• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Tái bùng phát xe “trá hình” trên tuyến Đà Nẵng - Huế

12/07/2019, 07:28

Vấn nạn xe “trá hình” chạy núp bóng phù hiệu hợp đồng, du lịch để bắt khách lẻ tái bùng phát trên tuyến Đà Nẵng - Huế...

Xe Limousine Hoàng Đức “đáp” lại trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng) trả khách đi từ Huế vào Đà Nẵng và đón hành khách đang chờ tại đây quay đầu ra lại Huế (chụp ngày 3/7)

Sau thời gian hoạt động cầm chừng, vấn nạn xe “trá hình” chạy núp bóng phù hiệu hợp đồng, du lịch để bắt khách lẻ tái bùng phát trên tuyến Đà Nẵng - Huế, hình thành tập đoàn xe trá hình mới…

Nở rộ từ trang mạng đến đời thực, gọi đâu có đó!

Chỉ cần vào Facebook, gõ từ khóa “xe đi ké Huế Đà Nẵng Huế”, “xe ké miền Trung, đi xe ké”… hành khách dễ dàng tìm kiếm các thông tin lịch trình, số điện thoại nhà xe 4-7 chỗ trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Trong vai hành khách, PV liên hệ ngẫu nhiên vào số điện thoại 0706250xxx đặt chỗ từ Đà Nẵng đi Huế, lập tức được nhân viên bắt máy, hẹn đón vào 11h25 ngày 4/6. Đúng hẹn, chiếc ô tô 7 chỗ hiệu Fortuner BKS 75A - 116.14 tấp vào lề đường Hoàng Thị Loan (Đà Nẵng) thúc giục hành khách lên xe. Lúc này, trên xe đã có sẵn 7 hành khách gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Tài xế đánh lái ra đường Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, rẽ vào đón thêm một khách rồi trực chỉ hướng về hầm Hải Vân.

Xe lưu thông trong hầm, tài xế vô tư vừa lái vừa nhắn tin, điện thoại để hẹn đón trả khách. Thậm chí, khi ra đến đường dẫn phía Bắc hầm Hải Vân, tài xế đánh lái lấn sang làn đường đối diện để vượt hàng loạt ô tô, bất chấp vạch đường liền màu vàng (cấm đè, lấn vạch). Chừng 2 tiếng đồng hồ kết thúc hành trình tại Huế, lúc này tài xế mới thu của mỗi khách 120 nghìn đồng.

Chiếc xe trung chuyển loại 4 chỗ đang mở cửa đón hành khách trung chuyển trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng)

Tương tự, tại TP Huế, rất dễ dàng tìm một chuyến “xe trá hình” để trở lại Đà Nẵng. PV liên hệ vào số điện thoại 0932435xxx đặt chỗ, một người đàn ông cho biết giá vé 120 nghìn đồng và hẹn khách để đưa xe đến đón tận nơi. Kịch bản tương tự, một số điện thoại khác gọi lại cho PV và đưa xe đến đón khách tại 74 Trường Chinh (TP Huế). Xe tiếp tục vòng vèo khắp các tuyến đường nội thành TP Huế để đón khách. Đủ 7 khách, chiếc ô tô 7 chỗ ra QL1 thẳng tiến về Đà Nẵng. Theo tiết lộ của tài xế này, có ngày anh ta chạy đến 3 chuyến, có ngày chỉ chạy 1 chuyến vì lượng xe rất lớn.

Không riêng nhà xe “trá hình”, vấn nạn này còn được các “tập đoàn” vận tải lớn đầu tư, đưa hàng chục phương tiện hoạt động, vô tư bắt khách lẻ dưới danh nghĩa xe phù hiệu hợp đồng, du lịch. Sau thời HAV Travel, Tân Quang Dũng… hiện xuất hiện nhà xe Hoàng Đức với mật động khai thác dày đặc. Trên trang hoangduclimosine.com, đơn vị này còn ngang nhiên quảng bá, mời chào hành khách đặt vé qua tổng đài, trên điện thoại thông minh hoặc đến các văn phòng tại Huế, Đà Nẵng, Hội An. Theo đó, Hoàng Đức Limousine có 15 chiếc xe Limousine 9 chỗ, chở khách từ 5h - 19h mỗi ngày, tần suất 30 - 60 phút có 1 chuyến…

Khoảng 9h30 sáng 3/7, PV gọi vào tổng đài nhà xe Hoàng Đức Limousine, được nhân viên thông báo có các chuyến sớm nhất khoảng gần 11h, chuyến 11h30, 12h, 14h, 15h, 17h và chốt lịch chuyến sớm nhất. PV lên xe lúc này đã có 7 hành khách/9 ghế ngồi, chiếc xe phóng về các ngã đường Tố Hữu, khu chung cư quy hoạch Xuân Phú (TP Huế) để tiếp tục đón khách còn lại. Nhà xe này còn dùng cả “xe trung chuyển” để tập kết khách về những địa điểm chờ sẵn. Dù phù hiệu hợp đồng, nhưng dễ thấy ngoài PV, hầu hết các hành khách trên xe đều là khách lẻ.

Vừa qua đường dẫn Nam hầm Hải Vân xuống đường Tạ Quang Bửu (Đà Nẵng) rẽ về trung tâm Đà Nẵng, tài xế thu hết số tiền của 2 hành khách còn lại. Giá vé 150 nghìn đồng/người. 12h trưa cùng ngày, xe Limousine Hoàng Đức này đỗ ở đường Nguyễn Chí Thanh, sang các khách trên xe sang xe trung chuyển rồi tiếp tục đón nhóm hành khách “quay đầu” lại Huế.

