Khi nhà hàng, quán bia vắng như chùa Bà Đanh
Nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ ế ẩm, các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối bia rượu cũng như “ngồi trên lửa”.
Sau hơn một tuần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản bởi gánh lỗ cả trăm triệu mỗi ngày vì ế khách.
Hệ thống Thu Hằng, Lan Chín bù lỗ tới 300 triệu đồng/ngày
Nhà hàng bia Thu Hằng ở phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) cả tuần nay chìm trong không khí ảm đạm. Ba dãy xe máy trước đây xếp ken cứng, giờ chỉ còn vài chục chiếc dựng quanh gốc cây, lộ ra một khoảng vỉa hè rộng lớn. “Lượng khách giảm đến 70 - 80% so với trước. Khách vào nhà hàng không bằng nhân viên phục vụ”, một bảo vệ nhà hàng xót xa.
Anh Quyết, quản lý nhà hàng cho biết thêm: Trước đây, 2 tầng nhà hàng với 150 bàn luôn chật kín khách, doanh thu khoảng 80 - 100 triệu đồng/ngày. Nhưng giờ khách đến chỉ đủ 10 - 15 bàn/ngày, doanh thu còn khoảng 30 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày nhà hàng phải bù lỗ gần 50 triệu đồng vì chỉ riêng khoản chi phí mặt bằng và nhân viên đã gần 60 triệu đồng/ngày. Anh Quyết tính nhanh: “Toàn hệ thống Thu Hằng có tới 7 nhà hàng, ước tính mỗi ngày đang phải chịu lỗ hơn 300 triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, một tháng có thể “đốt” cả chục tỷ”.
Hệ thống nhà hàng Lan Chín (Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Vũ Thị Lan, chủ chuỗi nhà hàng nói như kêu cứu: “Làm sao bây giờ khi cả ngày chỉ có 3 - 5 khách ghé vào cửa hàng. Nếu tình trạng này kéo dài thì tất cả nhà hàng lớn, nhỏ đều phải đóng cửa trong nay mai”.
Bà Lan chia sẻ, chuỗi cửa hàng Lan Chín có 5 cơ sở, mỗi cơ sở có sức chứa 500 người, lúc nào cũng chật kín, doanh thu trăm triệu đồng/cơ sở/ngày. Nhưng giờ đây, tất cả rơi vào tình trạng không đến 10 khách nhậu, doanh thu không đến 3 triệu đồng mỗi ngày. Tính chung cả hệ thống, doanh thu thiệt hại gần 400 triệu đồng/ngày. Nếu tính chi phí nhân viên (trung bình mỗi cơ sở khoảng 50 người) và mặt bằng thì mỗi cơ sở phải gánh lỗ 60 - 70 triệu đồng/ngày, tương ứng toàn hệ thống lên đến 300 triệu đồng/ngày…
Trong khi đó, nhà hàng Bia Hải Xồm trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) trước đây mỗi ngày phục vụ khoảng 200 bàn khách, giờ giảm tới 60%, còn khoảng 80 bàn, kéo theo bù lỗ cả chục triệu đồng/ngày.
Tại Đà Nẵng, dọc các tuyến đường từng được mệnh danh là “phố nhậu Đà Thành” như đường: Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, 2/9, Chương Dương, Nguyễn Phước Lan, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đại Hành, Hoàng Sa… PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng nhà hàng, quán nhậu khá vắng vẻ, thưa thớt khách. Thậm chí, một số cơ sở đã phải đóng cửa vì vắng khách, doanh thu sụt giảm.
Đường Như Nguyệt, ngày thường, các nhà hàng, quán nhậu nằm san sát trên tuyến phố này đều đông nghịt khách, ô tô, xe máy đỗ kín dọc tuyến phố, vỉa hè từ 18h - 23h nhưng nay khá vắng vẻ. Nhân viên một quán nhậu nổi tiếng đông khách cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày quán nhậu bán ra hơn 100 thùng, két bia song 1 tuần qua, mỗi ngày chỉ khoảng 10 thùng, két bia được tiêu thụ.
Rơi vào tình cảnh “éo le” hơn, một số quán nhậu, nhà hàng trên đường 2/9, Nguyễn Phước Lan buộc phải đóng cửa do vắng khách. Một chủ quán nhậu cho hay, tiền thu không đủ tiền chi trả mặt bằng, nhân công. “Tiền thuê mặt bằng 1 tháng là 100 triệu đồng, tôi cũng vừa đầu tư hơn 8 tỷ đồng vào xây dựng quán... Tôi đang nghĩ đến việc sang nhượng lại quán mà không biết ai dám đầu tư”, người này cho biết.
PV Báo Giao thông khảo sát tại nhiều “phố ăn nhậu” nổi tiếng tại TP HCM như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa, Trường Sa, phố ẩm thực Q.4 và thậm chí là khu phố tây Bùi Viện nhưng đều có chung tình cảnh vắng vẻ đáng kể so với trước đây. Anh Tống Cường, chủ một cửa hàng hải sản trên đường Hoàng Sa (Q.3) cho biết, trước đây cứ khoảng 20h quán gần như đầy bàn, nhưng nay vắng hẳn. Thậm chí có khách tới, người thì uống bia, người thì không uống bia nên bàn tiệc cũng không còn “xôm” như trước.
Nhiều nhà phân phối tính “cửa” rút lui
Nhà hàng, quán nhậu ế ẩm, các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối bia rượu cũng như “ngồi trên lửa”.
Anh Nam, một nhà phân phối bia Heineken khu vực Hà Nội cho biết, lượng bia chai bán ra giảm đáng kể vì đó là mặt hàng cung cấp chủ yếu cho nhà hàng, quán nhậu. Trước đây, bình quân mỗi ngày anh bán được hơn 300 két bia với doanh thu khoảng 100 triệu đồng, giờ chỉ bán được 100 két doanh thu gần 30 triệu đồng… Tính trung bình, doanh thu công ty của anh Cường mất 4 triệu đồng mỗi ngày. Từ ngày Nghị định 100 được áp dụng đến nay, công ty đã lỗ 50 triệu đồng. Nếu tình hình này còn tiếp diễn, công ty anh Cường chắc chắn không thể tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
“Dù có uống bia ở quán hay ở nhà thì nồng độ cồn vẫn lưu lại vài ngày sau đó và khi tham gia giao thông vẫn sẽ bị phạt nặng bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện để đi phương tiện công cộng trong nhiều ngày liền. Chính vì thế, bắt buộc mọi người phải bỏ bia, rượu”, anh Nam nhận định.
Cũng tính đến chuyện tìm một mặt hàng khác kinh doanh thay thế, chị Lan Anh, nhà phân phối bia Habeco giải thích: “Nhà hàng cả tuần nay không lấy hàng, có nơi còn nài nỉ xin trả lại hàng để đóng quán. Chúng tôi cũng không bán được nên không thể hỗ trợ thêm cho khách hàng. Thường ngày bên tôi xuất đến 500 thùng bia, rượu các loại, giờ chỉ ngót 100 thùng. Ngoài ra, còn cả 10.000 thùng bia dự trữ Tết chưa biết bán ra sao. Hiện tại, công ty vẫn chưa tìm được cách nào thay đổi tình thế bởi nghị định thì không thể bỏ, mặt khác cũng không thể “kêu gọi” khách quay lại quán uống bia”.
Về phía nhà sản xuất, đại diện Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) thông tin, sản lượng tiêu thụ sụt giảm trên thị trường nhưng thời gian chỉ mới hơn một tuần nên cũng chưa thể thống kê được lượng sụt giảm bao nhiêu. Mặt khác, thời điểm Tết, các nhà phân phối đã trữ hàng từ trước đó, nên gần Tết lượng hàng chủ yếu xuất ra từ kho nhà phân phối. Vị này cũng khẳng định, dù có biến động cũng phải chấp nhận và tìm cách thay đổi, thích nghi với thị trường…
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho biết: Chưa thể nhận định được bức tranh toàn cảnh tác động của Nghị định 100, vì thời gian chỉ mới diễn ra một tuần, dù thực tế các nhà hàng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo ông Vỵ, doanh nghiệp cần có những giải pháp trước mắt như bố trí xe hoặc miễn phí tiền xe cho khách để ứng phó trong thời điểm cao điểm Tết. Mặt khác, cần tiếp tục theo dõi vì đây mới là phản ứng ban đầu của thị trường khi nghị định chính thức đi vào thực hiện…
Mở dịch vụ đưa khách về miễn phí để “cứu” nhà hàng
Bà Vũ Thị Lan, chủ hệ thống Lan Chín cho biết, nhà hàng đã chủ động đưa ra chính sách miễn phí phương tiện chiều về cho tất cả khách nhậu ở khu vực nội thành. Tuy nhiên, tình cảnh ế ẩm, đìu hiu chưa có dấu hiệu được cải thiện. “Rủi ro rất nặng nề và nếu cứ đà này, cửa hàng sẽ phải đóng cửa thời gian tới”, bà Lan nói.
Tương tự, hệ thống nhà hàng Thu Hằng cũng đã triển khai dịch vụ đưa đón khách về nhà miễn phí nhưng cũng không thu hút được khách tham gia bởi tâm lý sợ bị phạt. Chính vì vậy, chuỗi nhà hàng Thu Hằng đã phải lên kế hoạch cho việc chuyển đổi mô hình và sẽ tìm hiểu từng bước thị trường để thực hiện.
Một số ít nhà hàng cho biết, ngày càng nhiều khách hàng đi nhậu nhờ người chở đến hoặc đi, về bằng xe taxi, xe ôm. Đại diện ứng dụng xe công nghệ VATO cho hay, trong khoảng 1 tuần qua số lượng người đặt đến hoặc đi từ các quán ăn tăng gấp đôi so với trước đây.