Xã hội

Tàu hút cát khiến sông sạt lở, dân mất đất: UBND huyện nói gì?

18/04/2023, 14:45
image

Vụ tàu hút cát khiến sông sạt lở, dân mất đất sản xuất, UBND huyện đang thống kê, rà soát để xem xét, xử lý theo quy định.

Ngày 18/4, liên quan đến phản ánh “Tàu hút cát khiến sông sạt lở, dân mất đất sản xuất?”, ông Võ Thành Huệ, Phó chủ tịch UBND huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã có văn bản gửi đến Báo Giao thông, phản hồi thông tin phản ánh về hoạt động khai thác cát dọc sông Krông Ana đoạn chảy qua xã Yang Tao, Đắk Liêng khiến bờ sông sạt lở đất từng ngày, “nuốt” đất sản xuất của người dân.

img

Người dân bức xúc vì sông sạt lở, mất đất sản xuất mà nguyên nhân là do nạn hút cát. Ảnh: N.H

"Không phát hiện hoạt động khai thác cát khi kiểm tra"

Theo UBND huyện Lắk, sau khi có phản ánh của Báo Giao thông, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với UBND các xã Yang Tao, Đắk Liêng tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ sông Krông Ana.

Kết quả, kiểm tra thực tế tại xã Đắk Liêng đã xác định vị trí sạt lở thuộc địa phận buôn M'liêng (xã Đắk Liêng). Chiều dài sạt lở ước tính khoảng 1,5km (từ phía trên bãi tập kết cát của Công ty TNHH VLXD Sông Núi khoảng 400m đến qua trạm bơm buôn M'liêng khoảng 300m).

Video: “Tàu hút cát khiến sông sạt lở, dân mất đất sản xuất?”

Vị trí sạt lở thuộc khu vực khai thác cát của Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác và thuộc một phần khu vực cấm khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong khu vực này có nhà ở của người dân. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hoạt động khai thác cát tại khu vực.

Tại xã Yang Tao, đoàn kiểm tra xác định có một vị trí sạt lở, thuộc khu vực khai thác cát của Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Chiều dài sạt lở ước tính khoảng 1,4km. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hoạt động khai thác cát tại khu vực này. Khu vực sạt lở không có nhà ở, chỉ có đất sản xuất của người dân.

img

Đoạn sông bị sạt lở, phình to cả trăm mét. Ảnh: N.H

“Để có cơ sở xem xét, giải quyết cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Yang Tao, xã Đắk Liêng triển khai rà soát, thống kê các vị trí sạt lở bờ sông Krông Ana trên địa bàn quản lý, số hộ bị ảnh hưởng, diện tích, mục đích và nguồn gốc đất bị sạt lở để xem xét, xử lý theo quy định”, văn bản do theo ông Võ Thành Huệ, Phó chủ tịch UBND huyện Lắk kí nêu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác cát

Theo UBND huyện Lắk, sông Krông Ana chảy qua địa bàn huyện Lắk với tổng chiều dài khoảng 35km bắt đầu từ phía thượng lưu xã Yang Tao và kết thúc ở hạ lưu xã Buôn Triết. Trong đó, có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên sông Krông Ana gồm: Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa (thời hạn khai thác 14 năm), Công ty TNHH VLXD Sông Núi (thời hạn khai thác 18 năm), Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên (thời hạn khai thác 20 năm) với tổng chiều dài các đoạn sông được cấp phép là 30,18km.

img

UBND huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác cát. Ảnh: N.H

Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách khu vực cấm khai thác cát với tổng chiều dài 1.880m tại 3 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở thuộc địa bàn huyện Lắk (xã Đắk Liêng có 1 vị trí với chiều dài 1.200m, 2 vị trí tại xã Yang Tao với tổng chiều dài 680m). Các điểm này đã được UBND huyện Lắk bố trí kinh phí cắm 6 biểm cấm khai thác cát.

Đến năm 2017, UBND huyện Lắk tiếp tục đề nghị UBND các xã rà soát các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông, đề xuất đưa vào khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản.

Trên cơ sở đề xuất của UBND các xã, UBND huyện Lắk đã có văn bản đề nghị Sở Công thương đưa vào đề án khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, đối với sông Krông Ana thuộc địa phận huyện Lắk đã được khoanh định khu vực cấm khai thác cát với tổng chiều dài 4,5km.

img

Theo người dân địa phương cần cấm khai thác cát gần bờ, phải xây kè, để giữ được đất và nhà của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo ông Võ Thành Huệ, trong thời gian tới, để khắc phục tình hình sạt lở bờ sông Krông Ana trên địa bàn huyện, UBND huyện Lắk tiếp tục chỉ đạo UBND các xã Yang Tao, Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng thường xuyên rà soát, thống kê cụ thể các vị trí sạt lở bờ sông Krông Ana trên địa bàn quản lý, số hộ bị ảnh hưởng, diện tích, mục đích và nguồn gốc đất bị sạt lở báo cáo về UBND huyện.

Giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với các chủ sử dụng đất và các chủ tàu thuyền khai thác cát liên quan đến việc chuyển nhượng các diện tích đất dọc bờ sông để sử dụng vào mục đích khai thác cát trái quy định (nếu có).

UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê tham mưu UBND huyện ban hành văn bản đề xuất UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp UBND huyện đánh giá nguyên nhân sạt lở để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung thêm các khu vực sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện vào danh mục các khu vực cấm hoạt động khai thác cát.

“UBND huyện Lắk đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí xây dựng bờ kè chống sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh sớm phối hợp UBND huyện đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô (huyện đã có văn bản đề xuất) và sông Krông Ana để có cơ sở giải quyết cho nhân dân bị thiệt hại để hạn chế đơn thư khiếu nại”, UBND huyện Lắk kiến nghị.

Cũng theo UBND huyện Lắk, huyện đề nghị Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển, xử lý nghiêm đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép, vượt quá tải trọng cho phép, không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu các đơn vị khai thác cát phải tuân thủ các nội dung như: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí khai thác, hành trình di chuyển của phương tiện tàu, thuyền sử dụng để khai thác, vận chuyển cát trên sông; chỉ được phép hoạt động khai thác cát trong ngày (từ 7h - 17h), không được khai thác ban đêm. Thời gian khai thác trong năm theo đúng dự án khai thác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.