Quản lý

Nhà đầu tư Pháp muốn mua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

11/05/2017, 09:49

VEC vừa đề xuất Bộ GTVT chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong vòng 30 năm...

1

VEC đề xuất chuyển nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong vòng 30 năm với giá trị thu về khoảng 9.171 tỷ đồng - Ảnh: Khánh Linh

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất Bộ GTVT chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong vòng 30 năm, giá trị thu về theo tính toán sơ bộ khoảng 9.171 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Tập đoàn VINCI Concessions (Pháp) là đơn vị đầu tiên quan tâm tìm hiểu việc chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Bán cao tốc lấy tiền làm cao tốc

Chiều qua (10/5), trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết: “Mục tiêu của VEC khi nhượng quyền khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ để tạo nguồn vốn tiếp tục đầu tư các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó, hai dự án chúng tôi đang nghiên cứu đầu tư là Ninh Bình - QL45 và QL45 - Nghi Sơn”.

Cụ thể, theo ông Mai Tuấn Anh, VEC đề xuất sử dụng phí nhượng quyền còn lại sau khi đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp cùng nhà đầu tư vận hành khai thác dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình để góp vào phần vốn chủ sở hữu đầu tư hai dự án cao tốc Ninh Bình - QL45 và QL45 - Nghi Sơn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn huy động từ các tổ chức tài chính.

Theo thông tin của Báo Giao thông, tháng 9/2016, VEC và VINCI Concessions đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành các dự án đường cao tốc. Cụ thể, VEC và Vinci Concessions thỏa thuận xem xét chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; nghiên cứu việc hợp tác đầu tư một số dự án đường cao tốc mới theo danh mục các dự án đường cao tốc ưu tiên đầu tư đến năm 2020…

“Chúng tôi đề xuất Bộ GTVT nguồn vốn chủ sở hữu do VEC và nhà đầu tư cam kết góp vào doanh nghiệp dự án chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư, còn lại nguồn vốn doanh nghiệp dự án huy động từ ngân hàng chiếm 50%. Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư lần lượt là 7% và 14%”, ông Mai Tuấn Anh nói và cho biết, do VEC là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động với nhiệm vụ chính là đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia nên lợi nhuận của VEC đề xuất áp dụng bằng lãi suất Trái phiếu Chính phủ.

Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, sau khi nghiên cứu hai dự án cao tốc Ninh Bình - QL45 và QL45 - Nghi Sơn, VEC đề xuất phần vốn góp vào doanh nghiệp dự án là 71% và lãi suất huy động từ ngân hàng là 8,5%. “Tổng nguồn vốn VEC cần đầu tư cho hai dự án, bao gồm cả phần bù đắp thiếu hụt trong giai đoạn đầu khai thác là 6.110 tỷ đồng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo tính toán, đối với dự án cao tốc Ninh Bình - QL45 (TMĐT: 14.368 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước: 4.193,6 tỷ đồng), VEC sẽ góp vốn chủ sở hữu 3.664 tỷ đồng, nhà đầu tư góp 1.502 tỷ đồng, còn lại doanh nghiệp dự án huy động 5.009 tỷ đồng. Tương tự, với dự án QL45 - Nghi Sơn (TMĐT: 7.561 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước: 1.701 tỷ đồng), VEC góp 2.091 tỷ đồng, nhà đầu tư góp 883 tỷ đồng và doanh nghiệp dự án sẽ huy động 2.885 tỷ đồng.

2

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng được VEC đề xuất nhượng quyền thu phí để đầu tư các tuyến cao tốc mới - Ảnh: VEC

Lộ diện nhà đầu tư

Ông Mai Tuấn Anh cho biết, việc nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là một hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông và sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn. “Vấn đề quan trọng là Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT sẽ thông qua các chủ trương về cơ chế, chính sách cho VEC thế nào, căn cứ vào đó, chúng tôi tiến hành xây dựng các phương án chuyển nhượng cụ thể và công khai cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu quan tâm tham gia tìm hiểu”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, VEC sẽ thuê một đơn vị tư vấn độc lập để xác định giá trị chuyển nhượng dự án một cách hợp lý.

“Sau khi chuyển nhượng dự án, đơn vị nhận chuyển nhượng sẽ thành lập một công ty cổ phần dự án chịu trách nhiệm khai thác, vận hành, thu phí, bảo trì và sửa chữa tuyến đường đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành”, ông Tuấn Anh nói.

Tổng giám đốc VEC cũng tiết lộ, đến thời điểm này, Tập đoàn VINCI Concessions (Pháp) là đối tác đã hỗ trợ VEC trong quá trình nghiên cứu, đồng thời là đơn vị đầu tiên quan tâm tìm hiểu việc chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Được biết, đây là tập đoàn đầu tư đa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là cơ sở hạ tầng, gồm hai mảng kinh doanh chính là xây dựng và nhượng quyền khai thác hệ thống sân bay, đường bộ cao tốc.

Theo ông Fadi Selwan, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn VINCI Concessions, về nhượng quyền sân bay, hiện nay, VINCI Concessions đang đứng thứ 5 thế giới với 36 sân bay và đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực nhượng quyền đường cao tốc, với hơn 8.000km đường cao tốc.