Quyết liệt hơn để giải ngân nốt 20.000 tỷ vốn giao thông
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, việc giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại trong những tháng cuối năm là rất áp lực.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 của Bộ GTVT chiều 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, việc giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại trong những tháng cuối năm là rất áp lực.
Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư, nhà thầu phải quyết liệt trong tổ chức thi công, lấy cơ sở giải ngân vốn…
Giải ngân cao, áp lực vẫn lớn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 của Bộ GTVT. Ảnh: Tạ Hải
Báo cáo kết quả giải ngân của Bộ GTVT trong 10 tháng năm 2022, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ KH&ĐT cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số vốn ODA đã giải ngân được 2.991 tỷ đồng (đạt 61,3%), vốn trong nước giải ngân được 27.143 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch.
Riêng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Vụ KH&ĐT phải tham mưu tiếp thu giải trình và xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quốc gia, sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).
Theo ông Thìn, từ nay tới cuối năm, số vốn Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).
Trong đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân hơn 6.500 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng gần 3.910 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; Các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân gần 1.514 tỷ đồng. Nhóm các dự án giao thông còn lại cần giải ngân khoảng 5.470 tỷ đồng.
Phân nhóm các dự án giao thông có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, có 8 dự án chậm giải ngân do công tác GPMB và lựa chọn nhà thầu gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Gia cố các hầm yếu và cải tạo tuyến đường sắt Vinh - Nha Trang; Dự án nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn; Dự án Cầu Rạch Miễu 2, Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án Kênh Chợ Gạo và dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.
9 dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; Tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau và nâng cấp QL1A qua tỉnh Sóc Trăng; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án nâng cấp QL279B; dự án nâng cấp, cải tạo QL37; dự án nâng cấp, cải tạo QL21B (Chợ Dầu - Ba Đa); dự án nâng cấp QL15 qua Thanh Hóa.
11 dự án giải ngân chậm do hoàn chỉnh hồ sơ nội nghiệp gồm: Dự án nâng cấp QL53 qua Trà Vinh; dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm; dự án đường cất/ hạ cánh sân bay Nội Bài; dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MêKông, đường cất/ hạ cánh Tân Sơn Nhất; dự án nâng cấp các cầu yếu và trụ chống va xô và Cát Linh - Hà Đông; Sở Hà Nam: Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án nâng cấp QL24 qua Kon Tum, QL57 qua Bến Tre.
Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt khoảng 30.445,1/ 57.435,8 tỷ đồng, tương đương 53% giá trị hợp đồng (so với tháng trước đạt thêm 3,8%), vẫn chậm khoảng 3,1%.
Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 70,4% so giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 2,9%), tuy nhiên vẫn chậm khoảng 4,5%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 54,4% giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 5,1%), đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 21,3% giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 4,0%), vẫn chậm khoảng 4,8%.
Tăng sản lượng giải ngân, không lơ là tiến độ
Tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh Tạ Hải
Liên quan đến tình hình giải ngân, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thẳng thắn nhìn nhận: “Kết quả của Bộ GTVT dù cao hơn so với mặt bằng chung cả nước nhưng số vốn còn lại là tương đối lớn”.
Bên cạnh sự căng thẳng về tiến độ của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Thứ trưởng Thọ cũng hướng sự lo lắng đến dự án giai đoạn 2 khi thời gian phải khởi công theo kế hoạch (trước 31/12/2022) không còn nhiều, nhưng hiện kế hoạch đấu thầu, phần chia gói thầu vẫn chưa được phê duyệt để tạo cơ sở cho công tác chỉ định thầu.
“Kế hoạch đấu thầu phải nêu rõ dự kiến phân chia ra bao nhiêu gói thầu mới có thể tập trung duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán”, Thứ trưởng Thọ nói và kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để công tác chuẩn bị đầu tư dự án bắt kịp với tiến độ yêu cầu, đảm bảo cuối năm 2022, ở 12 địa phương dự án đi qua sẽ có ít nhất 1 gói thầu được khởi công.
Nhất trí cao với ý kiến của Thứ trưởng Thọ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, công tác giải ngân thời gian qua dù tương đối tốt, song con số hơn 20.000 tỷ đồng còn lại phải giải ngân không phải đơn giản khi thời gian chỉ còn hơn hai tháng.
“Phải quyết liệt hơn nữa”, Bộ trường Thắng nói và yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân phải có khối lượng, không chỉ là tạm ứng; Phải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.
Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có kế hoạch về đích năm 2022.
Trong đó, dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn phải thông xe, đưa vào khai thác. Ba dự án thành phần còn lại phải thông xe kỹ thuật (thảm nhựa và lắp đặt dải phân cách).
“Dù là thông xe kỹ thuật cũng phải nghiêm túc thực hiện cẩn trọng, không lơ là công đoạn nào”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với các dự án trọng điểm khác, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, kịp thời báo cáo vướng mắc, làm rõ xin chủ trương thực hiện, đảm bảo khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12/2022 theo đúng yêu cầu.
“Với dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phải hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 30/11/2022; Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột phải trình trước ngày 20/1/2023.
Thủ tục và điều kiện cần thiết để khởi công nhà ga hành khách, đường cất/ hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2022 cũng phải được sớm hoàn thành”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Chủ động phương án, sẵn sàng khắc phục hậu quả thiên tai
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT đã tích cực chủ động khắc phục các công trình bị bão lũ phá hủy được Chính phủ, các địa phương đánh giá cao.
Tiếp tục phát huy hiệu quả trong ứng phó thiên tai, phòng chống lũ lụt, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ người dân, Bộ trưởng yêu cầu, thời gian tới, Cục Đường bộ VN phải chủ động phương án vật tư dự phòng để triển khai nhanh nhất công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, địa phương điều tiết, bảo đảm trật tự ATGT; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thường xuyên theo dõi, đôn đốc kịp thời, báo cáo lãnh đạo Bộ tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2023 và đảm bảo chất lượng bảo trì, hiệu quả vốn bảo trì. Theo dõi sát sao, tham mưu các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, bảo đảm tốt kế hoạch, phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ và vào các dịp lễ, Tết cao điểm.