Tại Sóc Trăng có khoảng 30,1% dân số là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 362.000/1,2 triệu người).
Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm, chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc.
Từ đó, giúp bà con có điều kiện thoát nghèo bền vững, yên tâm phát triển kinh tế gia đình.
Hạ tầng giao thông phát triển
Ông Danh Chum (hộ dân tộc Khmer ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) phấn khởi chia sẻ, cách đây gần 5 năm đời sống gia đình còn khó khăn, không đất sản xuất.
"Sau đó, gia đình tôi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ (xây dựng nhà ở, bò sinh sản để nuôi và hỗ trợ nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề buôn bán nhỏ) nên đời sống dần được thay đổi, vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả hơn trước rất nhiều", ông Chum chia sẻ.
Trước đây, đi lại khó khăn do đường sá còn nhỏ hẹp, sình lầy. Nay đường giao thông nông thôn ô tô chạy tới cửa, việc đi lại, buôn bán rất thuận lợi, không bị thương lái ép giá, con em đi đi học an toàn, người già có bệnh đi điều trị kịp thời, người dân ai cũng phấn khởi, vui mừng khi thấy phum sóc thay đổi, phát triển.
Chị Huỳnh Thị Miễn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho biết, trên địa bàn ấp có trên 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình). Mỗi hộ có từ 1 - 3 nhân khẩu tham gia với thu nhập trung bình một người từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Theo bà Châu Thị Chuỗi, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), trong 5 năm qua, được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, nhựa hoá, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch đến tận các ấp vùng sâu, vùng xa, giúp nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đúng mức, các trục đường liên xã, liên ấp kết nối trung tâm huyện được xây dựng, ô tô đi lại thuận lợi, địa phương có điều kiện vận động người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, địa phương cũng triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, kịp thời giới thiệu nhân tố mới, mô hình hay từ thực tiễn để nhân rộng ra toàn xã như: mô hình nuôi bò sinh sản, bò sữa, trồng rau màu…", bà Chuỗi thông tin thêm.
Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Võ Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, địa phương luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất của người dân, nhất là trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, nổi bật là phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, vận động xây dựng cầu dân sinh, đường giao thông giúp giao thương hàng hóa được thuận tiện, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer phát triển.
Ông Lê Thanh Vị, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Tú, cho biết huyện có 24,59% dân số là đồng bào Khmer (7.482 hộ với 32.253 nhân khẩu), sống tập trung và phân bố trên địa bàn các xã: Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng.
"Giai đoạn 2019 - 2024, huyện quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho 2.113 lao động người Khmer, giải quyết việc làm cho 4.692 lao động người Khmer, 4.696 lượt hộ dân tộc Khmer được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Khmer khoảng 63 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 72 hộ chiếm 0,96%", ông Vị nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận