Đường bộ

Taxi trá hình lộng hành tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam

14/11/2023, 07:01

Loạt xe gắn mác taxi trá hình, nhận khách lẻ chạy tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng, không bật đồng hồ tính cước đang ngang nhiên hoạt động. Điều này khiến Nhà nước vừa thất thu thuế phí, vừa khiến hành khách đối diện rủi ro.

Báo giá khách lẻ, đồng hồ lắp cho có

Sáng 6/11, PV Báo Giao thông gọi điện đến tổng đài taxi Năm Sao (Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Vận tải Năm Sao) đóng tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đặt chỗ chặng Đà Nẵng – Tam Kỳ. Sau khi xác nhận đặt chỗ, nữ nhân viên tổng đài báo giá 120.000 đồng/khách và hẹn giờ tài xế đón lúc 10h30 cùng ngày.

Đúng hẹn, chiếc ô tô 5 chỗ dán logo taxi Năm Sao đến đón khách tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Lúc này trên xe đã có sẵn một khách, tài xế tiếp tục chạy qua quận Ngũ Hành Sơn đón thêm khách nữa trước khi ra quốc lộ 1A, chạy thẳng về TP Tam Kỳ.

Quan sát của PV, bên trong xe dán một decal bảng giá cước, một mã QR để khách thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cùng đồng hồ tính cước nhưng thực tế đồng hồ không hoạt động. Tài xế tiết lộ, đồng hồ chỉ để đối phó khi gặp lực lượng chức năng chứ không có chức năng đếm kilomet, tính tiền.

Taxi trá hình lộng hành tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam - Ảnh 1.

So sánh với giá cước của taxi Năm Sao, taxi Bèo có thể thấy sự chênh lệch giá cước bất thường. Trong khi đó, đồng hồ tính cước của các hãng taxi này không hoạt động

Theo tài xế, tùy theo ngày có thể chạy từ 4 - 6 chuyến chặng Tam Kỳ - Đà Nẵng. Mỗi chuyến tài xế được trả công khoảng 60.000 đồng. Xe cứ về đến nơi lại tiếp tục đi đón khách do tổng đài báo về. Nhà xe này hoạt động trên tuyến với tần suất khoảng 15 - 30 phút một chuyến.

Trước đó, PV gọi điện đến tổng đài taxi Năm Sao để đặt xe đi trong nội thành Tam Kỳ, nhưng nhân viên tổng đài báo xe chỉ chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại. Nếu bao nguyên xe thì giá 450.000 đồng, còn khách lẻ 120.000 đồng/người.

Nhiều ngày thực tế trên các xe của taxi Năm Sao, PV ghi nhận hầu hết các xe đều không gắn đồng hồ tính cước hoặc có thì đồng hồ không hoạt động.

Theo tìm hiểu, taxi Năm Sao vận hành chủ yếu là loại ô tô con 5 chỗ hiệu Hyundai Accent. Nếu xe đầy khách lẻ (chưa tính hàng hóa gửi kèm), trừ tiền xăng khoảng 130.000 đồng và chi phí tài xế 60.000 đồng, mỗi chuyến xe, tài xế có thể đút túi gần 300.000 đồng. Với 18 đầu xe được cấp phép hoạt động, nhẩm tính cũng đủ thấy taxi Năm Sao đã thu lợi khủng thế nào.

Không chỉ có taxi Năm Sao, tại TP Tam Kỳ còn có taxi Bèo (Công ty TNHH MTV Mẹ Nghèo) cũng xác nhận đặt chỗ, báo giá, thu tiền như tuyến cố định trên chặng Tam Kỳ - Đà Nẵng.

Taxi Bèo có đồng hồ tính cước đặt trong xe nhưng các đồng hồ này không hiển thị số kilomet cũng như số tiền theo từng kilomet, chỉ hiển thị chữ "HELLO" từ đầu đến cuối chặng. Mức giá được nhà xe đưa ra là 100.000 đồng/khách/chặng.

Các xe của taxi Bèo chủ yếu là xe 7 chỗ với 14 đầu xe. Mỗi chuyến đầy khách, nhà xe thu về khoảng 700.000 đồng. Trừ đi chi phí tài xế, nhiên liệu thì nhà xe cũng thu lợi khoảng 400.000 đồng/chuyến.

Chênh lệch giá cước bất thường, dễ thất thu thuế

Theo ông Lê Quang Hiếu, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, sở thường xuyên chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó có việc lắp đồng hồ tính tiền của xe taxi. Tuy nhiên, thanh tra chưa phát hiện vi phạm.

