Thiệt mạng vì va vào xe chở cồng kềnh
Chiều 8/11, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM khiến nam sinh viên 18 tuổi tử vong tại chỗ.
Theo hình ảnh từ camera ghi lại, thời điểm này, nam sinh viên đã va quệt vào xe đạp chở hàng cồng kềnh, sau đó ngã xuống và bị xe buýt cán trúng. Đây là vụ tai nạn mới nhất, nghiêm trọng nhất liên quan đến phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ trên đường.
Về lâu dài, bên cạnh việc quyết liệt xử lý vi phạm, công an thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức. Đồng thời, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, chấm dứt sử dụng phương tiện mất an toàn để mưu sinh.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM
Thực tế, không khó bắt gặp những chiếc xe ba gác, xe máy, xe tải nhỏ cơi nới... chở hàng hóa cồng kềnh trên nhiều tuyến đường như quốc lộ 1, quận 5, quận 10, huyện Bình Chánh... Các loại xe này thường đã cũ kỹ, yên xe, thùng xe được hàn thêm để chở được nhiều hàng hóa.
Tại giao lộ quốc lộ 1A - đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), cứ ít phút lại có một chiếc xe chở hàng quá khổ chạy ào ào qua. Nhiều xe tải chất đầy vật liệu xây dựng, đá cát hay các loại hàng hóa nặng, có khi cao gấp đôi so với kích thước thùng xe ban đầu... lao vun vút trên đường khiến nhiều người sợ hãi.
Anh Lê Văn Tuấn, người dân sinh sống gần khu vực chia sẻ: "Mỗi lần thấy xe chất hàng cao ngất đi qua là tôi phải dạt vào lề đường để né. Hàng hóa buộc chằng chịt, chỉ cần nghiêng cái là có thể đổ ập xuống, hiểm họa rất khó lường", anh Tuấn nói.
Biết nguy hiểm vẫn làm
Tương tự, trên tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), hàng loạt xe chở hàng quá khổ cũng ngang nhiên chạy trên đường. Trong đó, có nhiều xe ba gác chở phế liệu chất hàng chục bao tải cỡ lớn, chở sắt thép dài ngoằng.
Anh Nguyễn Văn Lâm, người dân sinh sống trên tỉnh lộ 10 cho biết, nhiều lần thót tim với những chiếc xe thu mua ve chai, xe chở vật liệu xây dựng chạy trên đường. Thậm chí, có lần anh suýt bị thanh sắt dài trên xe ba gác đâm vào người.
"Thực sự quá nguy hiểm, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra vì những chiếc xe kiểu này nhưng không hiểu sao người ta vẫn bất chấp vận chuyển như vậy", anh Lâm nói.
Trần tình về việc vẫn sử dụng xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, ngụ Hóc Môn) cho biết, gia đình chị tự chế chiếc xe ba gác để chở hàng từ chợ đầu mối về bán lại.
"Vì buôn bán rau củ, trái cây... hàng hóa cồng kềnh nên nếu đi xe máy sẽ không thể chở hết. Do đó, tôi sử dụng xe ba gác để chở hàng, tiết kiệm thời gian. Cũng biết là ảnh hưởng xe cộ khác nên chúng tôi đi rất sớm. Nói thật, cũng vì miếng cơm manh áo chứ không ai muốn vi phạm cả", chị Lan phân trần.
Tương tự, anh Trần Văn Minh, một tài xế xe tải cũng thổ lộ, hơn chục năm nay, anh chạy xe chở hàng thuê. Mỗi chuyến hàng sau khi trừ chi phí cũng chỉ đủ tiền cơm trong ngày nên phải tranh thủ. Anh không nhớ nổi đã bị lực lượng CSGT xử phạt, tạm giữ xe bao nhiêu lần.
Bỏ xe trốn phạt, bãi giữ quá tải
Trao đổi với Báo Giao thông, thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 18/7, Công an TP.HCM tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe quá khổ, xe cồng kềnh và thiết lập trật tự lòng đường, hè phố.
Sau hơn 3 tháng triển khai, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 17.700 phương tiện vi phạm, trong đó có 1.716 xe ba bánh, 37 xe thí điểm, 159 xe chở rác, còn lại là xe mô tô vi phạm.
Trong các lỗi vi phạm, có hơn 6.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, 5.000 trường hợp vi phạm kéo theo vật khác, 2.500 trường hợp không đảm bảo an toàn kỹ thuật (không có phanh, còi, đèn, gương chiếu hậu…). Trong khoảng thời gian trên đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông liên quan các loại phương tiện này gây ra.
Ông Long nói thêm, quá trình xử lý, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt khá thấp, do chủ phương tiện bỏ lại xe tự chế, không thực hiện quyết định xử phạt. Điều này cũng gây khó khăn, áp lực đối với kho bãi tạm giữ. Hiện có những bãi giữ không còn chỗ để chứa xe vi phạm.
"Một số ý kiến cho rằng, để xử lý quyết liệt hơn, với những trường hợp chủ xe bị tịch thu, cần quy định trong thời gian vài tháng, nếu không chấp hành xử phạt sẽ tiêu huỷ, giảm áp lực trong việc tạm giữ phương tiện", ông Long nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận