Đường bộ

Sóc Trăng sẵn sàng cho lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

13/06/2023, 17:12

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Theo kế hoạch, lễ khởi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản) sẽ được tổ chức vào ngày 17/6 tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (điểm cầu trực tuyến).

Đây là thông tin được người dân không chỉ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phấn khởi, mà người dân ở các tỉnh có dự án đi qua cũng rất vui mừng.

img

Người dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tự tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công cao tốc

Dự án hợp lòng dân

Thông qua báo đài, ông Thạch Khâm (ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) biết được dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp khởi công, ông phấn khởi nói: “Bà con nơi đây mong chờ cao tốc từ lâu lắm rồi, đến khi chính quyền họp dân thông báo về chủ trương, thu hồi đất phục vụ dự án chúng tôi rất vui mừng, vì ước mơ cao tốc về Sóc Trăng đã thành hiện thực.

Gia đình cũng có diện tích đất thuộc diện phải thu hồi, tôi không buồn mà đồng ý bàn giao ngay, với mong muốn cao tốc sớm về với vùng quê này”.

Theo Quyết định phê duyệt giá đất làm cơ sở tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án thành phần 4 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 ngày 22/5/2023 của UBND tỉnh Sóc Trăng, giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trên địa bàn TP Sóc Trăng và các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, nơi cao nhất là hơn 7,8 triệu đồng/m2 và thấp nhất 57.000 đồng/m2 (tùy theo từng loại đất).

Có gần 6.300m2 đất thuộc diện phải thu hồi để phục vụ dự án cao tốc, anh Lý Sơn (ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề) phấn khởi, chia sẻ: “Ngoài tiền bồi thường cho gần 6.300m2 đất nông nghiệp trị giá gần 400 triệu đồng, tôi còn nhận được trên 335 triệu đồng chính sách hỗ trợ (đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm...) với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Gia đình tôi rất phấn khởi và hài lòng với mức giá đền bù, hỗ trợ nói trên”.

Anh Sơn chia sẻ thêm: “Tôi rất mong dự án sớm được triển khai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người dân Sóc Trăng sẽ có thêm công ăn, việc làm khi mai đây mọc lên các khu, cụm công nghiệp, không còn phải tha phương cầu thực nữa”.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, cao tốc là ước mơ từ rất lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

“Đây là một dự án có quy mô lớn và có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, của các tỉnh, thành phố có dự án đi qua nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung.

Dự án cao tốc tạo động lực để Sóc Trăng kêu gọi thu hút đầu tư vào cảng biển nước sâu Trần Đề, phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch…”, ông Mẫn chia sẻ.

img

Người dân ở Sóc Trăng phấn khởi ký nhận tiền bồi thường. Ảnh: Hoàng Lan

GPMB phải tính đúng, tính đủ

Để thực hiện hóa giấc mơ cao tốc, ngay khi có chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ra Nghị quyết bố trí vốn ngân sách địa phương với số tiền 1.000 tỷ đồng để tham gia thực hiện dự án thành phần 4.

Để dự án cao tốc được triển khai nhanh nhất có thể, Sóc Trăng đã bắt tay ngay vào thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc GPMB… cho các địa phương.

Tại buổi khảo sát vị trí khởi công cao tốc vào sáng 29/5, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - Lâm Văn Mẫn đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư cùng các Sở, ngành và địa phương có liên quan trong công tác GPMB.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng lưu ý các địa phương trong việc áp giá đền bù thực hiện theo đúng trình tự, quy định pháp luật, không để người dân chịu thiệt thòi, tạo sự đồng thuận, yên tâm để bà con sớm bàn giao mặt bằng sạch phục vụ cho dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, của tỉnh phát triển.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng với các Sở, ngành và địa phương khẩn trương chuẩn bị mặt bằng để tổ chức tốt lễ khởi công cao tốc, có phương án dự phòng trường hợp trời mưa, phương án điều tiết, phân luồng giao thông cụ thể qua khu vực khởi công, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu, trong công tác giải phóng mặt bằng phải tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch để người dân đồng thuận.

Đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh phải rà soát kỹ, xác định cụ thể, chi tiết từng trường hợp… để đối chiếu các quy định pháp luật để có giải pháp xử lý dứt điểm.

“Phải xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng, phân công công việc, nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để thực hiện và thường xuyên theo dõi tiến độ, chỉ đạo thực hiện nhanh, tránh tình trạng không rõ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc”, ông Lâu chỉ đạo quyết liệt.

Sẽ bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023

Theo báo cáo Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng - chủ đầu tư, nhằm đáp ứng thời gian khởi công trên, địa phương đã lên kế hoạch và hoàn thành tổ chức, lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát.

Tổ chức chi trả bồi thường GPMB đối với các hộ dân đồng ý, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công chậm nhất ngày 15/6 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12.

img

Mặt bằng phục vụ buổi lễ khởi công cơ bản đáp ứng yêu cầu

Tính đến cuối tháng 5, công tác triển khai khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán dự án đạt 80% tiến độ (chủ đầu tư đang tổng hợp kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán đoạn Km 159+500 - Km 174+000.

Theo ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, nhìn chung các bước triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và kế hoạch triển khai dự án thành phần 4 của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thi công 4 khu tái định cư (TĐC). Trong đó, khu TĐC thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề khối lượng đạt khoảng 63,6%; khu TĐC xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, khối lượng đạt khoảng 27%; khu TĐC xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, khối lượng đạt khoảng 35%; khu TĐC xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, khối lượng đạt 2,42%.

Còn khu TĐC xã Long Hưng và xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú đang chờ ý kiến UBND tỉnh về việc có đầu tư hay không mới thực hiện các bước tiếp theo.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 2, dự kiến trong tháng 6/2023, sẽ triển khai công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát phục vụ khởi công; phối hợp các đơn vị và UBND huyện Mỹ Xuyên hoàn chỉnh phương án tổ chức lễ khởi công.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện công tác lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đối với các gói thầu còn lại cũng như tiếp tục đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các khu TĐC.

Dự án thành phần 4 thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, qua địa phận 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.961 tỷ đồng (trong đó, dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.765 tỷ đồng).

Quy mô đầu tư giai đoạn 1, gồm: 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), bề rộng nền đường 17m; tổng chiều dài tuyến 58,37km; vận tốc thiết kế 100km/h.

Tại Sóc Trăng, dự án đi qua địa bàn TP Sóc Trăng, các huyện Mỹ Tú, Trần Đề và Mỹ Xuyên, với tổng chiều dài gần 58,4km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.