"Thời gian tới, sở chỉ đạo lực lượng chức năng tổng hợp, đề xuất danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi có dấu hiệu vi phạm để thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra theo quy định. Nếu có vi phạm sẽ xem xét tham mưu tạm dừng cấp phù hiệu, biển hiệu và các loại giấy phép liên quan", ông Hiếu thông tin.

Từ mức giá của taxi Năm Sao, taxi Bèo, đối chiếu với các hãng taxi truyền thống khác tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể thấy sự khác biệt rất lớn.

Đơn cử, nếu đi taxi Mai Linh với chặng đường như trên sẽ tốn 900.000 đồng. Áp dụng chính sách giảm giá đường dài của doanh nghiệp thì tổng tiền cho một chặng Đà Nẵng – Tam Kỳ và ngược lại cũng ở mức 790.000 đồng với xe 7 chỗ, 690.000 đồng với xe 5 chỗ.

Theo lãnh đạo taxi Mai Linh Đà Nẵng, trên mỗi xe taxi đều phải gắn đồng hồ tính cước, các đồng hồ này có "mắt thần", khi khách lên xe sẽ nhận diện và bắt đầu đếm kilomet, tính tiền khi xe lăn bánh. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát doanh thu của doanh nghiệp thông qua kết quả tính tiền của đồng hồ. Đồng thời, mức giá từng kilomet đều được báo cáo Sở GTVT, cục thuế nơi đơn vị taxi đăng ký hoạt động.

So sánh với giá cước của taxi Năm Sao, taxi Bèo có thể thấy sự chênh lệch giá cước bất thường. Trong khi đó, đồng hồ tính cước của các hãng taxi này không hoạt động hoặc không có đồng hồ tính cước, cơ quan quản lý khó kiểm soát doanh thu.

Theo lãnh đạo Cục thuế tỉnh Quảng Nam, việc thu thuế đối với các hãng taxi này đều dựa vào kê khai của doanh nghiệp chứ không giám sát trực tiếp được đồng hồ tính cước.

"Khi thanh tra, kiểm tra thì mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu, cách tính thế nào, xác định doanh thu chỗ nào, yêu cầu chứng minh…", lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam cho hay.

Khách dễ đối mặt rủi ro

Làm khách trên những chuyến xe taxi "trá hình", không quá khó để ghi nhận trên hành trình ngược xuôi Quảng Nam - Đà Nẵng, cánh tài xế liên tục dùng điện thoại để cập nhật lịch đón trả khách, phóng nhanh để quay vòng... khiến nguy cơ TNGT thường trực.

Theo tài xế Nguyễn Văn Y (quê Núi Thành, Quảng Nam), trước đây từng lái xe khách đường dài nhưng ba tháng nay về chạy taxi thuê. Gọi là taxi nhưng xe thoải mái gom khách lẻ như tuyến cố định, không bị giám sát hành trình, tốc độ như các xe khách cố định khác.

Đáng nói là hành khách trên các chuyến xe này ngoài các cuộc điện thoại trực tiếp để đặt xe, không có bất kỳ xác nhận chính thức nào, xe không bật đồng hồ tính tiền, nên sẽ không có căn cứ để bồi thường nếu không may xảy ra TNGT.

Taxi trá hình lộng hành tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam - Ảnh 3.

Taxi trá hình lộng hành.

Theo một lãnh đạo đơn vị bảo hiểm tại Quảng Nam, thường trong các hợp đồng vận chuyển, cước taxi hay vé xe cố định sẽ có quy định mức bồi thường cho hành khách khi gặp sự cố trên hành trình di chuyển. Nhưng với kiểu taxi không bật đồng hồ, không tính cước sẽ khiến hành khách chịu rủi ro.

Theo ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc Xí nghiệp taxi Đà Nẵng, xe taxi bắt buộc phải lắp đồng hồ tính cước. Nếu không có đồng hồ hoặc đồng hồ không hoạt động là vi phạm Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong khi đó, ông Đặng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng, việc phát hiện xe taxi không lắp đặt đồng hồ hoặc đồng hồ không hoạt động, không đúng quy định chỉ có thể thông qua việc kiểm tra trực tiếp. Nếu kiểm tra thực tế, phát hiện hành vi phạm, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng. Ngoài ra, chủ phương tiện phải chịu mức phạt từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.