Giao thông

Thiếu đất đắp, cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh thi công cầm chừng

18/08/2023, 13:10

Dù được tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chấp thuận bản xác nhận 11 mỏ vật liệu xây dựng nhưng đến thời điểm này các đơn vị vẫn chưa thể khai thác.

Giá đền bù quá cao

Ngày 17/8, ghi nhận của PV báo Giao thông, tại gói thầu 11- XL, thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, việc thi công khá cầm chừng.

Ông Vũ Trung Hiếu (cán bộ phụ trách kỹ thuật Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng) thông tin, hiện tại đơn vị đang tập trung thi công các hệ thống hạng mục như cầu, cống ngầm, các hạng mục dưới nước để ứng phó với mùa lũ sắp đến.

img

Mỏ Lưu Vĩnh Sơn 2 vẫn chưa thống nhất phương án đền bù.

“Một số mũi thi công trên tuyến đang thi công cầm chừng vì thiếu nguồn đất đắp, chưa bổ sung được từ các mỏ đã được giao cho đơn vị…” ông Hiếu nói và cho biết: Tuy đã được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận bản xác nhận mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 2, Lưu Vĩnh Sơn 3 (ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) nhưng công tác thương thảo giá đền bù với người dân chưa xong nên chưa thể khai thác.

Cụ thể, tại mỏ Lưu Vĩnh Sơn 2 với diện tích 18 ha, hiện nay đơn vị đã trả bồi thường cho 3 hộ dân để có được 3 ha với giá 350 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, dù nhu cầu mỏ chỉ lấy một phần lô đất rừng của dân nhưng người dân lại yêu cầu phải lấy hết cả lô. Trước áp lực cần phải có đất để thi công san lấp nên công ty cũng phải chấp nhận bồi thường hết.

img

Nguồn đất đắp tại các gói dự án cao tốc đoạn qua Hà Tĩnh chủ yếu từ nguồn tại chỗ hoặc mua qua mỏ thương mại.

Đáng ngại hơn, theo ông Hiếu giá phê duyệt bồi thường đất rừng ở mỏ chỉ hơn 120 triệu đồng/ha nhưng hiện nay có hộ dân đòi bồi thường đến 750 triệu đồng/ha.

Tương tự, tại mỏ Lưu Vĩnh Sơn 3 (diện tích mỏ là 7ha), nhà thầu đã làm việc với các hộ dân có đất ở mỏ và chính quyền địa phương. Tại buổi làm việc, giá bồi thường mà địa phương áp bao gồm đã tính cả chi phí trồng rừng thay thế là 120 triệu đồng/ha nhưng người dân đòi giá 550 triệu đồng/ha. Cũng như vậy, tại gói 12XL, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng do doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đảm nhiệm cũng khó khăn trong việc huy động nguồn vật liệu xây dựng vì mới đang làm thủ tục đền bù, chuyển đổi đất rừng.

Theo kỹ sư Nguyễn Doanh (Công ty Xuân Trường), nhà thầu chủ yếu bố trí máy móc, nhân lực đào đắp đất điều phối trên tuyến. Trong khi chờ đất từ mỏ chỉ định, chúng tôi đành dồn lực thi công trước các hạng mục cầu, cống, hầm…

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long đoạn, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng được chỉ định 4 mỏ đất, 2 mỏ cát. Hiện 1 mỏ đất Đồng Chiêng thỏa thuận trả tiền xong xuôi rồi; 2 mỏ đất dự kiến trong tuần sau sẽ xong công tác GPMB. Tại mỏ đất Nam Hương 1 người dân đang đòi hình thức góp vốn hợp tác kinh doanh…

Ngoài ra, 1 mỏ cát ở huyện xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh cơ bản ổn, 1 mỏ cát quy hoạch ở xã Cẩm Mỹ người dân chưa đồng thuận chủ trương của tỉnh….

“Tình trạng khó khăn trong việc GPMB tại các mỏ là như nhau. Tuy nhiên, với sự vào cuộc sốt ráo của chính quyền, đơn vị thi công, chủ đầu tư, hi vọng các nút thắt sẽ sớm tháo gỡ”, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long nói.

Hà Tĩnh chấp thuận bản xác nhận 11 mỏ khoáng sản cho dự án cao tốc

Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT - Chủ đầu tư dự án) đến thời điểm này, các nhà thầu đã tiến hành khảo sát, đăng ký khai thác 11 mỏ mới (8 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát lòng sông) phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Hà Tĩnh.

img

Đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi hiện nay nhu cầu vật liệu gồm đất, cát để thi công cao tốc đang rất bức thiết.

Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, tính tới thời điểm này, UBND tỉnh đã chấp thuận bản xác nhận về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp khai thác và bảo vệ môi trường trong khai thác với 11 mỏ theo đề xuất của chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Cụ thể, 8 mỏ đất san lấp gồm mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 2, Lưu Vĩnh Sơn 3 ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà với diện tích, trữ lượng lần lượt là 18 ha, 1,447 triệu m3 và 7,1 ha, 749.250 m3; mỏ đất san lấp núi Động Mòi, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên diện tích 20 ha, trữ lượng 1,92 triệu m3; mỏ đất san lấp núi Đồng Chiêng, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên diện tích 8,8 ha, trữ lượng 578.000 m3;

Mỏ đất san lấp Nam Hương 1, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, diện tích 16,38 ha, trữ lượng gần 1,3 triệu m3; mỏ đất san lấp Đức Lạng 2, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, diện tích 8,7 ha, trữ lượng 870.000 m3; mỏ đất san lấp xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, diện tích 10,7 ha, trữ lượng 1,65 triệu m3; mỏ đất san lấp Đất Đỏ 2, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, diện tích 9,38 ha, trữ lượng 1,333 triệu m3.

3 mỏ cát gồm mỏ cát xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, diện tích 25 ha, trữ lượng 317.471 m3; mỏ cát tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, diện tích 3,4797 ha, trữ lượng 95.834 m3 và mỏ cát tại xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, diện tích 13,4 ha, trữ lượng 974.021 m3.

Ông Hoàng Chiến Thắng - Trưởng ban điều hành lý dự án Thăng Long - chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi cho biết, hiện nay nhu cầu cần vật liệu gồm đất, cát để thi công cao tốc đang rất bức thiết. Thế nhưng, việc người dân đòi bồi thường quá cao ở đất cấp mỏ đang gây khó cho nhà thầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.