Lâm Đồng: Thủy điện vận hành gây thiệt hại, dân hai xã chỉ được hỗ trợ
Từ tháng 2/2019, Thủy điện Đạ Dâng vận hành phát điện khiến nhà dân 2 xã Mê Linh và Phi Tô (huyện Lâm Hà) bị ngập, cây trồng thiệt hại nặng.
Ngập lụt giữa mùa khô
Ngày 22/4, có mặt tại các thôn Quảng Bằng, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nước ngập mấp mé con đường liên thôn, trong khi cả Tây Nguyên đang trong thời điểm giữa mùa khô.
Anh Phạm Hoàng Nam, người dân có nguy cơ bị mất trắng 3.000m2 cà phê cho biết: “Anh tới đây vào buổi trưa họ ngừng xả nước nên nước rút rồi đó, nếu anh về chiều mấy hôm trước, con đường này bị ngập trắng, nhiều hộ dân phải cho học sinh nghỉ học. Những rẫy cà phê nằm dọc dòng suối Đạ Cho Mo của khoảng 80 hộ dân thôn Phi Sour và cả thôn Quảng Bằng nữa bị ngập liên tục hơn 2 tháng nay, giờ đang rụng hết hoa, rữa lá và thối rễ”.
Khi được hỏi nhà nào ngập nặng nhất, người dân dẫn chúng tôi đến nhà chị Ca Loan. Tại đây, mặc dù nước đã rút nhưng rẫy cà phê của chị Ca Loan vẫn còn ngập những chỗ thấp. Chị Ca Loan bức xúc: “Mới chiều qua thôi, nhà mình nước ngập vào lênh láng nền nhà. Ngày ngập cao nhất hơn nền nhà khoảng 30cm. Con mình cũng phải nghỉ học liên tục, nhưng chẳng có ai về hỏi mình, hỗ trợ cho mình cả”.
Không chỉ ngập nhà, mất cà phê mà hàng chục ha lúa của 2 xã Mê Linh và Phi Tô đã bị mất trắng. Ông K’Ríu, thôn 6 xã Phi Tô cho biết: “Nhà tôi có khoảng 1ha lúa, nhưng năm nay bị ngập suốt từ sau Tết đến giờ, ruộng trắng nước, lúa thối hết rồi. Tôi đã nhiều lần gọi cho ông Hải (số điện thoại 09759780…), lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đạ Dâng. Ngày hôm qua tôi trực tiếp lên gặp ông ấy. Nhưng họ chỉ hứa sẽ giải quyết”.
Theo tính toán của người dân, một năm lúa trồng 2 vụ, năng suất đạt khoảng 10 đến 12 tấn/ha/năm, thủy điện làm ngập úng thì một năm người dân mất khoảng 60 đến 80 triệu đồng/ha. Đối với cà phê mất khoảng 4 tấn/ha cà phê thường, còn mất khoảng 7 tấn/ha đối với cà phê ghép. Như vậy, mất khoảng 120 đến 200 triệu đồng/ha.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà khẳng định nguyên nhân là do: “Lòng hồ thủy điện Đạ Dâng- Đạ Cho Mo hợp thủy (...). Nước sau khi phát điện được tiêu thoát hoàn toàn về suối Đạ Cho Mo (…) dẫn đến nước dâng lên gây ngập úng một số diện tích đất sản xuất nằm thấp ven suối Đạ Cho Mo”.
Chiều 24/4, Ông K’Ríu, thôn 6 xã Phi Tô cho biết: “Hôm nay người ở nhà máy thủy điện đã về kiểm tra thực tế đền bù thiệt hại cho dân. Nhưng họ nói chỉ đền hỗ trợ lúa và cây dâu tằm, còn cà phê thiệt hại ít không đền bù”.
Tuy nhiên, một người dân có rẫy cà phê tại thôn Phú Hòa, xã Phi Tô cho biết: “Rẫy cà phê của tôi là khu vực hạ lưu xa nhất so với các hộ dân bị úng nhưng không hề có một ai đến làm việc. Họ làm hỏng hết hoa màu của dân thì họ phải đền bù chứ sao lại nói hỗ trợ như kiểu bố thí cho chúng tôi vậy”.
Chỉ được hỗ trợ
Trong 2 ngày 22 và 23/4, nhiều lần chúng tôi đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà nhưng đều bị từ chối với lý do lãnh đạo đi họp và hẹn đến tận đầu tháng 5 mới làm việc. Tuy nhiên, sau đó UBND cũng đồng ý cho Phòng NN&PTNT cung cấp những thông tin liên quan. Theo đó, sau gần 3 tháng thủy điện làm ngập hoa màu của dân, đến ngày 22/4/2019, Phòng NN&PTNT mới có báo cáo số 23/BC-NNPTNT, xác định tình hình sự cố ngập úng. Báo cáo cho hay: “Đầu tháng 2/2019, Nhà máy thủy điện Đạ Dâng- Đạ Cho Mo thực hiện phát điện với lưu lượng 3-6,2m3/s, xả nước về hạ lưu theo suối Đạ Cho Mo, gây ngập úng một số diện tích lúa mới xạ xong và hoa màu ven suối tại buôn Chuối, xã Mê Linh và Thôn Phi Sour, xã Phi Tô…”. Tuy nhiên, giải pháp của huyện Lâm Hà theo báo cáo này là “Hỗ trợ giá trị sản lượng niên vụ Đông Xuân 2018- 2019”.
Công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo được khởi công xây dựng vào năm 2003 do Công ty CP đầu tư và xây dựng Long Hội làm chủ đầu tư, trong đó thủy điện Đạ Dâng có công suất 14MW; nhà máy thủy điện Đạ Cho Mo có công suất 9MW. Đây là hệ thống thủy điện liên hoàn. Vụ sập hầm xảy ra ngày 16/12/2014, khi đó 32 công nhân đang đổ bê tông vòm. Khi hầm sập, 12 công nhân đã bị kẹt lại. Ngay sau đó lực lượng chức năng đã có mặt ở hiện trường triển khai là dùng ống sắt có đường kính 60 cm đưa vào đường hầm để thông khí và cũng là đường ống cứu hộ
Sau khi Báo Giao thông đăng ký làm việc, ngày hôm sau 23/4/2019, UBND huyện mới có Công văn chỉ đạo số 443/UBND-NNPTNN, ngày 23/4/2019, trong đó nêu: Thực hiện hỗ trợ giá trị thiệt hại sản lượng vụ Đồng Xuân năm 2018-2019 cho các hộ dân là 36 tạ/ha và giá lúa là 8.000 đồng/kg và cũng không nhắc gì đến thiệt hại về ngập nhà dân, giao thông, cây cà phê.
Phòng NN&PTNN huyện cũng cung cấp 2 biên bản làm việc giữa Ban QLDA thủy điện Đạ Dâng với huyện và chính quyền xã và dân, ngày 19/2. Lạ lùng ở chỗ huyện chỉ cử một mình ông Đỗ Phi Diên, chuyên viên phòng NN&PTNN huyện đi dự. Trong khi đó, đại diện người dân có 3 người ở xã Mê Linh ký biên bản, xã Phi tô được 1 người ký biên bản. Thực tế khi chúng tôi hỏi người dân việc chính quyền đã họp dân để tìm hiểu về thiệt hại hoa màu chưa thì tất cả người dân đều nói chưa hề có: “Hơn 2 tháng rồi mình đợi nhưng chẳng thấy họ đến, để mình được nói nguyện vọng. Chỉ có một lần mình thấy mấy người về đứng chỉ chỏ, nhìn nước ngập rồi đi thôi”, chị Ca Loan bức xúc.
Trả lời với chúng tôi qua điện thoại, ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA thủy điện Đạ Dâng nói: “Sao các anh lại chất vấn tôi…Về nguyên tắc các anh cứ làm việc với bên huyện đi vì chúng tôi đã làm việc với bên huyện rồi…”. Chính ông Hải cũng thừa nhận đã về kiểm tra làm việc với chính quyền và đại diện dân là trưởng thôn mà thôi!