Thị trường

Trung Quốc đang chiếm lĩnh thương mại điện tử Việt

12/06/2019, 07:00

Tên tuổi hàng đầu thương mại điện tử Việt Nam đang thuộc sở hữu của 2 doanh nghiệp Trung Quốc là Alibaba và Tencent.

“Gã khổng lồ công nghệ” Tencent Holding (Trung Quốc) hiện sở hữu 40% cổ phần
của trang bán hàng trực tuyến Shopee. Ảnh: K.Linh

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng như vũ bão nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và dân số gần 100 triệu người.

Vừa nhanh vừa rẻ, mua trực tuyến ngày một hấp dẫn

Anh Nguyễn Q. N. (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bật máy tính tìm mua chiếc điện thoại mới thay cho chiếc đang dùng nhưng vừa bị rơi vỡ. Trên trang bán hàng trực tuyến Shopee, anh N. chọn được điện thoại Samsung Galaxy M20 3GB/32GB, màn hình 6.3 inch, giá niêm yết chính hãng 4.990.000 đồng. Chiếc điện thoại này đang được Shopee giảm giá 18% nên còn 4.090.000 đồng kèm miễn phí vận chuyển. Nếu đăng ký và sử dụng dịch vụ ví điện tử Airpay để thanh toán, anh N. sẽ được giảm giá thêm 20% trên đơn hàng. Như vậy, giá chiếc điện thoại Samsung trên chỉ còn 3.272.000 đồng.

Cùng chiếc điện thoại Samsung Galaxy M20 3GB/32GB đó, trên trang bán hàng trực tuyến của Lazada chỉ còn 3.990.000 đồng vì được giảm giá 20%. Còn trên trang bán hàng trực tuyến Tiki, ngoài mức giảm giá 20%, khách hàng còn được phát mã giảm giá, sau khi nhập mã phải chỉ phải trả 3.840.000 đồng.

Trong trường hợp anh N. không đủ tiền thanh toán ngay, anh có thể đăng ký trả góp trong vòng 1 năm với mức trả 332.500 đồng/tháng, lãi suất 0%. Cũng chiếc điện thoại trên, Adayroi đang bán giá 4.690.000 đồng. Tuy mức giảm giá so với các trang bán hàng phía trên ít hơn nhưng khách hàng sẽ được cộng 141.000 đồng (tương đương 3%) vào thẻ VinID. Một cách gián tiếp, chiếc điện thoại trên tại trang bán hàng này còn 4.549.000 đồng.

Trong khi đó, cũng chiếc điện thoại này nhưng tại siêu thị điện máy Thế giới di động đang niêm yết nguyên giá 4.990.000 đồng. Nhân viên Thế giới di động tại cửa hàng trên đường Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hãng đang có chương trình khuyến mại giảm giá 300 nghìn đồng và sẽ giảm trực tiếp vào hóa đơn nên khách hàng còn phải thanh toán 4.690.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với giá bán tại các trang bán hàng trực tuyến kể trên.

Sau khi tham khảo giá một số kênh phân phối, anh N. quyết định đăng ký sử dụng ví điện tử Airpay để mua chiếc điện thoại trên giá 3.272.000 đồng tại Shopee. Như vậy, khi mua trực tuyến, chiếc điện thoại đã được giảm giá cao nhất đến 1.718.000 đồng (34,4%), chưa tính cước phí vận chuyển.

Không chỉ chiếc điện thoại anh N. lựa chọn mà các dòng điện thoại khác, mở rộng hơn ra các sản phẩm thuộc tất cả các lĩnh vực được bán trên các trang bán hàng trực tuyến đều đang chạy đua giảm giá với mức chênh lệch rất sít sao kèm thêm những quyền lợi khác như: Miễn phí giao hàng, trả góp 0% hay liên kết các đơn vị trung gian thanh toán… khiến tỷ lệ giảm trên giá tại một số mặt hàng tới hơn 50% để thu hút khách hàng.

Thương mại điện tử Việt đang trong tay ai?

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khoảng 50% dân số thành thị đang mua sắm trên các trang bán hàng trực tuyến. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng vọt lên 9 tỷ USD và sẽ sớm vượt mục tiêu 10 tỷ USD đặt ra cho năm 2020. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang có hàng nghìn đối tác, nhà bán hàng. Riêng Lazada đã có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác. Hàng tháng, trang bán hàng của Lazada thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, tới tháng 10/2018 có 27 triệu người theo dõi trên trang Facebook của công ty...

Thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển trong khoảng chục năm nay, nhưng sôi động nhất là từ năm 2016 đến nay. Trong Diễn đàn thương mại điện tử mới đây, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Năm 2018 được ghi nhận là năm phát triển sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 30% (gấp hơn 4 lần so với mức tăng trưởng GDP). Từ con số 4 tỷ USD năm 2013, đến năm 2018, quy mô thị trường bán lẻ đạt 7,8 tỷ USD.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek còn tính toán, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 lên tới 9 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và năm 2020 tiếp tục giữ ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam sẽ lên tới khoảng 13 tỷ USD. Báo cáo của Google và Temasek dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ ba ở Đông Nam Á chỉ sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

“Miếng bánh” thương mại điện tử lớn tại thị trường gần 100 triệu dân đang trở nên hết sức hấp dẫn với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sau giai đoạn đầu với nhiều cái tên trong đó nổi bật là Lazada (do tập đoàn Rocket Internet của Thụy Điển sáng lập), Lingo, Tiki (giai đoạn đầu chỉ bán sách)… hiện nay nói đến các sàn thương mại điện tử, 5 tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi. Đặc biệt là bộ ba (theo thứ tự) Shopee, Lazada và Tiki đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua tranh giành người dùng và xác lập vị trí dẫn đầu.

Nhưng điều đáng lưu ý, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ba “đại gia” này đang rất lớn, trong đó Lazada đã được Alibaba Group (Trung Quốc) thâu tóm sau khi rót 1 tỷ USD mua cổ phiếu phát hành mới cùng với cổ phiếu đang lưu hành từ Rocket Internet và các cổ đông khác để giành quyền chi phối hồi tháng 4/2016. Tencent Holding (Trung Quốc) cũng thông qua công ty con tại Singapore là Sea rót 500 triệu USD mua 40% cổ phần của Shopee năm 2017. Tiki sau giai đoạn các nhà đầu tư Việt Nam chỉ hoạt động trong lĩnh vực sách, truyện, nhờ được sự chống lưng (với thương vụ 44 triệu USD) của JD.com (Trung Quốc, do Tencent nắm 15% cổ phần theo số liệu 2018), Công ty cổ phần VNG (mà Tencent là cổ đông nước ngoài lớn) cùng một số cổ đông khác cũng đã mở rộng phân phối sang hàng loạt sản phẩm điện tử, tiêu dùng… Như vậy có thể nói, cả ba đại gia thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đang do Alibaba và Tencent (đều của Trung Quốc) chi phối.