Xe tăng, tai nạn giao thông tăng
Người đi xe máy dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông so với các phương tiện bốn bánh lớn hơn
Chiều 3/1, ông L.V.Q. (63 tuổi) và ông P.V.P. (44 tuổi) chở nhau trên xe máy, khi đến Km29 QL20 đoạn qua xã La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã va chạm với một xe máy đi cùng chiều khiến cả ông Q. và P. ngã xuống đường. Đúng lúc này, một chiếc xe tải đi tới cán qua khiến cả 2 người tử vong tại chỗ.
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 2/1, tại TP Bắc Giang cũng xảy ra vụ tai nạn giữa 2 xe máy khiến Nguyễn Anh T. (SN 2006) tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn, nạn nhân chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ TNGT do người đi xe máy gây ra trong 3 ngày đầu năm 2023. Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, TNGT do người đi xe máy chiếm chủ yếu và đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, TNGT do xe máy gây ra chiếm hơn 59% số vụ, tăng gần 3% so với cùng kỳ.
TS. Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, Trường Đại học Việt Đức cho biết, kết quả một nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi ngày có 25 người chết do TNGT đường bộ và chủ yếu là người đi mô tô, xe gắn máy.
“Người đi xe máy là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông. Các hành vi nguy hiểm phổ biến của người điều khiển xe máy gồm: Chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia, không tập trung trong quá trình điều khiển xe”, ông Mẫn nói.
Theo PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức, hiện người dân Việt Nam vẫn sử dụng xe máy là phương tiện đi lại phổ biến. Giai đoạn từ 2010 - 2020, lượng xe máy tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 31,3 triệu xe lên 63,4 triệu xe. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 70% người dân vẫn chọn xe máy để di chuyển hàng ngày.
Nói về hiệu quả các giải pháp đã triển khai, ông Tuấn cho rằng, Quyết định số 1586/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược quốc gia bảo đảm ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ một số chính sách và giải pháp liên quan đến việc tách dòng xe 2 bánh ra khỏi dòng xe hỗn hợp.
Chẳng hạn như đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng QL1A, lắp đặt dải phân cách tránh xung đột đối đầu và xây dựng làn đường dành riêng cho xe máy.
Đối với Hà Nội và TP.HCM, tăng cường phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt; tổ chức làn đường dành riêng cho xe máy...
Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện giải pháp hạ tầng và tổ chức giao thông của Chiến lược còn rất chậm và nhiều bất cập, mới chỉ có vài tuyến đường triển khai phương án phân tách làn xe máy riêng.
Soạn lại bộ câu hỏi sát hạch, loại bỏ học mẹo
Hiện trường vụ TNGT giữa xe mô tô xảy ra chiều 2/1/2023 tại TP Bắc Giang khiến 1 người tử vong
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT, để hạn chế TNGT liên quan tới xe máy cần tổng hợp nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp liên quan tới người lái là quan trọng nhất.
Việc đào tạo và cấp bằng lái xe máy cần thực hiện chặt chẽ hơn. Tình trạng học sinh điều khiển xe máy cần được quan tâm và hạn chế quyết liệt hơn. Cùng đó, nhóm đối tượng xe ôm công nghệ cũng cần được chú ý hơn vì họ thường phóng nhanh vượt ẩu do áp lực đơn hàng.
“Phát triển xe buýt và tàu điện trên cao cũng là các giải pháp quan trọng trong trung hạn và dài hạn để hạn chế sự tăng trưởng của xe máy và tai nạn liên quan tới xe máy”, TS. Hiếu nói.
Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, cần bổ sung thêm loại GPLX cho người điều khiển xe gắn máy có dung tích nhỏ hơn 50cm3, về độ tuổi nên quy định từ 16 tuổi trở lên phải thi GPLX.
Cùng đó, nghiên cứu, xem xét thiết lập hệ thống cấp GPLX tạm thời cho người mới lái và hệ thống điểm an toàn cho người lái xe, bổ sung thời hạn cấp đổi GPLX đối với hạng A1, A2.
“Cần hoàn thiện giáo trình đào tạo, xây dựng các bài thực hành trên thiết bị mô phỏng, nâng cao công tác sát hạch lái xe, hoàn thiện giáo trình đào tạo theo hướng soạn lại bộ câu hỏi sát hạch, loại bỏ học mẹo, câu đố, bổ sung sát hạch mô tô trên đường thực tế”, ông Đạt đề xuất.
Đánh giá cao những giải pháp như tách làn riêng xe máy, cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung thêm quy định về GPLX, độ tuổi thi GPLX, lãnh đạo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung vào các quy định xử phạt, các hình ảnh về hậu quả của các vụ TNGT, nâng cao mức phạt vi phạm... cũng là những biện pháp quan trọng giúp giảm TNGT cho người đi xe máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận