Xã hội

Quảng Ninh: Dự án triệu đô đắp chiếu, lộ bất cập quản lý vườn quốc gia

24/04/2022, 09:10
image

Một dự án có mức đầu tư lên tới gần 140 tỷ đồng nằm trong vùng lõi vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) bị bỏ hoang khiến cỏ mọc um tùm.

Công trình nhiều triệu đô giữa vườn quốc gia nằm “đắp chiếu”

Sau hành trình chừng hơn 20 phút vượt qua những eo biển xanh mướt với những khu nuôi trồng thủy sản san sát, những dãy núi đá vôi với thảm thực vật phong phú nằm kề nhau chạy tít tắp tới chân trời của vịnh Bái Tử Long, chúng tôi cặp vào đảo Lỗ Ố (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn).

img

Chiếc lồng bè nơi luôn có người chốt trực để bảo vệ cho dự án sản xuất giống nhuyễn thể trên đảo Lỗ Ố

Xuồng vừa cập vào bờ thì từ khu nhà bè nằm sát đảo, một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi giới thiệu là người bảo vệ khu vực này và yêu cầu chúng tôi quay ra vì muốn lên khu vực dự án phải có sự đồng ý của lãnh đạo.

Sau một hồi thương thảo, phân trần, cuối cùng người đàn ông này cũng đồng ý cho chúng tôi lên đảo Lỗ Ố tiếp cận với công trình hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể.

img

Toàn cảnh vùng dự án gần 140 tỷ đồng đang để hoang

Theo nguồn tài liệu riêng của PV Báo Giao thông, dự án này do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng với quy mô trên diện tích 73.482,7m2 gồm các hạng mục: Giao thông, sân, đường nội bộ bằng bê tông 2.569,3m2, sân, bãi tập kết hàng hóa 1.915m2 mặt sân bê tông, trạm biến áp 320KV/35/0,4KV, bể nước 1.238m2, 1 trạm bơm cấp nước sinh hoạt diện tích 20m2, 1 trạm xử lý nước thải với bể xử lý rộng 560m2.

>>> Clip: Toàn cảnh dự án hàng triệu đô bị "đắp chiếu" giữa vườn quốc gia Bái Tử Long:

img

Những tòa nhà được xây dựng khá khang trang của dự án

Trong dự án có nhà quản lý, phòng kiểm định chất lượng giống, cụm nhà công vụ và nhà ăn rộng tới 411m2, nhà bảo vệ cùng nhiều hạng mục công trình có giá trị khác. Tổng nguồn vốn xây dựng công trình này lên tới gần 140 tỷ đồng và được hoàn thiện vào năm 2020.

img

Những chiếc van xả nước đã hoen gỉ

Điều lạ lùng là, dù với số vốn đầu tư lớn như vậy, nhưng từ khi được hoàn thành đến nay, vùng dự án lại chưa có hoạt động gì mà chỉ có một người bảo vệ và mấy chú chó ngày ngày trông nom khối tài sản gần 140 tỷ đồng này.

Qua quan sát của PV Báo Giao thông, hệ thống nhà làm việc, phòng bảo vệ… tuy được đầu tư hoàn thiện nhưng vẫn cửa đóng, then cài. Ở khu vực bể nước, khu xử lý nước thải… hầu như chưa có người vận hành, xử dụng khiến cho cỏ mọc um tùm, nhiều van xả nước đã bị hoen gỉ…

img

Cỏ mọc um tùm quanh các công trình

Một ngư dân cặp đánh bắt thủy sản ở gần đảo Lỗ Ố cho biết: "Huyện Vân Đồn có hàng ngàn hộ nuôi nhuyễn thể trên diện tích hàng chục ngàn ha mặt nước, nhưng đều phải mua giống từ khu vực phía Nam và của Trung Quốc, vừa đắt lại không rõ nguồn gốc.

"Thấy có dự án sản xuất giống nhuyễn thể tại địa bàn, bà con mừng lắm. Nhưng dự án được đầu tư với quy mô “hoành tráng” nằm ở vùng lõi của vườn quốc gia Bái Tử Long mà chỉ để cỏ mọc um tùm, thật lãng phí quá", ngư dân này chia sẻ.

Có hay không việc “xẻ thịt” vườn quốc gia Bái Tử Long theo kiểu “tiềm trảm, hậu tấu”?

Vườn quốc gia Bái Tử Long được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 1/6/2001 trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn, huyện Vân Đồn với tổng diện tích 15.783 ha, trong đó phần đảo nổi là 6.125 ha.

Theo quyết định ngày 14/8/2006 của Thủ tướng thì toàn bộ diện tích rừng trong ranh giới 15.783 ha của vườn quốc gia Bái Tử Long đã được xác lập là rừng đặc dụng. Đến ngày 30/10/2014, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì vườn này được quy hoạch chuyển tiếp còn 15.283 ha (giảm 500 ha).

Trên cơ sở quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng liên tiếp có quyết định để xác lập vai trò của vườn quốc gia Bái Tử Long.

img

Dự án triển khai ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Bái Tử Long

Thế nhưng, đối với dự án sản xuất giống nhuyễn thể do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh lại giao trên 7,3ha để thực hiện trong khi khu vực này vẫn nằm trong phần diện tích đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Quản lý vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý, bảo vệ. img

Nhiều thiết bị dù dự án chưa đi vào hoạt động đã được lắp đặt gây lãng phí

Cụ thể, dự án sản xuất giống nhuyễn thể trên đảo Lỗ Ố được UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương đầu tư từ năm 2012 và triển khai xây dựng từ năm 2016. Nhưng phải đến năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh mới trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi diện tích này ra khỏi vườn quốc gia Bái Tử Long và được đồng ý tại công văn số 676 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 28/5/2018 với diện tích 7,6ha.

Tuy nhiên, tại báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh ngày 27/1/2022 đã chỉ ra rằng, dù diện tích của dự án đã được Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng, nhưng đến đầu năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa được giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực triển khai dự án.

img

Chiếc bể nước được xây dựng nhưng bỏ không

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 21/4 về các thông tin liên quan, lãnh đạo đơn vị trực tiếp thực hiện dự án này cho biết: Dự án được hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2020. Nhưng tại thời điểm này, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn.

Mặc khác, đây là công trình xây dựng từ nguồn ngân sách, nên dù có doanh nghiệp vào đầu tư thì phải thông qua đấu thầu, nhưng với số vốn lớn như vậy, nên chưa tìm được nhà đầu tư.

Về vấn đề rừng đặc dụng chuyển đổi để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, vị này cho hay: Ngay từ đầu khi có chủ trương đầu tư và tiến hành xây dựng dự án, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất về việc chuyển đổi rừng để thực hiện dự án.

img

Cỏ mọc ùm tùm quanh các khu nhà của dự án

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do tỉnh Quảng Ninh đề xuất chuyển đổi ở nhiều khu vực với diện tích rừng lớn, nên cần phải báo Quốc hội, vì thế chưa thực hiện ngay được. Do đó, tỉnh đã chủ trương tách phần diện tích triển khai dự án này riêng đề trình Thủ tướng, nên mới có việc dự án đã xây dựng một thời gian dài mới được cấp có thẩm quyền đồng ý cho chuyển đổi.

"Tại kết luận của cơ quan Trung ương về vấn đề ở Quảng Ninh mấy năm trước thì dự án triển khai có phần chậm trễ trong việc chuyển đổi rừng, nhưng việc triển khai dự án vẫn đúng mục đích, không gây lãng phí ngân sách, nên không kiến nghị khắc phục.

Khi tiến hành quyết toán, dự án, cơ quan chức năng đã thực hiện các khâu, các bước đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vùng dự án. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư vào khu vực này để phát huy hiệu quả dự án", vị lãnh đạo này cho hay.

Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi, tại sao khi triển khai dự án, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh không chủ động tìm nhà đầu tư, có cơ chế phù hợp để khi dự án hoàn thành là vận hành được ngay? Nếu sau này, không tìm được nhà đầu tư thì dự án vẫn để hoang như hiện nay hay sao? Và tại sao khi chưa tìm được chủ đầu tư, dự án đã lắp đặt đầy đủ thiết bị rồi để lãng phí như vậy?

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vân Đồn có rất nhiều diện tích đảo, mặt nước phù hợp để xây dựng dự án nằm ngoài ranh giới của vườn quốc gia Bái Tử Long tại sao phải chọn đúng khu vực này để xây dựng?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.