Kế hoạch cải tổ đường sắt Anh bị nghi ngờ hiệu quả
Đường sắt Anh có giá vé đắt đỏ gần cao nhất châu Âu nhưng vẫn tắc nghẽn,đông đúc gây bức xúc cho hành khách.
Bộ trưởng Giao thông Anh Chris Grayling mong muốn cải tổ quản lý đường sắt để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. |
Đường sắt Anh có giá vé đắt đỏ gần cao nhất châu Âu nhưng vẫn tắc nghẽn và đông đúc gây bức xúc cho hành khách. Bộ trưởng Giao thông Anh Chris Grayling một lần nữa cải tổ hệ thống quản lý đường sắt Anh sau thất bại tư nhân hóa từ những năm 1994. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, càng cải tổ lại càng phức tạp.
Hành khách cần người chịu trách nhiệm
Đường sắt Anh đang vận hành theo mô hình phân tách toàn bộ, tức hệ thống đường sắt được tách hoàn toàn giữa kết cấu hạ tầng và kết cấu vận tải theo pháp luật, tổ chức và thể chế. Hình thức quản lý này được áp dụng tại Anh từ năm 1994 nhưng đến nay nảy sinh nhiều vấn đề như: Giảm sút chất lượng nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn, xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan (phối hợp không đồng bộ giữa hạ tầng và vận tải), giá vé “phi mã” nhưng chất lượng vẫn “rùa bò”… Trong đó, giá vé là vấn đề người dân Anh bức xúc nhất.
Theo số liệu mới nhất Trung tâm Liên đoàn thương mại quốc gia (TUC) thống kê, từ năm 2010 đến năm 2015, giá vé tàu nhảy vọt 25%, nhưng lương trung bình (khoảng 27.200 bảng Anh/năm) chỉ tăng 9%.
Vì vậy, đầu tháng 12 này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Chris Grayling tuyên bố kế hoạch cải tổ quản lý đường sắt. Theo đó, mỗi tuyến đường sắt sẽ được điều hành bởi một đội quản lý chung bao gồm các đại diện từ công ty điều hành đường sắt (quản lý vận tải, thuộc tư nhân) và hệ thống đường sắt (Network Rail - Cơ quan quản lý hạ tầng, thuộc Nhà nước); Trong khi, vẫn tiếp tục duy trì song song hai công ty quản lý này.
Ông Grayling mong muốn những thay đổi trên sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ cho hành khách vốn phải đối mặt với hệ thống đường sắt ngày càng đắt đỏ và đông đúc. Ông thừa nhận: “Chúng ta cần thay đổi mối quan hệ giữa hạ tầng và vận tải đường sắt. Khi thiếu sự phối hợp trong quản lý sẽ khiến hành khách phải hứng chịu mọi bất tiện trên đường sắt”. Bản thân Bộ trưởng Grayling hiểu: “Hành khách không cần biết đường sắt được phân chia quản lý như thế nào. Điều họ cần là một ai đó đứng ra chịu trách nhiệm; Họ muốn tàu hoạt động hiệu quả và tôi đồng tình với họ”. Và một đơn vị quản lý chung đầu tiên sẽ được thành lập vào năm 2018.
Cú trượt dốc của tư nhân hóa đường sắt
Giám đốc Điều hành Network Rail, Mark Carne đánh giá, kế hoạch cải tổ đường sắt sẽ “tạo sự phối hợp linh hoạt hơn trong ngành”. Trong khi đó, ông Mick Cash, Tổng Thư ký Liên đoàn Đường sắt RMT cho rằng, đề xuất cải tổ này “là cú trượt dốc của công cuộc tư nhân hóa và chia rẽ hệ thống đường sắt”.
“Rõ ràng, giới chức muốn tách Network Rail ra khỏi hệ thống công ty Nhà nước, tư nhân hóa hệ thống đường sắt. Nhưng chúng tôi không muốn quay trở lại thời thảm họa đường sắt Anh (khi xảy ra các tai nạn thảm khốc trên tuyến Hatfield and Potters Bar năm 2002). Tình trạng đó sẽ tiếp diễn nếu tư nhân hóa hạ tầng đường sắt”, ông Mick nói.
Để trấn an dư luận, ông Grayling khẳng định, đề xuất cải tổ không nhằm “tư nhân hóa Network Rail cũng không phải trao việc kiểm soát hạ tầng cho các công ty điều hành dịch vụ vận tải, mà là thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan”.
Hành khách khá thận trọng khi tiếp cận thông tin cải cách. Giám đốc chiến dịch vì Giao thông tốt hơn, Lianna Etkind nhận định: “Hành khách không quan tâm tới các chi tiết về quản lý. Điều họ mong muốn là đường sắt đúng giờ, an toàn, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Chúng tôi hy vọng, việc cải cách sẽ có hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Martin Griffiths, Giám đốc Điều hành Stagecoach (một trong những công ty điều hành vận tải đường sắt tại Anh) cảnh báo, sẽ không ủng hộ kế hoạch của Bộ trưởng vì cho rằng, cơ cấu quản lý mới “sẽ vô cùng phức tạp”. Bằng chứng là tuyến đường sắt South West mà Công ty Stagecoach quản lý từng thiết lập quan hệ hợp tác sâu sắc với Network Rail năm 2012. Nhưng mối quan hệ này đã tan rã vào tháng 8/2015 vì căng thẳng giữa hai bên.
Xem thêm video: