Xóm "du mục" đón Tết dập dềnh trên ngọn sóng
Đón Tết trên con thuyền nhỏ, cũ nát lênh đênh trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), các cư dân xóm "du mục" luôn ước ao cuộc sống năm mới ổn định hơn.
Những “căn nhà” lênh đênh trên ngọn sóng
Từ mép biển đối diện với Công viên Lán Bè, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, PV Báo Giao thông chỉ mất chưa đầy 5 phút ngồi trên chiếc đò cũ là ra tới xóm "du mục".
Nơi đây, có những chiếc thuyền nhỏ đang dập dềnh trên ngọn sóng biển. Trỏ tay vào 2 chiếc thuyền buộc vào nhau trong áng con Vịt, chị lái đò tên là Phạm Thị Trầu cho hay, đấy là nhà của anh Nhặt.
Xóm "du mục" cách khu đô thị sầm uất nhất của TP Hạ Long chừng vài phút đi đò
Anh Phạm Văn Nhặt "nổi tiếng" ở xóm "du mục" vì gần 40 tuổi nhưng đẻ tới 8 con, con lớn nhất 19 tuổi còn bé nhất mới 7 tháng tuổi. "Nhà" của anh Nhặt là 2 chiếc thuyền đan bằng tre, chiều ngang khoảng 2m, chiều dài 6m được buộc vào nhau. Một chiếc khoang giữa được đóng bằng những ván gỗ tạo thành chỗ ăn, chỗ ngủ, đặt bàn thờ. Chiếc còn lại thì là khu bếp, chất ngổn ngang củi, giấy vụn, vài chiếc nồi cũ...
Bà Dương Thị Xinh (69 tuổi, mẹ anh Nhặt) cho biết, vợ chồng anh Nhặt đi biển cả tuần nay, giờ Tết rồi cũng chưa thấy về. "Chắc 2 đứa cố đi thêm ngoài đó để kiếm thêm chút tiền lo Tết. Bố mẹ bọn trẻ chưa về, nhà cũng chả sắm được gì đón Tết", bà Xinh lý giải.
"Căn hộ" bé tẹo teo có 11 người trong gia đình anh Phạm Văn Nhặt sinh sống
Anh Phạm Văn Nhặt "nổi tiếng" ở xóm "du mục" vì gần 40 tuổi nhưng đẻ tới 8 con, con lớn nhất 19 tuổi còn bé nhất mới 7 tháng tuổi. "Nhà" của anh Nhặt là 2 chiếc thuyền đan bằng tre, chiều ngang khoảng 2m, chiều dài 6m được buộc vào nhau. Một chiếc khoang giữa được đóng bằng những ván gỗ tạo thành chỗ ăn, chỗ ngủ, đặt bàn thờ. Chiếc còn lại thì là khu bếp, chất ngổn ngang củi, giấy vụn, vài chiếc nồi cũ...
Bà Dương Thị Xinh (69 tuổi, mẹ anh Nhặt) cho biết, vợ chồng anh Nhặt đi biển cả tuần nay, giờ Tết rồi cũng chưa thấy về. "Chắc 2 đứa cố đi thêm ngoài đó để kiếm thêm chút tiền lo Tết. Bố mẹ bọn trẻ chưa về, nhà cũng chả sắm được gì đón Tết", bà Xinh lý giải.
Bà Dương Thị Xinh cùng cháu nội trong "căn nhà" là hai chiếc thuyền nan buộc lại
Bà Xinh sinh ra, lớn lên ở trên thuyền chài thuộc địa phận phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Năm 18 tuổi, bà lấy chồng cũng dân thuyền chài và được cha mẹ hai bên cho chiếc thuyền nan ọp ẹp để mưu sinh.
Vợ chồng bà Xinh có 4 người con, hiện chồng bà đã mất, bà ở với vợ chồng anh Nhặt là con trai út của bà. Hơn chục năm trước, gia đình bà tằn tiện rồi vay mượn mua được chiếc tàu bê tông và vào neo đậu ở khu vực bến cá Cột 5, nơi hình thành xóm làng chài hay còn gọi là xóm "du mục" này.
Hơn chục năm trước, khi có dự án mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn, mở bãi tắm Hòn Gai và nhiều dự án chỉnh trang đô thị khác, chính quyền cấm tàu, thuyền neo đậu ở khu vực bến cá Cột 5, gia đình anh Nhặt bị hủy chiếc tàu xi măng.
3 đứa con của anh Nhặt học bài trên "tầng 2" của chiếc thuyền cũ
Không còn "nhà", anh Nhặt xin một chiếc thuyền nhỏ và gia cố thành nơi ở để cả gia đình sinh sống. Thêm 3 đứa con nữa chào đời, thấy nhà anh Nhặt đông người phải sống trong chiếc thuyền quá hẹp, một người thương tình cho thêm chiếc thuyền để làm nơi nấu nướng.
Để lo cho 11 miệng ăn, vợ chồng anh Nhặt đi biển biền biệt, bà Xinh ở nhà chăm lo cho đám trẻ với nơm nớp nỗi lo mất an toàn khi giông, gió xuất hiện, con thuyền nan cũ tròng trành chỉ chực ụp xuống.
"Có đận, bão lớp ập về, tôi vội vã chèo thuyền vào khu vực phía trong trú. Vào đến gần vùng trú bão gặp cơn sóng to khiến chiếc thuyền bị chìm. Tôi vừa khóc, vừa lao xuống biển cố đẩy chiếc thuyền bục nước với mấy đứa trẻ đang ngồi khóc vì sợ vào hướng bờ. May thay, có người nhìn thấy ra cứu hộ...", bà Xinh nhớ lại.
Khát vọng lên bờ có xa xôi?
Cách nơi ở của gia đình anh Nhặt vài trăm mét là chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh, chị Nguyễn Thị Thủy. Anh Thanh, chị Thủy cũng sinh ra, lớn lên trên thuyền ở mặt vịnh Hạ Long này.
Gia đình anh Thanh, chị Thủy cũng sống lênh đênh trên rìa vịnh Hạ Long với khát vọng được lên bờ luôn cháy bỏng
Năm 2014, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long là di dời các hộ dân sinh sống trong làng chài trên vịnh Hạ Long thuộc phường Hùng Thắng và các hộ nuôi cá lồng bè trong vùng lõi lên định cư tại phường Hà Phong. Các hộ dân làng chài đều mừng, khẩn trương làm đơn, chụp ảnh, hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng chờ xét duyệt.
Do không biết lại không nắm được quy định, nhiều người đã phải bỏ tiền lên bờ thuê người làm đơn mất cả triệu đồng, thậm chí có người mất gần chục triệu đồng để thuê đánh máy, rửa ảnh… Nhưng vì những lý do khác nhau, nhiều hộ không nằm trong danh sách được cấp nhà, được lên bờ.
"Trong một trận bão lớn, thuyền của gia đình tôi bị sóng đánh tan, toàn bộ giấy tờ liên quan bị cuốn mất, nên không được xét duyệt cấp nhà, lên bờ. Hiện có tới hơn 30 hộ thuộc diện không được hỗ trợ vẫn đang sống trên thuyền tại các áng, vụng ở rìa vịnh Hạ Long này", anh Thanh cho hay.
Đón Tết, với anh Thanh, chỉ là những ngày được tạm nghỉ mưu sinh trên biển. Cả nhà sẽ quây quần quanh mâm cơm có đủ các thành viên. Chị Thuỷ ghé lên bờ, mua được 1 cặp bánh chưng và cân thịt, coi như đã là sắm Tết.
"Gia sản" lớn nhất mà chị Phạm Thị Trầu có được để mưu sinh là con đò nhỏ vay mượn sắm được với số tiền lãi phải trả hàng tháng vài triệu đồng.
Mưu sinh trên những chiếc thuyền nhỏ đã khổ, nhưng lo nhất là sự học của con trẻ. Như gia đình anh Nhặt có 8 đứa con, đứa lớn mới học lớp 3 thì phải bỏ học ở nhà bế em. 3 đưa con anh Nhặt, đứa 12, đứa 10, đưa lên 8 năm nay mới đều vào lớp 1 do có sự vận động, giúp đỡ của mấy nhà hảo tâm trên bờ.
Chị Phạm Thị Trầu cũng là cư dân xóm "du mục" và đang sống một mình trên chiếc thuyền nhỏ chia sẻ: Dù có hộ khẩu tại khu tái định cư Hà Phong, nhưng mấy chục hộ ở xóm "du mục" này đều không được hỗ trợ lên bờ khiến cuộc sống luôn bếp bênh, hiểm nguy rình rập vì bão, vì gió…
"Cái lo nhất của chúng tôi hiện nay là khi không may có người chết đi thì không biết chôn ở đâu. Trước đây, khi có người chết thì ngư dân tìm đến những hốc đá trên đảo rồi lấy đất, cát lấp lên, đặt hòn đá đánh dấu để khi giỗ, Tết thì tìm đến thắp hương. Nhưng từ ngày việc này bị cấm, giờ mỗi khi có người chết là bà con lại phải vay mượn, quyên góp đưa người chết lên bờ để chôn rồi lại bươn bải lo kiếm tiền trả nợ", chị Trầu cho hay.
"Tết đến, Xuân về" những đứa con anh Phạm Văn Nhặt luôn ước ao một bộ quần áo mới.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về thực trạng nhiều hộ dân "không tấc đất cắm dùi" đang phải mưu sinh khốn khó tại vùng biển, một lãnh đạo phường Bạch Đằng, TP Hạ Long cho hay, dự án di dân lên bờ đã lâu, cán bộ phường ở thời kỳ ấy đã về hưu hoặc chuyển công tác, nên không nắm được...
"Tới đây, phường sẽ tham mưu cho cấp trên và tiến hành rà soát toàn bộ số hộ đang sinh sống trên địa bàn để có hướng hỗ trợ phù hợp", vị lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng nói.