Không cát cứ dữ liệu giữa các lĩnh vực
Tại hội thảo Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo ATGT do Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng 26/12, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo chương trình chuyển đổi số ngành GTVT tầm nhìn đến năm 2023, GTVT là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành khác, phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý và nghiên cứu về An toàn giao thông.
“Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo TTATGT là cả 1 quá trình thay đổi công nghệ, thủ tục quy trình và khái niệm trong quản lý tổ chức xã hội”, – ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Nhằm hiện thực hóa, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện số hoá dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, lĩnh vực đường bộ quản lý gần 25.000km mặt đường, gần 7.354 cầu đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay, lĩnh vực hàng không và hàng hải dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ hoàn thành. Trong đó, sẽ ứng dụng CNTT để theo dõi, thống kê lưu lượng giao thông, xây dựng kế hoạch bảo trì đảm bảo ATGT.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng quản lý điều hành giao thông đường quốc lộ và cao tốc (5/17 đoạn cao tốc xây dựng và quản lý điều hành ITS gồm giám sát giao thông, biển báo, hệ thống phản ánh thông tin qua đường dây nóng, kiểm soát tải trọng xe; thu phí điện tử không dừng).
Với dự án cao tốc, Bộ GTVT đang có 21 dự án, trong đó 9 đoạn tuyến triển khai năm 2017-2020, 12 đoạn triển khai năm 2021-2025 và trong thiết kế sẽ triển khai đồng loạt giao thông thông minh (ITS) về quản lý điều hành giao thông.
Bộ cũng dự kiến hình thành trung tâm điều hành giao thông cho cao tốc và quốc lộ để kết nối với giao thông đô thị để cung cấp tình hình giao thông từ khu vực ngoại ô đi vào đô thị.
Theo kế hoạch từ năm 2023 ngành sẽ cung cấp dữ liệu mở, trong đó có dữ liệu về Kết cấu hạ tầng giao thông (kho, bãi, bến xe, tàu…) phục vụ bài toán giảm ùn tắc ATGT .
Quang cảnh hội thảo
Ông Tùng cho biết, hiện việc quản lý dữ liệu phương tiện rời rạc từ đăng kiểm, đăng ký xe, xử phạt,… do đó, cần định danh lại và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện.
Để thực hiện, Bộ GTVT đã hoàn thành số hoá, định danh dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.616.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không.
Bộ cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý phương tiện bao gồm: thiết bị hộp đen (có 200.000/205.000 xe đã lắp, còn 5.000 xe do tạm dừng hoạt động nên chưa lắp); số hóa 11.000 tuyến vận tải cố định có đầy đủ thông tin về loại phương tiện, đơn vị, người điều khiển xe.
Cùng với đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an khi đăng ký xe trực tuyến; Tổng cục thuế khi thực hiện thu thuế điện tử; 16/63 tỉnh thành phố về số liệu cấp phép; chia sẻ cho các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai...trong thực hiện cửa khẩu số giúp thông quan hàng hóa…
Với người điều khiển phương tiện, đang thực hiện quản lý từ khâu đào tạo sát hạch lái xe, cấp phép bằng lái xe. Hiện Bộ đang kết nối với cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe(Bộ Y tế), xử phạt vi phạm (Bộ Công an) nên thời gian tới việc cấp đổi lái xe rất thuận tiện bởi theo thống kê mỗi năm có khoảng 2 triệu bằng lái xe cấp, đổi.
“Định danh thống nhất về dữ liệu sẽ không còn cát cứ giữa các lĩnh vực mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương. Do đó, vai trò của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia phải hình thành nền tảng số, giải quyết bài toán tổng thể về ATGT để các cơ quan đơn vị có những đóng góp về dữ liệu và chia sẻ,” ông Tùng nhấn mạnh.
Đại diện Cục CSGT tham gia thảo luận tại hội thảo
Sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông
Thực tế đòi hỏi cần có một hệ dữ liệu về ATGT cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về ATGT trên phạm vi toàn quốc các cấp Trung ương và địa phương. Cụ thể, về tính kịp thời, số liệu được thu thập xử lý báo cáo trong một khoảng thời gian nhất định gửi đến các cơ quan có liên quan giúp cho việc ra quyết định một cách kịp thời.
Sau năm 2025, theo yêu cầu thực tế của công việc, các bộ ngành sẽ cập nhật thông tư bổ sung các trường dữ liệu mới phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ATGT của Chính phủ mà Ủy ban là cơ quan đầu mối, với 5 trụ cột về ATGT như: Quản lý ATGT, Kết cấu Hạ tầng giao thông, Phương tiện, Con người, Sau TNGT" - ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng cho biết, thời gian qua, Cục CSGT đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, đặc biệt là việc đưa các Dịch vụ công lên cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai các hệ thống camera giám sát TTATGT trên các tuyến cao tốc và quốc lộ.
Hiện nay, Cục CSGT đã có các hệ CSDL như: CSDL xử lý vi phạm, đăng ký xe, TNGT và giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh.
Các hệ thống đều được triển khai dưới dạng mô hình tập trung tại Trung ương (Cục CSGT), CSGT các cấp và Công an xã là đầu mối sử dụng, khai thác, thu thập thông tin để làm giàu CSDL.
Theo đại diện Cục CSGT, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT đã giúp cho người dân giảm thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục, không phải chờ đợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, do việc sử dụng các thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành còn chưa đồng bộ; việc kết nối với các đơn vị ngoài ngành liên quan (thuế, đăng kiểm, hải quan...) mặc dù đã thực hiện, tuy nhiên đôi khi dữ liệu còn chưa đủ để tích hợp với nhau, trong khi đó, cán bộ chiến sỹ chưa quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công,…
Từ đó, đại diện Cục CSGT đề xuất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để kết nối chia sẻ dữ liệu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vục đăng ký xe, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Hà Thái Sơn, chuyên viên Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại rất rõ chi tiết nạn nhân TNGT bao gồm: người lái xe, hành khách, người đi trên xe, người lên xuống xe… Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ nước ta chỉ quy định người điều khiển xe, người sử dụng xe khi có TNGT xảy ra.
“Bộ Y tế cần phối hợp Bộ Công an xây dựng hệ thống thống kê nguyên nhân TNGT dựa vào bệnh viện theo phân loại của WHO trong đó áp dụng hệ thống phân loại phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ có chuyển đổi sang bảng mã chi tiết; thống kê cụ thể, nạn nhân, phương tiện của nạn nhân và phương tiện va chạm, tình trạng liên quan đến rượu bia; tiến hành nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do tai nạn giao thông”, ông Sơn đề xuất, và cho biết, dự kiến quý 1/2023 sẽ triển khai toàn quốc việc liên thông giấy khám sức khỏe người cấp đổi GPLX, đồng thời, Bộ Y tế sẽ đào tạo nhân viên bệnh viện về mã hóa thống kê nguyên nhân TNGT và gắn mã hóa đầy đủ thông tin tai nạn giao thông với thanh toán bảo hiểm y tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan đơn vị tham gia đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT trong đó cụ thể đưa ra lộ trình, trách nhiệm của các đơn vị tham gia; cơ quan Nhà nước mở dữ liệu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Theo đại diện Công ty CP Hanel, đơn vị này đã và đang xây dựng giải pháp giao thông thông minh cho Cục Đường bộ VN. Đây là giải pháp tổng thể về giao thông đầu tiên kết nối và quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc hạ tầng giao thông và định vị, giám sát hành trình phương tiện giao thông trên nền bản đồ số thống nhất.
Từ đó, giúp điều tiết thông minh, hỗ trợ xử lý vi phạm, góp phần giảm vi phạm giao thông và TNGT. Cụ thể, năm 2020, xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện.
Tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km từ năm 2015 đến năm 2020 giảm mạnh: khoảng 36 lần. Năm 2020, số vụ TNGT giảm 16,02%, số người chết giảm 11,33%, số người bị thương giảm 18,14%
Đồng thời còn góp phần hạn chế quá tải và hạn chế lượng xe luân chuyển trên đường nhằm tăng tuổi thọ cầu đường; Kiểm soát được lưu lượng di chuyển của các đầu xe, hỗ trợ thu phí theo từng km di chuyển thực tế của xe.
Đánh giá tình trạng hoạt động của từng hạng mục hạ tầng đường bộ, phối hợp ra các gợi ý bảo dưỡng, nâng cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận