Đời sống

Sạt lở, sụt lún đường ở Kiên Giang gây thiệt hại hơn 88 tỷ đồng

08/04/2024, 13:49

Tổng số điểm sạt lở, sụt lún đường ở Kiên Giang là 323 điểm, chiều dài khoảng 8.713m, gây thiệt hại hơn 88 tỷ đồng.

Ngày 8/4, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hạn hán, xâm ngập mặn đã làm sụt lún, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tuyến đường giao thông trong vùng đệm U Minh Thượng.

Sạt lở, sụt lún đường ở Kiên Giang gây thiệt hại hơn 88 tỷ đồng- Ảnh 1.

Một đoạn đường bị lún.

Trên tuyến đường tỉnh 965 có 36 điểm sạt lở, chiều dài 760m; đường giao thông nông thôn có 287 điểm, chiều dài 7.953m làm sập 26 căn nhà của người dân. Ước tổng thiệt hại vào khoảng 88,685 tỷ đồng…

Huyện U Minh Thượng đã thống kê có tổng số 434 căn nhà ven sông, trong đó có 54 căn có nguy cơ tiếp tục sụt lún.

Chính quyền địa phương đang tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân di dời. Trước mắt hỗ trợ mỗi hộ bị ảnh hưởng từ 3-5 triệu đồng.

Huyện U Minh Thượng đã phải mở ra 16 lối đường giao thông tạm để người dân và các em học sinh đi lại.

Sạt lở, sụt lún đường ở Kiên Giang gây thiệt hại hơn 88 tỷ đồng- Ảnh 2.

Đường bị lún, nứt.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện ở các cửa sông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mặn xâm nhập có khả năng đã qua đỉnh cao nhất của mùa khô. Dự báo các đợt mặn xâm nhập thời gian tới xuất hiện ở mức thấp hơn ngày 10/3, nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024.

Các đợt mặn xâm nhập cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 7 - 11/4 và 23 - 27/4.

Trước đó, ngày 7/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng có buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh ĐBSCL như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau về tình hình ứng phó hạn hán xâm nhập mặn và giải quyết nước sinh hoạt cho người dân mùa khô 2023 và 2024.

Sạt lở, sụt lún đường ở Kiên Giang gây thiệt hại hơn 88 tỷ đồng- Ảnh 3.

Một đoạn đường phải tạm dừng giao thông vì sụp lún.

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương ĐBSCL phải liên kết các tỉnh thành, liên kết vùng nhằm đưa ra phương án ứng phó diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó chú trọng quy hoạch sản xuất bố trí lại dân cư theo hướng tập trung hoàn thiện theo kiến thiết hạ tầng… nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường tại ĐBSCL.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.