Xử lý chiếc xe ZX 10R dùng tiền cướp ngân hàng ở Hải Phòng để mua thế nào?
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe phân khối lớn cho kẻ cướp ngân hàng có biết tiền này là tiền phạm pháp hay không để có căn cứ xử lý.
Liên quan đến vụ việc cướp ngân hàng Vietcombank ở quận Hải An, TP Hải Phòng, đối tượng Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng) đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại Thái Nguyên cùng một khẩu súng colt, 40 viên đạn, một khẩu súng bắn đạn chì dạng rút và 800 triệu đồng và một xe mô tô phân khối lớn.
Bước đầu, Nam khai nhận việc dùng súng vào phòng giao dịch của ngân hàng Vietcombank bắn một phát lên trần nhà rồi quay ra uy hiếp, buộc nhân viên ngân hàng giao số tiền 3 tỷ đồng. Số tiền cướp được, Nam chôn một khoản tại gốc đào ở nhà rồi lên Hà Nội mua 1 xe mô tô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R đời 2021 giá 700 triệu đồng để làm phương tiện chạy trốn.
Nguyễn Văn Nam (mặc áo vằn đứng thứ 2 từ trái qua phải) tại thời điểm bị bắt giữ
Xử lý hình sự nếu bên bán xe biết tiền mua xe là phạm pháp
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người thắc mắc, số tiền 3 tỷ đồng cướp được và chiếc xe máy Kawasaki ZX 10R của đối tượng Nam mua sau khi cướp ngân hàng sẽ được xử lý thế nào? Liệu có tịch thu được không?
Luận bàn về sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết, đối với tài sản do phạm tội mà có (là số tiền khoảng 3 tỷ đồng) thì cơ quan điều tra sẽ truy thu, thu giữ vật chứng vụ án để làm căn cứ giải quyết.
"Trường hợp có người biết đây là tiền do phạm pháp mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định của Bộ luật Hình sự", luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp)
Đối với chiếc xe máy phân khối lớn Kawasaki ZX 10R mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua, cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không, nếu có thì sẽ khởi tố hình sự về tội tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có.
Trường hợp đối tượng không nói, người bán xe cũng không biết tiền mua xe là của đối tượng vừa cướp ngân hàng, thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ thủ tục mua bán chiếc xe này được thực hiện như thế nào. Theo quy định của pháp luật thì chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản, công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.
Chiếc xe đối tượng Nam đã mua sau khi cướp ngân hàng ở Hải Phòng
Bên bán có thể phải trả lại tiền và lấy lại chiếc xe Kawasaki ZX 10R
Luật sư Cường cho hay, trường hợp người bán xe không biết tiền mua xe là của đối tượng vừa cướp ngân hàng, thì có thể xảy ra hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, nếu việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật, thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình.
Trường hợp này, bên bán xe đã hoàn tất thủ tục mua bán hợp pháp, chiếc xe sẽ bị cơ quan chức năng thu giữ, bị phát mãi để thu tiền trả lại cho bên bị hại (là ngân hàng bị cướp).
Trường hợp thứ hai, việc mua bán chưa hoàn thành, chưa ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, thì giao dịch này chưa hợp pháp. Bên bán xe có thể yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng.