Quản lý

Thiếu đất đắp, hàng loạt công trình giao thông tại Kon Tum tắc tiến độ

30/07/2023, 13:33

Hàng loạt công trình, dự án hạ tầng giao thông tại Kon Tum buộc phải tạm dừng thi công vì không có đất đắp để tiếp tục triển khai.

Nhiều công trình, dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu nguồn nguyên vật liệu đất đắp, nhà đầu tư ngồi trên đống lửa.

img

Tuyến đường tránh phía Tây TP Kon Tum thi công cầm chừng do thiếu đất san lấp dự án.

Thi công cầm chừng

Theo các nhà thầu thi công, nhu cầu nguồn đất đắp phục vụ thi công các công trình là rất lớn nhưng hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất nào được cấp phép khai thác còn thời hạn. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thi công và nguy cơ công trình sẽ chậm tiến độ.

Thực tế tại công trình đường trục chính phía tây thành phố Kon Tum, PV ghi nhận chỉ lèo tèo một vài công nhân, kỹ sư đang thi công các trụ, mố cầu và đúc dầm cầu. Còn nền đường cũng chỉ mới đắp đất được vài trăm mét (từ năm 2022), chưa tới mố cầu đầu tiên đã hết đất, phải dừng thi công nền đường.

Điều đáng nói, dự án này là tuyến đường mới, chủ yếu đi qua những cánh đồng sình lầy nên cần lượng đất đắp khá lớn với khoảng 570.000 m3.

Tuy nhiên, hiện nay, do các mỏ đất chưa được cấp phép khai thác nên nhà thầu thi công không thể tiến hành các phần việc tiếp theo.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, hiện nhiều đơn vị chủ đầu tư gặp khó khăn về nhu cầu đất đắp để thi công xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Nhiều dự án trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không giải ngân sẽ bị cắt hoặc bị chuyển nguồn vốn đầu tư công.

Các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư (Ban QLDA) có nhu cầu đất đắp để triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 cần khoảng 2 triệu m3 đất đắp. Đó là chưa kể khối lượng đất đắp còn thiếu để triển khai các dự án trong giai đoạn 2021 - 2022 (khoảng trên 1,5 triệu m3) do chưa đảm bảo nguồn cung cấp.

Tại dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (đoạn từ cầu số 1 đến cầu treo Kon Klor) đã có mặt bằng nhưng nhà thầu không thể tiếp tục triển khai thi công do không có đất đắp. Hiện tại, trên công trường không một bóng công nhân thi công.

img

Dự án đường bao phía Nam TP Kon Tum hiện đang ngừng thi công do không có đất san lấp.

Tương tự, tại dự án đường bao khu dân cư phía nam thành phố Kon Tum (gói thầu xây lắp số 2), trong năm 2022 nhà thầu thi công đã tiến hành đắp nền mặt được gần 1km nhưng nay cũng không có công nhân máy móc thi công và đành phải chờ đất.

Đẩy nhanh tiến độ thủ tục cấp phép mỏ

"Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo đôn đốc các ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính đối với việc cấp phép mỏ đất san lấp".

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

Một nhà thầu thi công cho biết: "Công ty chúng tôi đảm nhận 2 dự án tại thành phố Kon Tum nhưng do thiếu đất nên từ đầu năm 2023 không thể thi công được.

Mỏ đất đấu giá xong lại chưa được cấp phép khai thác vì còn vướng nhiều thủ tục. Công trình không thể tiếp tục thi công, công nhân phải tạm nghỉ".

Ông Võ Đại Tân, phó giám đốc phụ trách Ban QLDA cho biết: "Tại một số dự án, sau khi tháo gỡ được về đền bù, giải phóng mặt bằng đến khâu thi công lại gặp khó khăn về vật liệu đất san lấp.

Trước những khó khăn này, Ban cũng đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh cùng các ngành liên quan sớm xem xét tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án".

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo tỉnh Kon Tum chia sẻ, việc thiếu đất san lấp, công trình dự án hiện nay không chỉ là câu chuyện của Kon Tum.

Đất san lấp được coi là khoáng sản. Đã là khoáng sản thì buộc phải thực hiện đúng theo Luật Khoáng sản và áp dụng các luật khác khác như: Luật Đuy hoạch, Luật Đất đai...

"Hiện nay, đa số các mỏ đất nằm trong khu vực đất vườn rẫy của dân, khu vực thuộc đất rừng. Hơn nữa, việc lập các thủ tục từ quy hoạch mỏ, thăm dò trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, tổ chức đấu giá mỏ cũng kéo dài.

Bên cạnh đó, nếu trường hợp đất của người dân thì buộc doanh nghiệp trúng đấu giá lại thương lượng với người dân để lấy số đất này. Nếu là đất rừng thì buộc phải đưa diện tích mỏ trên ra khỏi quy hoạch đất rừng. Thực hiện đúng các quy định nên sẽ mất nhiều thời gian", vị lãnh đạo cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.