Giao thông 24h

Ngăn tai nạn xe khách khi đổ đèo

05/04/2025, 06:26

Kinh nghiệm và kỹ năng điều khiển phương tiện của tài xế là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo an toàn cho chuyến đi khi di chuyển đường đèo núi quanh co, nguy hiểm.

Liên tiếp tai nạn do mất phanh

Khoảng 17h30 ngày 30/3, ô tô khách giường nằm BKS 50H-323.65 lưu thông trên QL20, khi qua đèo Bảo Lộc (đoạn huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ va chạm vào đuôi xe tải BKS 60H-153.46 đi cùng chiều phía trước, lao xuống vực sâu 20m. Hậu quả 1 người tử vong, 3 người bị thương. Theo tài xế xe khách, trước khi lao xuống vực, xe bị mất phanh.

Ngăn tai nạn xe khách khi đổ đèo- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng cứu hộ hành khách và ô tô giường nằm rơi xuống đèo Bảo Lộc ngày 30/3.

Chỉ 1 ngày sau, khoảng 8h ngày 31/3, xe khách BKS 43F-003.97 chở 25 người lưu thông trên QL27C đoạn qua đèo Khánh Lê (Khánh Hoà) bất ngờ tự lật nghiêng bên lề đường, khiến 6 người bị thương.

Theo các chuyên gia, đa số các vụ tai nạn xe khách khi đổ đèo bị lật thời gian qua mà tài xế khai mất phanh thực ra do lỗi chủ quan của tài xế sử dụng phanh sai quy trình.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, khi xuống dốc, vẫn còn tình trạng tài xế chủ quan cho xe chạy tự do, đưa xe về số "mo" chỉ vì muốn tiết kiệm nhiên liệu; hoặc xuống dốc với số cao để di chuyển nhanh hơn, dẫn đến phải rà phanh liên tục và khó khăn khi xử lý các tình huống phát sinh trên đường.

Lỗi do tài xế chủ quan

Ở góc độ kỹ thuật, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Hà Nội cho biết, hầu hết trường hợp tài xế khai xe mất phanh khi xuống đèo, sau tai nạn đưa xe đến trung tâm đăng kiểm kiểm tra thì hệ thống phanh đều đạt. Thực tế, nguyên nhân là do tài xế sử dụng phanh sai quy trình, không đúng cách.

Ngăn tai nạn xe khách khi đổ đèo- Ảnh 2.

Tài xế xe khách vụ tai nạn ở đèo Bảo Lộc ngày 30/3 cho biết trước khi rơi xuống vực, xe bị mất phanh.

Theo vị này, khi xe lên dốc, tài xế thường đi số thấp, không rà phanh, để động cơ hoạt động hết công suất. Đến khi xuống dốc, vẫn để số thấp, không ít tài xế "sốt ruột" vì xe di chuyển ì ạch, đã chuyển sang số 3 để xe đi nhanh hơn.

Xe khách có tải trọng lớn, kèm với quán tính khi xuống dốc, xe sẽ lao nhanh hơn, dẫn đến liên tục phải đệm phanh, rà phanh mỗi khi vào cua hoặc gặp các tình huống phát sinh.

"Trong khi xe khách chủ yếu sử dụng loại phanh tang trống ở phía sau, khó tản nhiệt khiến má phanh dễ bị nóng. Khi độ nóng vượt quá giới hạn nhiệt sẽ làm mất lực ma sát, khiến phanh mất tác dụng. Lúc này, tài xế có đạp phanh cũng như không, nên thường khai do xe mất phanh. Thực tế, chỉ dừng xe một lúc, má phanh nguội, chức năng phanh sẽ trở lại bình thường", vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm lý giải.

Đồng quan điểm, ông Tạo cho biết, khi di chuyển trên đường đèo dốc nếu tài xế chủ quan cho rằng dốc ngắn, thấp, vẫn đi số cao và phải sử dụng phanh nhiều, có thể gây ra tình trạng mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp tài xế không quen đường, chưa có kinh nghiệm khi di chuyển đường đèo núi, đặc biệt vào thời điểm đêm tối hay rạng sáng.

Cách nào ngăn chặn?

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: Kỹ năng điều khiển phương tiện, phán đoán tình huống trên các cung đường đèo dốc rất quan trọng.

Do đó, để làm chủ được tốc độ, tay lái, dễ dàng xử lý tình huống trên đường, tài xế cần tuân thủ nguyên tắc "lên số nào, xuống số đó", tức phải giữ nguyên số thấp khi xuống dốc. Đặc biệt phải tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường, tránh vượt ẩu nguy hiểm.

Các doanh nghiệp vận tải cần chú trọng công tác tập huấn định kỳ cho tài xế theo tháng, quý; yêu cầu tài xế thực hiện nghiêm quy định về theo dõi, giám sát trạng thái kỹ thuật phương tiện trước, trong và sau mỗi chuyến đi.

Cùng đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ giám sát hoạt động của lái xe, phương tiện trong suốt chuyến đi, để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo các rủi ro mất an toàn, ngăn ngừa TNGT.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia

Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên rà soát hạ tầng giao thông, kịp thời bổ sung các biển cảnh báo, giới hạn tốc độ tại các khu vực đường đèo núi để hướng dẫn giao thông, hỗ trợ tài xế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, hãng xe Sao Việt chuyên vận chuyển hành khách tuyến cố định từ Hà Nội – Sa Pa, cung đường di chuyển có nhiều đoạn đèo núi quanh co, độ dốc cao. Vì vậy, đơn vị luôn chú trọng công tác tuyển dụng tài xế.

Lái xe trên tuyến ngoài đáp ứng điều kiện về giấy phép lái xe phù hợp, còn phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm điều khiển ô tô giường nằm và lái xe đường đèo núi.

Sau tuyển dụng, đơn vị cũng có phương án sát hạch lái xe tại doanh nghiệp; có quy chế thưởng phạt để nâng cao trách nhiệm của tài xế trong tuân thủ quy định pháp luật về giao thông.

Ông Bằng cũng cho rằng, với lái xe tuyến cố định, tài xế sớm hình thành thói quen, phản xạ tự nhiên khi chạy tuyến, hay gọi cách khác là "quen đường".

Nhưng với đơn vị vận tải hành khách du lịch, khi nhận hợp đồng các chuyến đi khu vực đèo núi, cần ưu tiên bố trí các lái xe có kinh nghiệm, hạn chế việc sắp xếp lái mới, chưa có kinh nghiệm đi đường đèo.