Phát hiện mất gần 3.000 ha rừng ở Gia Lai
Từ năm 2014 đến năm 2020, diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai đã bị mất gần 3.000ha.
Ngày 17/7, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, UBND tỉnh Gia Lai vừa đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai kiểm điểm trách nhiệm trong việc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai (Ban QLR Chư A Thai) vì để mất rừng và vi phạm trong sử dụng ngân sách.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai thanh tra toàn diện công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp và quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai (Ban QLR Chư A Thai) phát hiện sai phạm trong quản lý sử dụng ngân sách và để mất rừng.
Theo hồ sơ kiểm kê, năm 2014, Ban Quản lý phòng hộ rừng Chư A Thai được giao trên 18.000 ngàn ha. Trong đó, rừng tự nhiên là 13.873 ha. Rừng trồng 15 ha và đất không có rừng trên 4.258ha.
Tháng 12/2019, Ban Quản lý rừng đã tự tiến hành rà soát với số liệu 2017 phát hiện diện tích rừng quản lý bị giảm 2.241ha. Trong đó, 685 ha rừng phòng hộ và 1.558ha rừng sản xuất.
Ngoài kết quả tự kiểm tra trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiểm tra và phát hiện thêm trên 684ha bị mất rừng. Đáng lưu ý, quá trình kiểm tra này phát hiện cây người dân trồng có tuổi đời từ 8-10 năm tuổi và phát hiện diện tích trồng sắn, bắp chuối...
Như vậy, so với năm 2017 và kết quả kiểm tra, diện tích rừng trên bị giảm trên 2.926ha.
Quá trình thanh tra còn phát hiện bất thường trong sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại Ban QLR này.
Cụ thể, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai vẫn thanh toán cho Ban Quản lý rừng với số tiền hơn 700 triệu đồng trên diện tích 1.500 ha ... không có rừng. Lẽ ra, Ban Quản lý không được thanh toán số tiền trên, nhưng thực tế, Ban Quản lý rừng Chư A Thai đã dùng tiền để đầu tư công trình phục vụ lâm sinh, bổ sung đủ 200.000 ha/năm cho các nhóm hộ bảo vệ rừng. Và việc làm này được sự cho phép của cơ quan quản lý cấp trên.
Đáng nói, trong năm 2017-2018, Ban Quản lý rừng được giao ngân sách số tiền trên 300 triệu đồng để cùng người dân trồng trên 85ha rừng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế thì diện tích cây trồng còn sống được chỉ khoảng 26,26 ha (đạt 30,7%, cây chết khoảng 69,3%). Nguyên nhân cây chết là do thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương quá khắc nghiệt, trong khi đó giống cây trồng lại không phù hợp nên khó có thể tồn tại.
Thanh tra tỉnh kết luận, trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp thuộc về ông Phan Văn Vinh - nguyên trưởng Ban Quản lý rừng, nay là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện; ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng ban phụ trách BQL và bà Mai Thị Lợi - Kế toán.