Nhiều trường hợp vi phạm trật tự ATGT đã được lực lượng chức năng xử lý nhờ thông tin của người dân cung cấp.
Một tháng nhận 170 phản ánh
Phòng CSGT, Công an TP.HCM cho biết, đơn vị vừa mời ông N.P.H.P (SN 1970, ngụ quận Bình Thạnh) lên trụ sở làm việc. Ông P là tài xế xe buýt tuyến số 50, có hành vi vượt ẩu, gây tai nạn tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình).
CSGT tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm giao thông ghi nhận được trên đường.
Làm việc với công an, ông P thừa nhận, do không quan sát khi chuyển hướng nên xe buýt đã va vào xe máy, khiến hai người ngã ra đường, may mắn không bị thương.
Dù hai bên tự thỏa thuận, song từ hình ảnh người dân cung cấp, Phòng CSGT đã vào cuộc xác minh, xử lý.
Về tính pháp lý của việc xử lý vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, đây được xem như "cánh tay nối dài" của lực lượng chức năng.
Theo ông Thường, việc sử dụng hình ảnh, video do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an.
Trước đó, ngày 17/7, anh T.H.N (trú tại Bạc Liêu) cũng được mời lên trụ sở Đội CSGT An Lạc (quận Bình Tân) làm việc.
Anh N là người đã dừng xe tải giữa đường, xách theo tuýp sắt lên "nói chuyện" với một tài xế xe 7 chỗ, do mâu thuẫn khi lưu thông trên đường. Một người đi đường đã ghi hình lại và gửi cho lực lượng chức năng.
Với hành vi này, anh N bị lập biên bản lỗi đậu xe sai quy định, còn các hành vi khác đang được công an phường sở tại làm rõ.
Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông được người dân ghi lại và phản ánh bằng cách đăng tải lên các hội nhóm, mạng xã hội hoặc gửi trực tiếp cho Phòng CSGT, Công an TP.HCM.
Trước đó, giữa tháng 6, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM có thư ngỏ, kêu gọi người dân tích cực phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự ATGT cho lực lượng chức năng để xử lý, với phương châm "Mỗi người dân là một chiến sỹ CSGT".
Chỉ trong hơn 1 tháng, lực lượng chức năng đã nhận được khoảng 170 phản ánh. Trong đó, đã ra quyết định xử phạt 8 trường hợp với số tiền gần 23 triệu đồng.
Tuy vậy, việc xử lý vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp vẫn còn một số khó khăn, nhất là chất lượng hình ảnh.
Cụ thể, trong số 170 trường hợp người dân gửi đến, có 100 trường hợp không đủ cơ sở để xử phạt. Các trường hợp còn lại đang được xác minh.
Nhiều kênh tiếp nhận thông tin
Theo quy trình, những thông tin, hình ảnh của người dân cung cấp sẽ gửi tới lực lượng CSGT bằng nhiều cách khác nhau như đến trực tiếp trụ sở cơ quan, đơn vị, thông qua hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng và qua dịch vụ bưu chính.
Ông P làm việc với cơ quan công an sau khi vượt ẩu, gây tai nạn.
Theo Công an TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận 88 trường hợp vi phạm do người dân cung cấp.
Trong số này, đã xử lý 12 trường hợp, phạt tiền hơn 74 triệu đồng. Đặc biệt, sau khi giám đốc Công an TP.HCM có thư ngỏ phát động, các phản ánh tăng rất mạnh.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM lưu ý, người dân khi cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông cần để lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ (nếu có) để khi cần, cơ quan tiếp nhận sẽ liên hệ xác minh, đối chiếu.
Các thông tin, hình ảnh phải rõ về biển số, thời gian vi phạm, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Sau khi tiếp nhận, cán bộ CSGT sẽ phân loại, nếu đảm bảo các quy định của pháp luật sẽ báo cáo thủ trưởng đơn vị để thực hiện các bước xử lý tiếp theo.
Từ những hiệu quả bước đầu, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian tới, công an thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để người dân nắm rõ hơn các quy định nhằm cung cấp thông tin chính xác, khách quan, chất lượng.
Người chết do TNGT giảm 36%
Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 808 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 223 người, bị thương 539 người. So cùng kỳ 2023 giảm 12 vụ, giảm 127 người chết, tăng 83 người bị thương.
Lực lượng CSGT đã phát hiện và lập biên bản xử lý hơn 352.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ 468 xe ôtô, hơn 104.000 xe mô tô, nộp Kho bạc Nhà nước số tiền hơn 388 tỷ đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 54.000 trường hợp.
Minh Tuệ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận