Xã hội

Thủ tướng: Thuận thiên không có nghĩa phó mặc cho trời đất!

16/07/2019, 18:54

“Thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà phải giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc

Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận cuộc làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TP HCM.

Theo báo cáo của các địa phương, ĐBSCL là khu vực có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 chỉ số PCI của cả nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nghiêm trọng nhất là thách thức do biến đổi khí hậu: Nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, lở đất, lũ thất thường…

Do thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương cũng như tính “cục bộ” trong phát triển, đã dẫn đến tình trạng quy hoạch tổng thể vùng không được bảo đảm; đầu tư dàn trải; sự chồng chéo, cạnh tranh nhau trong cơ cấu phát triển ngành nghề của mỗi địa phương, làm cho nguồn lực bị phân tán, tiềm năng của cả vùng không được phát huy.

Cho rằng hạn chế về hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất, ý kiến của nhiều địa phương cho thấy, trước hết, ĐBSCL cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng này. Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề nhằm kết nối các cảng của vùng ĐBSCL. Đây được xem là cánh cửa ra thế giới cho khu vực ĐBSCL, là cảng đầu mối lớn nhất cho nhiều tỉnh, thành phố của vùng, trong đó có vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước.

Tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ sớm có chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang)-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối từ cảng Trần Đề. Về vấn đề này, tỉnh Tiền Giang khẳng định, sẽ tập trung cao nhất thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ, chất lượng của đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tuyến đường quan trọng đối với sự phát triển của vùng.

Các ý kiến đều cho rằng, cần có sự kết nối vùng với TPHCM. Về vấn đề này, lãnh đạo TP HCM cho biết, Thành phố sẽ quan tâm, chủ động đề xuất đầu tư hệ thống giao thông mang tính liên kết vùng như vành đai 3, 4, đường sắt cao tốc TPHCM-Cần Thơ, đồng thời kiến nghị Trung ương ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn ODA cho lĩnh vực này.

Có ý kiến đề nghị cần có “nhạc trưởng” trong liên kết vùng, kiến nghị một đồng chí trong Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng vùng.

Thuận thiên, biến nguy thành cơ

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến phát biểu, đề nghị Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện các văn kiện.

Trao đổi một số vấn đề về vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL là vùng đồng bằng màu mỡ trên thế giới, có các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng hết sức thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng lưu ý một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và Chiến lược chung của cả nước năm 2045. “Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá một số lĩnh vực, là vùng phát triển không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt”.

Với tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành, với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì triển khai phối hợp các địa phương, bộ ngành, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến giữa năm 2020 trình thông qua. “Và quy hoạch khu vực này gắn với TP HCM và Cần Thơ. Quy hoạch ấy phải nói giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng được đặt ra như ý kiến của anh Trương Hòa Bình và ý kiến các đồng chí đã nêu. Đây là quy hoạch quan trọng, chiến lược quan trọng phải làm trong nhiệm kỳ này, cụ thể là trong cuối năm 2020 phải xong”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc thứ hai là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó ngân sách Trung ương cần bổ sung thêm khoảng trên 45.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách Nhà nước và ODA và dành riêng cho các chương trình, dự án hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, cho người dân, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Đồng thời với việc đó, phải làm tốt xã hội hóa nguồn lực, như một số địa phương khác trong cả nước đã làm và điều kiện có thể có được.

Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một giải pháp rất quan trọng là đẩy mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây thực sự là vấn đề cấp bách.

Xây dựng các đô thị thành chuỗi, tạo động lực cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu dân cư. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khó, chuyển dịch cơ cấu lao động đối với ĐBSCL càng khó hơn.

Phải đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trên tinh thần thuận thiên. “Thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà phải giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ người dân, tạo nguồn nước ngọt mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một động lực mới cần đặt ra đối với các tỉnh ĐBSCL, theo Thủ tướng, là đổi mới sáng tạo, khát vọng dân tộc, khát vọng của vùng trong phát triển, để “ý chí người đồng bằng chúng ta vươn lên, không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước, trong khi vùng của chúng ta là vùng đồng bằng màu mỡ, rất nhiều thuận lợi trong phát triển”. TPHCM là đối tác phát triển của ĐBSCL, nên cần có sự kết nối toàn diện giữa TPHCM và ĐBSCL.