Những bản hợp đồng “ma”

“Phiếu thu” của Công ty CP Dịch vụ đầu tư Hoàng Đức được nhân viên đưa cho “thượng đế”

Sáng 19/6, PV liên hệ vào tổng đài 190067xx của nhà xe Hương Giang, được nữ nhân viên hẹn lịch đón vào 9h cùng ngày tại BigC Đà Nẵng để ra Huế, nếu đón tận nhà, giá vé 160 nghìn đồng/khách. Đúng giờ, chiếc Limousine 9 chỗ BKS 75B - 016.15 (Hương Giang) đến đường Nguyễn Như Hạnh đón PV, trên xe đã có sẵn 5 hành khách. Nam tài xế này “cẩn thận” hơn, hỏi tên, tuổi khách rồi viết vào một bản danh sách hợp đồng vận chuyển đóng dấu sẵn. Xong việc, tài xế đánh lái xe thẳng về hướng TP Huế.

Kêu cứu trước bờ vực “chết yểu”
Tập thể gần 80 nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng-Huế và ngược lại vừa gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng Trung ương, các địa phương Huế, Đà Nẵng về tình trạng “xe dù”, “xe trá hình” bùng phát trên địa bàn cần có biện pháp quyết liệt, xử lý triệt để, đảm bảo trật tự vận tải trên tuyến.
Theo các nhà xe này, trên tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 nhà xe, xe “trá hình” hoạt động, khiến việc cạnh tranh không bình đẳng, đẩy các nhà xe cố định vào bờ vực phá sản, lượng khách lên xe ở hai đầu bến chỉ đạt 3 - 5% tổng số ghế, lễ, Tết cũng chỉ đạt 10 - 20%. Lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng ngao ngán cho biết, tình trạng “xe dù”, “xe trá hình” khiến lượng xe và khách hoạt động tại bến giảm thiểu rõ rệt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 350 xe xuất bến, chỉ hơn 60% so với trước đây. Ngay cả dịp Tết Nguyên đán vừa qua lượng khách cũng giảm rõ rệt.


Trong khi đó, để đối phó cơ quan chức năng và hợp thức hóa “hợp đồng khách lẻ”, nhà xe Hoàng Đức Limousine cho khách đặt vé xe trên website với đầy đủ họ tên, số điện thoại, điểm đón, trả để được nhà xe tới đón. 12h52 trưa 19/6, chiếc ô tô 7 chỗ BKS 75A - 154.05 đến đón PV tại đường Hùng Vương (TP Huế) cùng 5 hành khách rồi về tập trung tại văn phòng Hoàng Đức Limousine tại Khu C1 chung cư Vicoland (phường Xuân Phú, TP Huế) để chuẩn bị lên xe.

Ngẫu nhiên, PV đặt chỗ online với số ghế B2 (ghế bên cạnh tài xế) nên được mặc định làm “người đại diện” của các hành khách trên xe. Nữ nhân viên tại văn phòng Hoàng Đức Limousine đưa bản hợp đồng vận chuyển hành khách soạn sẵn nhờ PV ký, với 8 hành khách, trong đó có 2 khách nước ngoài. Bằng cách này, nhiều nhà “xe trá hình” đã dùng để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, gây khó cho việc xử lý vi phạm của các lực lượng TTKS.

Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an Thừa Thiên-Huế) cho hay: Hoạt động nhà xe trá hình ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều phương thức được các nhà xe áp dụng như “hợp đồng ma”, chỉ thu tiền khi khách xuống xe, nhận khách là người nhà… Trong khi đó, phần lớn hành khách không hợp tác đấu tranh để làm rõ hành vi kinh doanh vận tải sai trái này.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng, thực tế nạn “xe trá hình” phát triển ngày càng phức tạp. Các xe hoạt động vận tải trá hình chủ yếu là ô tô mang phù hiệu xe hợp đồng, biển hiệu xe du lịch đi vào khu nội thành, những phương tiện này thực hiện dịch vụ đưa khách đến tận nơi, đón tận nhà, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với xe hoạt động vận tải theo tuyến cố định (đặc biệt là các tuyến có cự ly ngắn như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quảng Nam, Đà Nẵng - Huế).

Thông tin về Limousine Hoàng Đức trên website hoangduclimousine.com (Ảnh chụp màn hình)

Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến xe trá hình tuyến cố định, Thanh tra Sở GTVT xử lý nhiều trường hợp vi phạm của các nhà xe như: Sinh Café, Hạnh Café, Hoàng Dũng, HAV, Camel, Taxi Bèo... Hiện, Sở GTVT Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo lực lượng TTGT phối hợp Công an thành phố, Tổ kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Thống kê của TTGT Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2019, TTGT Đà Nẵng phối hợp Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lý 352 trường hợp vi phạm các lỗi: Không có phù hiệu, không có hợp đồng vận chuyển hành khách... xử phạt vi phạm hành chính hơn 900 triệu đồng, tước 214 GPLX, thu hồi có thời hạn 52 phù hiệu của các xe vi phạm theo quy định tại Nghị định 46/2016.

Ông Lê Thế Bính, Chánh thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho biết: “Đơn vị nhận đơn kêu cứu của nhà xe tuyến cố định Huế-Đà Nẵng và ngược lại, thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trước tình trạng biến tướng xe trá hình, liên ngành GTVT, công an, địa phương đã họp bàn, xây dựng quy chế phối hợp để tập trung triển khai”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.