Ngày 25/6, tin từ Sở GTVT Quảng Trị cho biết, đã trả lại hồ sơ để Công ty TNHH MTV Nguyên Hà (gọi tắt Công ty Nguyên Hà, chủ bến thủy nội địa (BTNĐ) ở xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) bổ sung, hoàn thiện trước khi xem xét cấp giấy phép hoạt động cho BTNĐ này.
Tìm hiểu của PV, từ năm 2019, Sở GTVT Quảng Trị có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Nguyên Hà xây dựng bến thủy nội địa ngay bên mép sông Thạch Hãn tại xã Triệu Thượng.
Mỏ, bến thủy nội địa của Công ty Nguyên Hà tại xã Triệu Thượng hoạt động tấp nập (ảnh chụp chiều 18/5)
Tháng 9/2019, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Lê Thanh Hùng ký giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty Nguyên Hà tại Km 25+340- Km25+388 bờ trái của Sông Thạch Hãn, với diện tích hơn 2.000m2, hạm vi sử dụng mặt bến hơn 1.400m2.
Cứ thế, nguồn cát được công ty Nguyên Hà khai thác, sử dụng các thuyền, máy hút chở về bến thủy nội địa ở xã Triệu Thượng để tập kết.
Trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Trị xác nhận, theo giấy phép, bến thủy nội địa của Công ty Nguyên Hà đã hết hạn giấy phép hoạt động vào ngày 1/10/2021 và đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ để xin cấp lại.
Mới đây, vào ngày 11/5, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Nguyên Hà không có hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại bến.
Tuy nhiên, ghi nhận PV, nhiều thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2022, bến thủy nội địa của công ty Nguyên Hà vẫn ngang nhiên hoạt động. Thậm chí, thời điểm PV trong vai hành khách vào mua cát tại BTNĐ này, vẫn nhiều xe tải loại 4 trục ồ ạt ra vào lấy cát. Tại đây, chiếc máy múc hoạt động hết công suất đưa cát lên thùng xe chỡ sẵn. Từ dưới sông, các tàu, thuyền chở cát tấp lại. Số lao động trên tàu, thuyền hối hả nối vòi bơm hút cát xả thẳng vão bãi tập kết... Không hề có dấu hiệu dừng hoạt động chờ được cấp phép lại.
Nhìn mắt thường, bến thủy nội địa nằm sát mé sông Thạch Hãn, này dài đến hơn cả trăm mét trong khi chỉ được cấp phép mở bến rộng 30m, dài 48m dọc theo bờ.
Cứ thế, các phương tiện sau khi đã “no” cát, lần lượt lưu thông về phía Huế hay vào hướng TP. Đông Hà. Đây chủ yếu là loại xe 4 trục, nhiều xe đầu kéo thùng có dấu hiệu cơi nới, chở có ngọn, quá tải… Theo dữ liệu đăng kiểm, các xe này có chiều cao 950cm nhưng nhiều xe cơi nới thêm chừng 20cm; chở “có ngọn”vượt 20-30cm so với thành thùng (đã cơi) khiến dấu hiệu quá tải trọng rõ ràng, với tải trọng hàng hóa chừng 25-26 tấn.
Xe cơi thùng, chở quá tải nối đuôi nhau ra Bến thủy nội địa công ty Nguyên Hà trong thời điểm đã hết hạn hoạt động
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Nguyên Hà cho rằng, bến vẫn hoạt động vì tranh thủ những tháng mùa hè trời khô ráo, phương tiện dễ lưu thông. Nếu mùa mưa, các phương tiện không thể đi lại qua đường đất, lâm nghiệp từ QL1 vào bến thủy nội địa.
Đặc biệt, dù hoạt động, tập kết cát không khác gì điểm điểm mỏ, nhưng khu vực này không lắp đặt trạm cân giám sát tải trọng, hàng hóa khai thác, vận chuyển theo quy định của Chính phủ.
Chiều ngày 23/6, ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị) xác nhận, đến thời điểm hiện tại, bến thủy nội địa của Công ty Nguyên Hà vẫn hoạt động bình thường. Trước đó, vào tháng 4/2022, phía công ty có trình và được UBND xã xác nhận thông tin để đề nghị cơ quan chức năng cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Hiện nay, xã cũng chưa nắm được việc Công ty Nguyên Hà đã được cấp lại giấy phép hay chưa.
“Các bộ phận chuyên môn của xã cũng không rà soát hết được thời hạn các giấy phép. Đề nghị cơ quan chức năng phối hợp với địa phương yêu cầu công ty phải tạm dừng hoạt động trước khi có giấy phép. Khi đầy đủ các thủ tục mới được hoạt động trở lại”, ông Thịnh nói.
Điều lạ, hoạt động diễn ra công nhiên, ngay giữa thanh thiên bạch nhật và cả xuyên đêm liên tục thời gian dài qua nhưng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra. PV liên hệ, đăng ký thông tin Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị (quản lý nhà nước trực tiếp về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn) về các vấn đề cấp phép khai thác, hồ sơ trữ lượng, triển khai quy định lắp đặt camera, trạm cân ở các điểm khai thác, tập kết theo quy định Chính phủ, dấu hiệu bán cát không hóa đơn chứng từ.
Trong đó, quy định lắp đặt trạm cân không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý, giám sát nhà nước mà còn góp phần quan trọng để liên ngành kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi chở quá tải, khai thác vượt công suất quy định.... Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh từ chối trả lời với lý do "không thuộc tôn chỉ mục đích" của Báo Giao thông và đã được Sở TT&TT tỉnh có văn bản hướng dẫn (?!).
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở TT&TT cho biết, sẽ cung cấp lại thông tin để Sở TN&MT phản hồi cho Báo. Điều này khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên về tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản của ngành TNMT.
Ngay cạnh bến thủy nội địa của Công ty Nguyên Hà, BTNĐ của Công ty Sơn Dũng Quảng Trị cũng được sử dụng để tập kết cát từ điểm mỏ ở xã Ba Lòng (Đắkrông, Quảng Trị) về, kéo theo nhu cầu phương tiện vận tải luôn tấp nập, rầm rộ cả ngày đêm.
Ngoài xe của các khách hàng bên ngoài vào mua, công ty Sơn Dũng Quảng Trị sử dụng phương tiện để tiếp tục vận chuyển cát từ BTNĐ về bãi tập kết trên địa bàn xã Triệu Ái (Triệu Phong). Cứ thế những "binh đoàn" xe chở có dấu hiệu chở quá tải, cơi thùng... vô tư hoạt động rầm rộ, qua các chốt TTKS của CSGT.
Theo Thanh tra Sở GTVT Quảng Trị, cơ quan chức năng gồm chính quyền địa phương, CSGT, thanh tra giao thông đều có thẩm quyền xử phạt đối với lỗi không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng vẫn hoạt động.
Theo quy định: Hành vi khai thác bến thủy nội địa đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc hết thời hạn hoạt động bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại Khoản 6, điều 28, Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”
Vào ngày 11/5, Thanh tra Sở GTVT cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty Nguyên Hà về hành vi không ban hành hoặc không niêm yết công khai hoặc không thực hiện đúng quy trình xếp dỡ hàng hóa theo quy định, với mức tiền là 4 triệu đồng. Trước đó, phương tiện của công ty này cũng đã từng bị lập biên bản xử phạt.
Thống kê từ tháng 6/2018 - 5/2022, Thanh Tra Sở GTVT Quảng Trị xử lý 15 trường hợp vi phạm hành chính về đường thủy nội địa, tổng phạt tiền hơn 42 triệu đồng.
Công tác kiểm tra, xử lý không được thường xuyên, hạn chế do lực lượng thanh tra giao thông mỏng (chỉ có 6 người), trong khi thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Đồng thời, kiểm tra tuyến thủy nội địa phải thực hiện theo kế hoạch công khai, việc xử lý phương tiện cũng hạn chế (thanh tra không có thẩm quyền dừng mà chỉ kiểm tra các phương tiện đã neo đậu)…
“Sở GTVT sẽ có văn bản nhắc nhở các đơn vị hoạt động bến thủy nội địa và hậu kiểm lại quá trình đó xem đơn vị có thực hiện không. Những lỗi vi phạm mà không khắc phục thì sẽ bị xử lý nghiêm”, vị đại diện Thanh tra Sở GTVT Quảng Trị chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận