Thế giới giao thông

Trung Quốc “thanh lọc” các hãng sản xuất ô tô điện

04/07/2017, 09:48

Sau nhiều năm phóng khoáng vung tiền cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện năng lượng mới (NEV) làm bùng nổ thị trường.

27

Mẫu siêu xe điện Faraday Future FFZero1 được trưng bày tại Triển lãm Ô tô quốc tếBắc Kinh

Sau nhiều năm phóng khoáng vung tiền cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện năng lượng mới (NEV) làm bùng nổ thị trường, Chính phủ Trung Quốc đang khép hầu bao, nâng tiêu chuẩn để thanh lọc bớt các công ty yếu kém.

Thắt hầu bao, nâng tiêu chuẩn trợ cấp

Đón đầu xu hướng phương tiện năng lượng mới (NEV - phương tiện chạy một phần hoặc hoàn toàn bằng điện) trên thế giới, nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay để phát triển công nghệ cũng như thị trường này. Đây là một phần trong chính sách công nghiệp mới mang tên “Made in China 2025”. 

Trung Quốc vốn dĩ là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, nay đang đặt mục tiêu tham vọng đạt 7 triệu xe NEV được bán ra tính đến năm 2025. Năm ngoái, Trung Quốc mới bán được 507.000 chiếc. 

Vì trợ cấp dồi dào, các điều kiện phóng khoáng của Chính phủ cũng như thị trường xe điện phát triển nhanh, hơn 200 công ty khởi nghiệp được nhiều đại gia tiếng tăm như: Jack Ma, Terry Gou, Li Ka-shing và Jia Yueting… đổ tiền đầu tư, muốn sản xuất và bán xe điện tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, không ít công ty trong số đó chỉ hút tiền trợ cấp từ Chính phủ nhưng không chế tạo được phương tiện thương mại khả quan. Giáo sư Yin Chengliang đến từ Viện Nghiên cứu kỹ thuật tự động tại Đại học Giao thông Thượng Hải nhận định: “Có rất nhiều công ty khởi nghiệp gia nhập ngành này nhưng không ít trong số đó chỉ khoác lác. Nếu Chính phủ cứ đổ tiền vào các dự án kỹ thuật thấp thì sẽ rất lãng phí”. 

Do đó, từ năm ngoái đến nay, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu nâng cao rào cản, tiêu chuẩn để các công ty khởi nghiệp NEV được trợ cấp. Mục đích của họ là thanh lọc bớt những công ty yếu kém, chỉ để lại một nhóm các công ty hàng đầu để tập trung phát triển đến một ngày nào đó cạnh tranh với các công ty đầu ngành trên thế giới như Telsa của Mỹ. 

Đầu tháng 1 năm nay, Trung Quốc cắt giảm khoản trợ cấp bán xe xuống 20% và sẽ hoàn toàn chấm dứt trợ cấp vào năm 2020. Tháng 4/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tiêu Thiệp tức giận chỉ trích các công ty nhận trợ cấp nhưng không tạo được sản phẩm là “những kẻ lừa đảo”. Ông cho biết, Chính phủ sẽ rút loại khoảng 337 triệu USD ngân sách hỗ trợ từ các công ty như vậy. 

Trong khi đó, Bộ Công nghiệp Trung Quốc công bố thủ tục xin giấy phép khá dài dòng, bao gồm yêu cầu các cơ sở sản xuất NEV phải là đơn vị sáng chế ra công nghệ mà họ đang sản xuất. 

“Thanh lọc” công ty yếu kém, tập trung vào “át chủ bài” 

Ông Dominik Declercq, trưởng đại diện Hiệp hội Sản xuất ô tô châu Âu tại Bắc Kinh nhận định, có thể mục đích của phương án này là để loại bỏ một số công ty trong hơn 200 nhà sản xuất NEV nhận trợ cấp tài chính của Nhà nước mà không cho ra đời sản phẩm thực sự”.

Một cơ quan Chính phủ khác là Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đã ban hành 15 giấy phép sản xuất NEV và có nhiều thông tin cho rằng, cơ quan này sẽ không cấp thêm giấy phép sản xuất nữa. Về phần mình, NDRC từ chối bình luận.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, ông Xu Haidong cho biết: “Thị trường chắc chắn sẽ theo hướng đào thải, chỉ những công ty hoạt động tốt, phù hợp nhất sống sót chứ không phải là thị trường có tới hàng trăm công ty chen chúc và sản xuất những phương tiện chất lượng kém”.

Buộc công ty nhỏ phải hợp tác với công ty lớn?

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, Chính phủ Trung Quốc lâu nay có truyền thống bị thu hút vào mô hình trong đó chỉ tập trung vào các nhà vô địch quốc gia bao gồm một số “ông lớn” trong ngành như nhà sản xuất pin điện BYD, các nhà sản xuất ô tô GAC, Geely and Changan. 

Động thái thanh lọc này buộc các công ty nhỏ muốn sống sót phải hợp tác với các công ty lớn hơn - đó chính xác là điều Bắc Kinh muốn, tờ Financial Times nhận định. 

Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp ô tô điện NIO từng chia sẻ, mặc dù không nhận được giấy phép của Chính phủ để chế tạo NEV nhưng họ không cần vì đã “bắt tay” trở thành đối tác của nhà sản xuât ô tô địa phương JAC đã sở hữu giấy phép này. “Rất nhiều công ty lớn đã có giấy phép sản xuất, đều dễ dàng mở cửa sản xuất ô tô nhãn hiệu khác cho các nhà sản xuất đối tác”, ông Thomas Glendinning, nhà phân tích cấp cao đến từ Công ty Nghiên cứu BMI cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.