Dù chế tài đối với hành vi uống rượu, bia lái xe hiện nay đã khá nghiêm khắc, song trên thực tế vẫn xảy ra rất nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu, bia. Vì vậy, chuyên gia đề xuất thêm nhiều giải pháp để ngăn ngừa.
Đề xuất sửa luật ngăn “ma men” lái xe
Transerco thí điểm đo nồng độ cồn cho tài xế trước mỗi ca làm việc ngăn "ma men" lái xe. Ảnh: Transerco
Khoảng 18h30 ngày 28/10, Thiếu tá Trần Thị Luận, Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Đak Đoa điều khiển ô tô va chạm liên tiếp vào 2 xe máy tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, người này vi phạm mức 0,833mg/l khí thở.
Thiếu tá Luận sau đó bị phạt 46 triệu đồng, tước bằng lái 24 tháng và bị giáng chức xuống làm Đội phó.
Trước đó 3 ngày, một vụ TNGT liên hoàn cũng xảy ra tại TP Peiku. Đêm 25/10, ông Nguyễn Văn Tuy (SN 1976) điều khiển ô tô lưu thông trên đường Lý Thái Tổ, bất ngờ đâm vào 3 xe mô tô đang dừng đèn đỏ khiến 4 người bị thương. Đo nồng độ cồn, cảnh sát xác định ông Tuy vi phạm mức 1,053 mg/l khí thở.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, toàn quốc xảy ra 1.683 vụ TNGT do nồng độ cồn, làm chết 1.063 người, bị thương 1.302 người.
Mặc dù số vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng giảm, tuy nhiên số vụ có tính chất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng còn khá cao (695 vụ, chiếm 41,2%).
Tại cuộc họp bàn tròn “Ngăn ngừa lái xe khi có nồng độ cồn qua hơi thở” vừa được tổ chức, Thiếu tá Nguyễn Khánh Ly, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện CSND đã đề xuất nhiều giải pháp ngăn ngừa lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung những quy định như phạt tù đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT nghiêm trọng theo hướng quy định là một tội danh cụ thể trong Bộ Luật hình sự; áp dụng trừ điểm GPLX; phạt lũy tiến, buộc thi lại GPLX, lao động công ích.
Đồng thời, cho phép CSGT tạm giữ tài xế say xỉn không thể lái xe; triển khai kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về vi phạm, TNGT do vi phạm nồng độ cồn giữa Bộ Công an - Bộ Y tế - Bộ GTVT - Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp dữ liệu về GPLX, lịch sử vi phạm, gây TNGT, trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính… Từ đó đề ra hình thức xử lý, chế độ bảo hiểm, quy định cấp/đổi/tước GPLX đối với mỗi cá nhân.
Trước những đề xuất này, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho rằng, khi áp dụng sẽ có tác động lớn giúp ngăn tình trạng “ma men” lái xe. Đồng tình, TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, những biện pháp trên đã được các nước trên thế giới áp dụng.
Theo Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện các Bộ, ngành đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu riêng của từng ngành, khi hoàn thiện sẽ tiến tới kết nối đồng bộ vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giám sát, quản lý.
Ứng dụng công nghệ, kiểm tra nồng độ cồn đột xuất
Theo các chuyên gia, TNGT do nồng độ cồn gây ra thường để lại những hậu quả nghiêm trọng, do đó, biện pháp phòng ngừa rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, để ngăn ngừa tài xế sử dụng rượu, bia trước ca làm việc, lái xe chở khách trong tình trạng có nồng độ cồn, từ tháng 6/2019, Transerco đã triển khai lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn tại các đơn vị buýt BRT và nhân rộng ra các hệ thống xe buýt khác.
Việc triển khai đo nồng độ cồn lái xe của Transerco trước mỗi ca làm việc là biện pháp thiết thực, hiệu quả và khả thi, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Việc này rất đáng khuyến khích để nhân rộng.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia
“Việc này giúp khoanh vùng những tài xế có dấu hiệu “nghiện rượu”, thường xuyên uống rượu, bia sau mỗi ngày làm việc hay có thói quen ăn sáng uống rượu. Việc kiểm tra đột xuất bằng máy đo nồng độ cồn cầm tay trong ca làm việc nhằm nâng cao ý thức của toàn bộ đội ngũ lái xe”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cũng thông tin, đối với những tài xế trong 1 tháng có 3 lần đo phát hiện nồng độ cồn sẽ được yêu cầu tham gia lớp đào tạo của Tổng công ty kéo dài từ 10 - 15 ngày.
Những ngày này, tài xế không được hưởng lương. Ngoài ra, “không phát hiện nồng độ cồn” cũng là 1 tiêu chí trong đánh giá mức độ hoàn thành công việc.
Thời gian tới, Transerco sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ theo dõi cử chỉ, hành động của tài xế thông qua camera giám sát trên xe, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường nghi do ảnh hưởng của rượu, bia để có những giải pháp kịp thời.
Đại diện Viện Khoa học cảnh sát đánh giá cao biện pháp của Transerco và đề xuất nên nhân rộng đối với các doanh nghiệp khác.
Đồng thời, khuyến khích người dân cài đặt sử dụng các ứng dụng đo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh, sử dụng các thiết bị cá nhân thông minh cảnh báo nồng độ cồn như vòng tay thông minh, khóa liên động trên xe ô tô.
Đại diện Công ty Tokai Denshi, thành viên Hiệp hội thiết bị kiểm tra nồng độ cồn Nhật Bản cho biết, khóa liên động kiểm tra nồng độ cồn là thiết bị được trang bị trên xe, khi khởi động động cơ, sẽ đo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Nếu vượt quá chỉ số quy định, xe sẽ tự động không khởi động động cơ.
Theo đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), để áp dụng khóa liên động tại Việt Nam chắc chắn phải xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho thiết bị này.
Tuy nhiên phải dựa trên nhiều nghiên cứu để làm bằng chứng khoa học, phải được kiểm định của Bộ KH&CN mới có thể đưa vào lắp đặt trên các phương tiện, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng.
Bên cạnh việc có lộ trình cụ thể, dài hơi, nên thí điểm tại một số đơn vị vận tải với số lượng xe nhất định để đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng rộng rãi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận