Xã hội

“Thảm đỏ” Thủ đô hút được mấy nhân tài?

23/08/2016, 08:31

Tỷ lệ thủ khoa về công tác tại các ban, ngành của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 10%...

14017954_10205149850304983_1748290662_n

Dù nhiều ưu đãi, song cơ chế “thảm đỏ” của Hà Nội vẫn chưa đủ sức hút với thủ khoa

Thống kê chưa chính thức, sau 14 năm mở cửa “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, tỷ lệ thủ khoa về công tác tại các ban, ngành của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 10%...

Chỉ tiêu ít…

Tại cuộc gặp mặt các Thủ khoa năm 2016, bạn Nguyễn Ngọc Linh, ngành Ngôn ngữ Nga, ĐH Hà Nội chia sẻ: “Em đã nghiên cứu khá kỹ những ưu đãi Hà Nội dành cho thủ khoa và mong muốn năm nay có cơ hội được cống hiến cho Thủ đô. Tuy nhiên, em đang chờ xem có chỉ tiêu dành cho chuyên ngành khá đặc thù là tiếng Nga của em không? Vì hiện tại em cũng chưa có “đầu ra” sau tốt nghiệp”. Linh có nguyện vọng làm việc trong khu vực Nhà nước bởi mong sự ổn định và kỳ vọng việc được tạo điều kiện để học tiếp bậc học cao hơn.

Còn em Đỗ Ngọc Sơn, thủ khoa Khoa Xây dựng công trình, ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Với chuyên ngành học của em không khó để tìm việc, tuy nhiên, em vẫn hy vọng có được cơ hội được về công tác tại Viện Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội”.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, từ năm 2003 đến nay, có khoảng gần 170 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội được đặc cách tuyển dụng vào các cơ quan, ban, ngành của thành phố. Con số này rất nhỏ so với hơn 100 thủ khoa ra trường mỗi năm. Năm 2014, Hà Nội có con số tuyển dụng lớn nhất với 23 chỉ tiêu và ít nhất là năm 2010 chỉ 4 chỉ tiêu…

Các đơn vị có số thủ khoa được tuyển dụng cao nhất là ngành GD&ĐT với 29 người, tiếp đến là Sở VH, TT&DL là 15 người, Thành đoàn Hà Nội 11 người, Sở Công thương 10 người, Sở TN&MT 9 người…

Trong 6 tháng đầu năm 2016, 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế. Qua đó cho thấy, cơ hội việc làm tại cơ quan Nhà nước cho sinh viên tốt nghiệp kể cả thủ khoa cũng rất khó khăn. Trong khi đó, bản tin thị trường lao động quý II/2016 cho hay, cả nước có 1.088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Số thất nghiệp nhiều nhất là nhóm có trình độ đại học trở lên với 191 nghìn người.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội có chủ trương "trải thảm đỏ" với nhiều ưu đãi để thu hút nhân tài như: Đặc cách tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu; sau 2 năm công tác, những người này sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, hỗ trợ 30 lần lương tối thiểu làm luận văn thạc sĩ và hỗ trợ bằng 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ và được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu...

Tuy nhiên, với chỉ tiêu đầu nhận hạn chế nên không phải thủ khoa nào cũng có cơ hội tìm được đầu ra cho mình ở các cơ quan Nhà nước tại Hà Nội. Theo chia sẻ của cán bộ làm công tác đào tạo tại Sở Nội vụ Hà Nội, việc tuyển dụng của Hà Nội phụ thuộc nhu cầu từ cả hai phía, đơn vị tuyển dụng và thủ khoa. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều thủ khoa ra trường có nhu cầu nhưng không thể có cơ hội việc làm đúng chuyên môn tại cơ quan Nhà nước của Hà Nội.

Chưa mặn mà với “thảm đỏ”

Lý giải về tỷ lệ tuyển dụng thủ khoa vào các cơ quan Nhà nước không cao, chị Nguyễn Kim Huệ, Trưởng ban Tổ chức Thành đoàn Hà Nội cho biết, sau tốt nghiệp, nhiều thủ khoa đã tìm kiếm được học bổng du học, chưa kể việc nhiều bạn được giữ lại công tác tại khoa ngành ở trường ĐH mà mình theo học.

Trên thực tế, không ít thủ khoa không mặn mà “thảm đỏ” của các cơ quan Nhà nước. Theo chia sẻ của thủ khoa khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương năm 2012: “Lý do khiến em từ chối chỉ tiêu về Sở Tư pháp Hà Nội công tác là đã nhận được xuất học bổng du học. Với tấm bằng sau du học, trở về Việt Nam em có cơ hội làm việc trong môi trường cạnh tranh, nhiều cơ hội phát triển”.

Còn với tân thủ khoa ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Đinh Xuân Chung, ưu tiên hàng đầu hiện nay là trau dồi ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ du học sắp tới ở Hàn Quốc hai năm. “Sau khi hoàn thành cao học, em dự kiến sẽ kiếm thêm học bổng để tiếp tục nâng cao bằng Tiến sĩ trước khi quyết định công việc của mình. Có thể sau khoảng 4-6 năm du học, em sẽ trở về giảng dạy ở trường ĐH mà mình đang theo học”, Chung chia sẻ.

Tân thủ khoa ĐH Mở Hà Nội, chuyên ngành Tiếng Anh, Viện ĐH Mở Hà Nội, Trần Văn Thuật cũng cho biết, em không kỳ vọng nhiều vào chỉ tiêu của Hà Nội bởi với tấm bằng tốt loại giỏi, Thuật đã được khoa giữ lại công tác.