Thời sự Quốc tế

Tình hình Ukraine có thể khiến châu Á thiếu lương thực, lạm phát tăng cao

06/03/2022, 13:59

Căng thẳng tại Ukraine khiến việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển tại Biển Đen bị gián đoạn và các nước tại châu Á không đứng ngoài hệ luỵ.

Công ty phân tích RaboResearch cho hay, Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngô chính trên thế giới, chiếm 16% tổng sản lượng ngô xuất khẩu hàng năm trên toàn cầu. Nước này cũng sử dụng tuyến hàng hải qua Biển Đen để xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine đã khiến một số cảng tại Biển Đen phải đóng cửa, các chuyến tàu chở hàng tới châu Á bị hoãn, hủy.

img

Cánh đồng lúa mì tại Zhovtneve, Ukraine.

Christian Roeloffs - Giám đốc điều hành nền tảng cho thuê container Container xChange, cho biết một phần Biển Đen và Biển Azov hiện không an toàn.

Các cảng biển Odessa và Mariupol của Ukraine bị đóng hoặc hư hại, khiến các tàu chở hàng tắc nghẽn tại cảng.

Theo công ty phân tích S&P Global Commodity Insights, ít nhất 8 chuyến tàu chở ngô qua Biển Đen đã bị hủy từ đầu tuần khiến các nhà nhập khẩu ở châu Á phải gấp rút tìm nguồn thay thế từ các quốc gia khác.

Một số bên dù mua được ngô (loại nhập khẩu làm thức ăn cho động vật) nhưng lại phải chịu mức giá cao nhất kể từ năm 2016, ở mức 412 USD/tấn. Theo S&P, giá ngô đã tăng 17% kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Gián đoạn nguồn cung từ khu vực Biển Đen kéo theo tình trạng cạnh tranh, giành nguồn cung ngô và lúa mỳ ở nhiều doanh nghiệp tại châu Á. Hiện tại, bên mua đã chuẩn bị tâm lý phải trả giá cao hơn cho lô hàng ngô sẽ tới Bắc Á trong 3-4 tháng nữa do nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ngay lúc này không thành, theo công ty phân tích S&P Global Commodity Insights.

Lượng lúa mì Ukraine dự trữ tại Hàn Quốc (chủ yếu để làm thức ăn cho động vật) ước tính chỉ còn đủ tới cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu thực vật nhiều nhất thế giới, buộc phải tìm nguồn cung dầu cọ thay thế sau khi nguồn cung dầu hoa hướng dương từ Ukraine bị gián đoạn. Trong lúc đó, các nhà xuất khẩu dầu cọ ở Indonesia và Malaysia lại phải thắt chặt xuất khẩu để cân bằng nguồn cung nội địa.

Ngoài ra, nhiều quốc gia khác tại Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á đều là khách hàng của Nga và Ukraine.

Chẳng hạn, Ukraine và Nga cung cấp lượng lớn yến mạch và ngũ cốc cho khu vực Đông Nam Á trong đó Indonesia, Philippines và Myanmar đứng trước nguy cơ thiếu hụt.

Hai quốc gia này còn cung cấp phân bón, nhiều loại nguyên liệu thô khác cho Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.

Các chuyên gia nhận định hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đen bị gián đoạn sẽ gây mất cân bằng chuỗi cung ứng lương thực tại châu Á, dẫn tới suy giảm năng suất sản xuất trong các ngành sản xuất thực phẩm tiêu dùng khác và khiến lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tới tiêu dùng nói chung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hãng Moody’s Investors Service nhận định áp lực về giá cả hàng hóa tăng cao sẽ dẫn tới lạm phát và kéo chậm lại đà phát triển kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.