ thiết bị, để có thể kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh bất cứ lúc nào, tại nhiều vị trí khác nhau. Đồng thời, UBATGT QG cùng Bộ Công an tiến hành triển khai mô hình này nhân rộng trên toàn quốc, qua đó tạo thành thói quen của người khi tham gia giao thông hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông, góp phần giảm TNGT rõ rệt.

Quảng Ninh có công khai tên cán bộ công chức vi phạm, uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông không, thưa bà?

Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, xe vi phạm giao thông kể cả xe biển xanh cũng đăng tải công khai, danh sách công chức vi phạm giao thông cũng thông tin công khai cho các cơ quan truyền thông của địa phương. Thực tế, đã có công chức tại tỉnh do vi phạm uống rượu bia lái xe đã bị xử phạt, chuyển công tác khác.

CSGT Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh khi tài xế vẫn ngồi trên xe
CSGT Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh khi tài xế vẫn ngồi trên xe

Một độc giả của Báo Giao thông gửi câu hỏi, tôi uống rượu từ sáng, nhưng đến trưa lái xe đi qua Quảng Ninh kiểm tra vẫn bị xử phạt. Vậy nguyên nhân vì sao, xử phạt như vậy có quá khắt khe hay không, mong các cơ quan chức năng và chuyên gia giải thích giúp?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG: Điều này rất đơn giản. Cá nhân tôi có kinh nghiệm và cũng đã trực tiếp thổi vào máy thử nồng độ cồn để thử nghiệm. Tại buổi sơ kết xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Quảng Ninh. Tôi có lần uống từ tối hôm trước, sáng hôm sau thổi vào máy đo nồng độ cồn thì chỉ còn 0%.

Việc độc giả uống từ sáng mà chiều thổi vào máy vẫn nhận được kết quả vi phạm có thể do mấy trường hợp là: Do uống quá nhiều hoặc tốc độ phân giải của cơ thể chậm. Độ phân giải nhanh hay chậm của mỗi người là khác nhau. Do vậy, cũng cần cân nhắc thể trạng của mình để quyết định sử dụng rượu bia bao nhiêu và bao lâu trước khi lái xe. Tôi có lời khuyên với độc giả này là nếu có uống thì nên uống từ tối hôm trước để hôm sau có đủ thời gian phân giải hết, sẽ không bị xử phạt. 

Xin hỏi, ngoài những ý kiến trao đổi ở trên, theo ông còn nguyên nhân nào cần chú ý để từ đó có giải pháp hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia gây TNGT?

Ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN
Ông Thân Văn Thanh
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN

Ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN: Về nguyên nhân, chúng ta có thể nói văn hóa uống rượu bia của dân tộc ta đã có từ hàng trăm năm, đã thấm sâu vào máu của từng người. Muốn thay đổi văn hóa đó trước hết cần sự nỗ lực của các cơ quan truyền thông để mọi người đều nhận thức được tác hại của rượu bia, nhất là đối tượng điều khiển phương tiện giao thông.

Hiện có 3,8 triệu GPLX ô tô và 31 triệu GPLX mô tô. Như vậy là gần 1/3 dân số sử dụng phương tiện giao thông. Số người sử dụng phương tiện nhiều như vậy nhưng hầu hết lại chưa có ý thức trong việc sử dụng rượu bia mặc dù biết là sau khi uống rượu bia có thể gây tai họa do tác động của nồng độ cồn đến nhận thức hành vi.

Ở đây cũng có nguyên nhân về phía cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật, cưỡng chế thi hành. Thiết bị đo nồng độ cồn mới được du nhập vào nước ta từ 2007, giai đoạn đầu chỉ là thiết bị thử nghiệm. Kinh nghiệm quốc tế đã làm nhiều năm nhưng nước ta mới thí điểm ở Quảng Ninh và một số tỉnh, do điều kiện kinh tế VN nên chưa du nhập được nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại để mở rộng kiểm tra, tạo chuyển biến trong nhận thức người dân. 

Các doanh nghiệp vận tải trong Hiệp hội có giải pháp gì để quản lý các lái xe không sử dụng rượu bia trong hành trình?

Ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN: Trong số 3,8 triệu lái xe ô tô, có khoảng hơn 1 triệu lái xe đang lao động trong 1.500 hội viên của Hiệp hội. Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội đã chuyển tới các doanh nghiệp, đội xe những khẩu hiệu, quảng bá như: Đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện. Và không một chủ doanh nghiệp, trưởng đội xe nào lại dại dột giao cho lái xe say xỉn điều khiển phương tiện trị giá hàng tỷ đồng cùng với rất nhiều tính mạng hành khách trên xe.

Thực tế, theo tôi đánh giá, các doanh nghiệp vận tải đã quản lao động khá tốt, không để tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tích cực tuyên truyền, phổ biến đến từng lái xe để họ nhận thức được tác hại của rượu bia đối với việc điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Chiếc xe gây ra vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, nguyên nhân do tài xế uống rượu trước khi cầm lái
Chiếc xe gây ra vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, nguyên nhân do tài xế uống rượu trước khi cầm lái

Nên có chế tài gì mạnh hơn, biện pháp kiểm soát quản lý như thế nào để giảm tình trạng lái xe uống bia rượu?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT
Bà Trịnh Thị Hằng Nga
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT: Trong các qui định của pháp luật đều có qui định cấm lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Các qui định chủ yếu nằm trong các Nghị định trong lĩnh vực văn hóa, an ninh trật tự, nghị định về xử lý vi phạm ATGT (171), tước GPLX tùy trường hợp.

Việc lạm dụng rượu bia dẫn đến hiểm họa khôn lường về TNGT. Như Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia và ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô vừa nói, do phong tục tập quán không thể cấm tuyệt đối, nhưng việc sử dụng như thế nào cho hợp lý là điều cần bàn.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải phòng ngừa để mọi người nhận ra tác hại của rượu bia. Chúng ta sử dụng các biện pháp đồng bộ, nhưng nếu ý thức của người sử dụng không có chuyển biến, cũng không thể ngăn ngừa được. Trong quản lý hiện nay cũng có đề án về ngăn chặn, phòng ngừa lạm dụng rượu bia. Nhưng theo tôi, tới đây cần có in thông tin cảnh báo trên bao bì, nhãn mác rượu bia như đối với thuốc lá đã làm. Hiện cũng đã có một số loại rượu bia được in cảnh báo.

Sắp tới, sẽ có Luật về việc lạm dụng rượu bia. Tôi được biết, việc kinh doanh rượu đã có Nghị định và tiến tới sẽ có nghị định về kinh doanh bia. Các qui định này hướng tới việc qui định lượng rượu bia tối đa được bán cho một khách hàng tại chỗ. Đây là những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ ở phạm vi ngăn chặn lái xe sử dụng rượu bia như hiện nay.

Theo ông cần có chế tài gì mạnh hơn, biện pháp kiểm soát quản lý như thế nào để phòng chống tác hại của bia rượu?

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT
Ông Nguyễn Văn Thuấn
Vụ trưởng Vụ ATGT

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT): Trong lĩnh vực GTVT, tôi cho rằng chúng ta kiểm soát ngăn chặn TNGT do rượu bia mới làm được phần ngọn, đó là trông chờ vào CSGT kiểm tra, xử lý sau khi vi phạm đã xảy ra rồi (người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia), đây là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề. Trong khi đó, hiện nay, việc phân phối bán rượu bia rất phổ biến ở quán nước, quán ăn, ven đường, ở đâu cũng tiếp cận được rượu bia và sử dụng thoải mái tự nhiên mà không bị kiểm soát. Do vậy, tôi cho rằng, muốn phòng chống tác hại của rượu bia, phải làm ngay từ gốc, nghĩa là làm thế nào để người điều khiển trước đó không sử dụng rượu bia.

Hiện nay việc kiểm soát rượu bia khi tham gia giao thông  chủ yếu trông chờ cả vào CSGT, dù Nghị định 171 đã quy định Cảnh sát trật tự, lực lượng phản ứng nhanh đều dược xử phạt. Bởi có thực tế là máy đo nồng độ cồn còn khan hiếm khiến các lực lượng này chưa được trang bị, do đó khó thực hiện phát hiện và xử phạt.

Ngoài ra, tỷ lệ người điều kiển phương tiện đa phần đi lại trong đường làng đường xã chúng ta cần tuyên truyền về tác hại của rượu bia và có thói quen kiềm chế trong tất cả tình huống.

Như các bạn thấy ở các nước phát triển, khi bạn bè đưa nhau đi ăn uống, người điều khiển ô tô không bao giờ uống. Hiện nay, tại một số DN Vận tải quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, lái xe cũng ý thức được việc không uống rượu bia. Lái xe của các cơ quan, công sở cũng chấp hành tương đối nghiêm túc yêu cầu này. Vấn đề còn lại là ở những người sử dụng phương tiện cá nhân (bao gồm cả sử dụng xe ô tô, xe máy) rất khó kiểm soát. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự phối hợp của những người kinh doanh rượu bia, thực hiện nghiêm túc quy định về bán rượu bia cho các đối tượng không được phép, trong đó có người tham gia giao thông.

Về chế tài xử phạt, hiện chúng ta đã có quy định xử phạt uống rượu bia trong quá trình điều khiển phương tiện trên cả lĩnh vực đường thủy, đường sắt, đường bộ đều có quy định rõ việc xử phạt. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, mức xử phạt thấp nhất 2-3 triệu đồng (thấp), cao nhất đến 15 triệu đồng với người lái xe ô tô vi phạm là rất cao rồi, vấn đề còn lại là chúng ta có kiểm tra, xử phạt đến nơi đến chốn hay không. 

Vẫn để nổ máy, lái và phụ xe tải nhẹ này mỗi người uống 2 cốc bia rồi nhanh chóng đi tiếp (Chụp trước quán bia phố Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Vẫn để nổ máy, lái và phụ xe tải nhẹ này mỗi người uống 2 cốc bia rồi nhanh chóng đi tiếp (Chụp trước quán bia phố Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Có nhiều ý kiến cho rằng người Việt đang uống bia quá nhiều, trong tốp đầu của thế giới. Xin được hỏi đại diện hiệp hội Rượu bia nước giải khát, số lượng bia rượu trên đầu người ở VN hiện nay là bao nhiêu? Có quá cao so với các nước trên thế giới?

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu nước giải khát Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Việt
Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu nước giải khát Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu nước giải khát Việt Nam: Tôi khẳng định là Việt Nam chúng ta chỉ sử dụng rượu bia cũng ở mức trung bình trên thế giới. Hiện nay, nếu tính về bia, trung bình mỗi người sử dụng từ  30-32 lít một năm. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia. Về rượu, bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 200 triệu lít hoặc hơn.

Số này gồm cả rượu công nghiệp, nhập khẩu, và do người dân tự sản xuất. Bình quân mỗi người sử dụng khoảng 3 lít rượu một năm. Công cả bia và rượu, mỗi năm một người dân Việt Nam sử dụng 3,75 lít. Con số này thấp hơn các nước khu vực như: Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan.  Đấy là các số liệu do Tổng cục thống kê cung cấp nên hoàn toàn thuyết phục và có tính pháp lý.

Để sử dụng rượu bia hợp lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn giao thông, chúng ta cần nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh việc tuyền truyền, giáo dục. Chẳng hạn như cuộc tọa đàm hôm nay rất có ý nghĩa. Hiệp hội chúng tối cũng đã và sẽ có nhiều hoạt động, giải pháp để tuyên truyền về vấn đề này.

Chẳng hạn như Công ty bia Miền Tây đã sản xuất loại bia không cồn. Đây là loại bia không ảnh hưởng gì đến lái xe, cho một bộ phận người có thể hạn chế được việc uống bia. Đây là sản phẩm rất mới. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong sản xuất loại bia này, nhiều nước, đặc biệt các nước trong khu vực còn chưa làm được.

Ông đánh giá như thế nào về văn hóa uống bia, rượu của người Việt. Uống như vậy có văn hóa chưa? Có đề xuất nên cấm hẳn bia rượu? Ý kiến ông thế nào?

GS Phan Xuân Biên – Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh
GS Phan Xuân Biên – Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh

GS Phan Xuân Biên – Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Bản chất uống rượu, bia có thể xem là hoạt động hành vi văn hóa. Ngồi với bạn bè mới uống chứ ít ai uống một mình.

Ông bà ta xưa nói “Trà tam rượu tứ”. Nhưng hiện nay nhiều lúc, nhiều nơi uống bia rượu chưa thực sự văn hóa. Có người thi nhau uống, uống cho đến lúc say, xỉn, thậm chí gây gổ đánh nhau. Hậu quả là khi quá chén tham gia giao thông còn gây thảm họa về giao thông, đây là hành vi vô văn hóa. Ở đây không chỉ bia rượu không mà còn là hiểu biết về Luật GTĐB. Uống rượu bia là văn hóa nhưng uống thế nào để cho có văn hóa thì dường như chưa ai quan tâm, xã hội cũng chưa lên án những hành vi này đủ để mỗi người tự điều chỉnh. 

Gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin Công ty CP bia Sài Gòn – Bình Tây cho ra mắt sản phẩm mới là bia SAGOTA không cồn. Xin ông cho biết, vì sao Công ty lại tiên phong sản xuất bia không cồn khi lợi nhuận thấp hơn so với bia có cồn? Đối tượng tiêu dùng bia không cồn mà công ty hướng tới là gì thưa ông?

Ông Văn Thanh Liêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây: Với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn, chúng tôi đã nhiều lần hội thảo, hội nghị xoay quanh vấn đề ngày hôm nay đặt ra. Chính vì vấn đề này, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn, chúng tôi đã quyết định đầu tư sản phẩm bia không cồn. Hiện nay để ra sản phẩm này thì giá rất cao vì còn phải tách cồn, công nghệ hoàn toàn mới.

Ông Văn Thanh Liêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây
Ông Văn Thanh Liêm
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây

Hiện nay, với mức giá bán bia không cồn Sagota, chúng tôi đang chịu lỗ chi phí lớn để bỏ cồn trong bia nhưng lại phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt như bia bình thường.

Đây là bất hợp lý chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi. Tôi xin khẳng định là uống bia không cồn vẫn giữ được nét văn hóa "chạm cốc" khi có cuộc vui, tiệc cưới nhưng người uống không say, lại tốt cho sức khỏe. 

Chúng tôi rất vui vì sản phẩm mới ra nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, mọi giới, lứa tuổi… Phụ nữ uống bia này rất tốt, nhất là phụ nữ mới sinh đẻ uống vào còn có nhiều sữa. Vì thế, ở Sài Gòn còn có bác sĩ nói rằng tắm cho trẻ sơ sinh cũng được. Nhưng chuyện đó nói sau, điều chúng tôi muốn nói ở đây là chúng tôi có cả bia không cồn và bia có cồn. Quan trọng là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Lúc nào uống thế nào và uống ra sao chính là văn hóa sử dụng rượu bia. Người nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề này, ví dụ như ở Đức, người dân rất có trách nhiệm đối với hành vi uống rượu bia.

Cần tuyên truyền cho người dân uống một cách có trách nhiệm. Nếu không uống được hay phải lái xe mà cứ cần chạm cốc thì theo tôi nên lựa chọn bia không cồn. Còn uống rượu tự sản xuất chưa được đảm bảo chất lượng thì còn nguy hiểm hơn. 

Thưa GS.TS Đinh Văn Thuận, ông đánh giá thế nào về loại bia này?

GS.TS Đinh Văn Thuận – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh
GS.TS Đinh Văn Thuận
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh

GS.TS Đinh Văn Thuận – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Vinh: Bia không cồn thế giới đã có hàng nhiều, hàng thập kỷ nay, những loại đến 0,5 độ thì được quy định là bia không cồn. Bản thân tôi đã thí nghiệm, uống 2,5 lít một lúc vẫn không ảnh hưởng mặc dù tôi là vốn là người không uống được rượu bia.

Ở VN, bia Sagota là sản phẩm bia không cồn đầu tiên mới ra đời được 2 tháng. Công nghệ sản xuất bia không cồn có rất nhiều. Thế giới có thể sản xuất bằng cách khống chế quá trình lên men hoặc dùng men đặc chủng. Còn Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây lại dùng phương pháp tách từ bia có cồn bằng áp suất trên không trong điều kiện nhiệt độ thấp để đảm bảo hương vị màu sắc, chất liệu giống bia có cồn nhưng uống không say.

Nhưng khi uống bia không cồn vào ông có cảm giác phấn chấn như bia có cồn không? Vì nếu uống không có cảm giác phấn chấn, say thì nhiều người sẽ không uống? 

GS.TS Đinh Văn Thuận Tôi đã thử nghiệm uống bia không cồn rất nhiều (10 lon/ngày), thấy rất phấn chấn, khỏe. Tiền sử tôi có bệnh huyết áp, tim… nhưng sau khi uống bia này thì khi kiểm tra các chỉ tiêu này đều giảm. Tôi chơi thể thao, khi uống bia không cồn có thể không cần ăn trưa, nhưng vẫn tràn đầy năng lượng, đảm bảo sức khỏe.

Nếu uống bia chục lon bia không cồn, thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn liệu có vi phạm không thưa ông?

GS.TS Đinh Văn Thuận: Uống bia  này thì 2-3 lít, thổi vào máy kiểm tra nồng độ của Công an cũng không sao cả. Vì lượng cồn rất thấp.

Từ tỷ lệ vi phạm của các lái xe, ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm và biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia gây ra?

Ông Nguyễn Trọng Thái- Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia
Ông Nguyễn Trọng Thái
Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia: Qua đánh giá triển khai dự án ở Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh và Thanh Hóa, Nghệ An chúng tôi thấy rằng tỷ lệ vi phạm của lái xe chuyên nghiệp như xe khách, xe tải rất thấp. Chủ yếu là vi phạm của lái xe con, xe cá nhân và xe mô tô còn cao (6,5% trong các trường hợp được kiểm tra).

Qua đó, ta xác định giải pháp cho từng đối tượng. Với lái xe cá nhân phải kiểm soát mạnh, tăng cường kiểm tra, xử phạt. Với lái xe tại các doanh nghiệp vận tải, tỷ lệ vi phạm thấp hơn nhưng nếu gây ra tai nạn thì thiệt hại lại lớn hơn nên cũng phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm minh. Cần thực hiện nhiều giải pháp pháp kiên trì, đồng bộ; phân công trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức thực hiện.

Qua kinh nghiệm triển khai ở Quảng Ninh, có thể thấy công tác chỉ đạo cực kỳ quan trọng. Nơi nào chỉ đạo tốt nơi đó có hiệu quả rõ rệt.

Tại Quảng Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chuyên đề triển khai bài bản. Sau đó, Tổng cục 7 (Bộ Công an) đã xây dựng 1 hướng dẫn về kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm nước ngoài được tổ chức theo chuyên đề và bố trí lực lượng, phương tiện rất nhiều (8-10 người), phương tiện đầy đủ, kế hoạch bài bản. Khi được triển khai có thể kiểm tra, phát hiện số lượng người vi phạm rất cao trong thời gian ngắn.

Việc chống đối lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ xảy ra rất ít. Do các địa phương huy động nhiều lực lượng, có nhiều sáng tạo. Ví dụ, Đà Nẵng bố trí chốt kiểm tra ngay tại trụ sở Công an phường. Đối tượng chống đối sẽ được mời vào công an phường làm việc, 

Hôm nay, tới dự tọa đàm, tôi cũng mới nghe nói tới Việt Nam cũng có bia không cồn. Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc hướng một bộ phận người dân sử dụng bia không cồn trước khi làm quen với khái niệm tuyệt đối không uống bia rượu trước khi lái xe cũng là một nét văn hóa mới. 

Ông Trương Ngọc Thu - Phó Tổng giám đốc Cty vận tải Phương Trang
Ông Trương Ngọc Thu - Phó Tổng giám đốc Cty vận tải Phương Trang

Xin cho hỏi Doanh nghiệp vận tải Phương Trang có gặp khó khăn gì khi quản lý lái xe, xử lý lái xe uống rượu bia hay không?

Ông Trương Ngọc Thu - Phó Tổng giám đốc Cty vận tải Phương Trang: Phương Trang có bảng nội quy tài xế bị cấm không được uống rượu bia trước khi lên ca.

Trước khi lên ca 1 tiếng, giám đốc các chi nhánh kiểm tra lái xe. Nếu vi phạm thì dù lần đầu thì cũng bị đuổi việc. Chính vì quy định nghiêm như vậy nên chưa có trường hợp nào bị phát hiện uống rượu khi lái xe.

 

Theo ông việc xây dựng văn hóa sử dụng rượu bia nên được thực hiện thế nào ?

Ông Nguyễn Xuân Hải – TGĐ Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây:  Bia rượu đã được sử dụng hàng ngàn năm nay và các nước cũng phải đối mặt với tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông chứ không riêng VN. Nhưng bất cứ biện pháp gì cấm đoán đều rất khó thực thi, như chính sách cấm rượu tại Mỹ, Nga... trước đây đều đã thất bại.

Thế nên, theo tôi việc xây dựng văn hóa khi uống bia, rượu rất quan trọng. Tuyên truyền liên quan đến nhận thức nên bắt đầu từ khi con trẻ ngồi trên ghế nhà trường. Trong gia đình, có nhiều trường hợp bố đi uống rượu về con nhắc nhờ, bố thấy ngại, dần dần hạn chế. Những cách tác động này có khi còn hiệu quả hơn cả CSGT xử phạt.

Ông Nguyễn Xuân Hải – TGĐ Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây
Ông Nguyễn Xuân Hải
TGĐ Công ty CP Bia Sài Gòn – Bình Tây

Một vấn đề nữa cần đặt ra là uống như thế nào?  Bia Henken, 333 có nồng độ cồn ghi rõ, ta có thể tự kiểm soát được. Hay bia của chúng tôi, bia Sagota không cồn uống 16 lon tương đương 1 lon Heniken hiện nay. 

Bên cạnh đó phải hiểu được chuyển hóa của bia rượu trong cơ thể. Nếu ta biết được cơ địa, khả năng của ta 1, 2 tiếng lượng men gan chuyển hóa cân bằng thì ta không bị nhiễm độc andehit và nhiễm độc cồn để không say xỉn.

Uống rượu bia không phải lúc nào cũng là uống lấy được, thông thường nếu ta hiểu biết và tự kiểm soát được thì sẽ không dẫn tới những hệ quả đáng tiếc như gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình...

Hiện Bộ Tài chính đánh thuế bia rất cao nhưng lại không căn cứ vào nồng độ cồn. Nên chăng, đánh thuế tiêu thụ trên nồng độ cồn, nghĩa là càng uống nhiều bia rượu mạnh anh càng phải trả nhiều tiền, do vậy vì kinh tế, anh sẽ phải uống ít đi.

Ngoài ra, ở các nước, khi vi phạm có chế tài rất mạnh liên quan đến hầu bao. Và tôi cho rẳng chế tài hiện nay chưa đủ mức răn đe, cần nâng cao hơn nữa để người tham gia giao thông phải cân nhắc khi uống rượu bia.

Là một doanh nghiệp đang có sự tăng trưởng rất mạnh và có thương hiệu, Công ty CP Bia rượu Bình Tây  sẽ đóng góp gì trong việc chung tay cùng xã hội xây dựng văn hóa uống rượu bia?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Ngoài việc tham gia vào sản xuất sản phẩm mới không cồn vừa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng vừa góp phần giảm TNGT; Tới đây, công ty chúng tôi cũng sẽ nỗ lực song hành cùng các tổ chức xã hội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong việc triển khai các hoạt động xã hội góp phần làm thay đổi văn hóa nhận thức của người dân khi tham gia giao thông cũng như các chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn khác.

Xin đại diện Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết thời gian tới lực lượng CSGT sẽ làm gì để hạn chế tai nạn do lái xe say xỉn gây ra?

Thiếu tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng CSGT công an TP HCM: Trên thực tế cho thấy, với nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật thì phần lớn người tham gia giao thông đều nhận biết được điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhưng thực tế, các trường hợp vi phạm quy định này vẫn còn diễn ra. Có thể do nhiều lý do, tuy nhiên điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt.

Do vậy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: dán các khẩu hiệu, quy định trên các bao bì, nhãn hiệu, vỏ chai, lon như: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Lái xe khi sử dụng rượu bia có thể dẫn đến TNGT”; dán băng rôn, khẩu hiệu về tác hại của rượu bia, quy định về xử phạt về sử dụng rượu bia trên tất cả các địa điểm kinh doanh có liên quan rượu bia…

Về phía lực lượng CSGT, Phòng CSGT ĐB-ĐS luôn xác định bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng CSGT là giải pháp trọng tâm, thực hiện xuyên suốt. Do đó, trong thời gian tới, Ban chỉ Phòng CSGT ĐB-ĐS thường xuyên quán triệt đến từng cán bộ chiến sỹ CSGT thực hiện hiệu quả công tác xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định này. Trong đó, tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như sau:

- Huy động tối đa các lực lượng phối hợp, hỗ trợ như Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát hình sự…bố trí tổ chuyên đề xử lý nồng độ cồn, tập trung vào thời gian và các tuyến đường, khu vực tập trung nhiều hàng quán kinh doanh rượu, bia và phức tạp về trật tự giao thông, phức tạp về tình hình tai nạn giao thông kết hợp tổ chức kiểm tra hành chính từ sau 23h00 đối với tất cả các đối tượng có biểu hiện nghi vấn sử dụng nồng độ cồn;

- Áp dụng việc thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện theo kinh nghiêm quốc tế.

Thông qua buổi tọa đàm này, lực lượng CSGT chúng tôi cũng gửi đến độc giả thông điệp:

“Chấp hành Luật Giao thông đường bộ là bảo vệ tính mạng của chính mình cũng như là bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho những người khác cùng tham giam gia giao thông. Khi đã uống rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện bởi vì đằng sau tay lái của chúng ta là hạnh phúc gia đình”.

Xin được hỏi ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT quốc gia cho biết chúng ta đã trao đổi khá nhiều ý kiến xung quanh vấn đề sử dụng rượu bia, ông đánh giá thế nào về những điều này và trong thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia có giải pháp gì mới để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG: Chúng ta cũng đã trao đổi nhiều. Đến nay các qui định phòng chống lạm dụng rượu bia nói chung và lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã tương đối đầy đủ. Dù đã có qui định pháp luật và đã triển khai tuyên truyền, xử lý vi phạm, nhưng đến nay, tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn khá phức tạp.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Ủy ban ATGT QG và Chính phủ để có giải pháp thực hiện nghiêm chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của đồ uống có cồn. Trước tiên là phải hoàn thiện các qui định của pháp luật để chặt chẽ, nghiêm minh.

Tôi mong muốn Dự thảo Luật về Phòng chống rượu bia mà Bộ Y tế soạn thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành cần có qui định chặt chẽ, cụ thể về sử dụng rượu bia trong đời sống xã hội, là căn cứ quan trọng để hình thành, xây dựng văn hóa sử dụng rượu bia.

Một việc nữa cũng cần làm là hoàn thiện, bổ sung NĐ 94  về kinh doanh rượu bia để siết chặt hơn điều kiện kinh doanh và có hướng dẫn cụ thể để triển khai, giám sát của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, phải tăng cường truyền thông để người dân biết việc thực thi Nghị định 94 này ra sao, quản lý kinh doanh rượu bia ra sao, việc thu hồi giấy phép kinh doanh như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực. Khi Luật quản lý kinh doanh rươu bia được ban hành, việc quan trọng nhất là quản lý sản xuất kinh doanh.

Trọng tâm trong Quý 4 tới đây là phải triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn theo qui định quốc tế để xây dựng cao điểm trước Tết Nguyên đán, nhằm bảo đảm cho người dân một cái Tết vui tươi, an toàn.

Tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập huấn cho lực lượng CSGT toàn quốc để triển khai về qui định mới này.

Tôi phải nói thêm rằng, cái gốc của vấn đề là phải xây dựng văn hóa rượu bia sao cho đúng. Nếu trong gia đình, cha mẹ nhắc nhở con cái, anh em nhắc nhau… khi điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia thì sẽ có thay đổi được nhiều về nhận thức. Điều ấy cũng sẽ thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của VN. Ngược lại, nếu lạm dụng bia rượu thì sẽ hủy hoại văn hóa ẩm thực ấy.

Chúng ta cần quyết tâm, kiên trì thực hiện khẩu hiệu “Khi lái xe không uống rượu bia”.

Các cảnh báo tương tự đang được dán quá nhỏ trên nhãn mác các sản phẩm bia rượu. Chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi NĐ94, bổ sung quy định phải dán cảnh báo dễ đọc yêu cầu tham gia giao thông không uống rượu bia ngay trên sản phẩm để cảnh báo người tiêu dùng. Tôi đề nghị Hiệp hội rượu bia nước giải khát cần tiên phong đi đầu thực hiện việc in ấn khẩu hiệu này, để người uống rượu bia trước khi bật nắp sẽ chú ý, đọc được khẩu hiệu đó. Chúng tôi hoan nghênh Hiệp hội trong việc chung tay với Ủy ban ATGT Quốc gia và các đơn vị để xây dựng được văn hóa rượu bia, để làm sao vẫn giữ đựoc nét đẹp của người VN và hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu bia khi lái xe, bảo đảm an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Buổi tọa đàm Làm gì để hạn chế TNGT do lái xe uống rượu bia gây ra đã kết thúc sau khi lắng nghe hơn 20 ý kiến phân tích thực trạng cũng như đề xuất giải pháp hữu hiệu để triển khai trong thời gian tới. Theo đại diện UB ATGT quốc gia, nhiều ý kiến sẽ được nghiên cứu và đưa vào các quy định liên quan nhằm đảm bảo môi trường giao thông văn minh, an toàn và bền vững.

BGT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.