Hàng không Mỹ thi nhau giảm kích thước ghế ngồi
Tại Mỹ, ngành hàng không đang đối mặt vấn đề: Thể trạng hành khách ngày càng quá khổ còn kích thước ghế...
Ghế ngồi máy bay dần bị bóp chặt trong khi hành khách ngày càng quá khổ |
Tại Mỹ, ngành hàng không đang đối mặt vấn đề: Thể trạng hành khách ngày càng quá khổ còn kích thước ghế dần bị thu hẹp, không cần quan tâm tới sự khó chịu bất tiện của các “thượng đế” khi đi máy bay.
Theo thông báo mới nhất từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), khách hàng đi phi cơ chỉ có thể đổ lỗi cho các hãng hàng không, còn FAA là cơ quan kiểm soát an toàn, không có trách nhiệm đảm bảo sự thoải mái của người tiêu dùng. Phản ứng này của FAA đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ dư luận.
Ghế quá hẹp sẽ uy hiếp an toàn bay
Vấn đề các hãng hàng không Mỹ giảm kích thước ghế để tăng nhồi nhét khách đã gây bức xúc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để nào được đưa ra.
Nhiều hãng hàng không ở xứ sở cờ hoa đã thu hẹp chiều rộng ghế từ 18,5inch (khoảng 47cm) xuống 17inch (khoảng 43cm). Mật độ ghế - khoảng cách giữa ghế trước và ghế sau cũng giảm trung bình từ 35inch xuống 31inch, thậm chí một số hãng còn giảm tới 28inch.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn dịch bệnh Mỹ cho biết, cân nặng trung bình một phụ nữ Mỹ hiện nay đã tăng lên tương đương với một người đàn ông từ những năm 60 của thế kỷ XX, khoảng 75kg. Cân nặng trung bình của đàn ông nước này là khoảng 88kg. Đồng nghĩa vòng eo ngày càng lớn.
Tỉ lệ nghịch giữa kích thước ghế và hình thể hành khách đã khiến rất nhiều người đi máy bay bức xúc, trong đó có không ít thành viên Quốc hội Mỹ thường xuyên phải sử dụng máy bay. Họ đã yêu cầu FAA cần phải có hành động để ngăn chặn các hãng hàng không thi nhau thu hẹp kích thước ghế ngồi.
Ngoài ra, rất nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi khách hàng đã không thể im lặng. Một nhóm lợi ích cộng đồng mang tên Tiêu chuẩn tối thiểu ghế ngồi hàng không đã thuyết phục Tòa phúc thẩm tại Washington với quan điểm kích thước ghế ngồi giảm sẽ uy hiếp an toàn hàng không.
Kết quả, tòa án ra phán quyết: Ghế ngồi chật hẹp cản trở quá trình thoát khỏi máy bay, có thể làm tắc nghẽn mạch máu của khách trên những chuyến bay dài và nghi ngờ FAA chưa nghiên cứu kỹ về tác động ghế bị thu hẹp với quá trình sơ tán máy bay.
Quỹ Nâng cao nhận thức về quyền của hành khách hàng không (Flyers Rights Education Fund) cũng thể hiện bức xúc qua việc đệ đơn lên tòa để yêu cầu FAA phải vào cuộc.
Sở dĩ họ làm vậy vì cho rằng, nếu kiện thẳng các hãng hàng không thì nỗ lực đó chỉ vô ích. Trong đơn, nhóm yêu cầu cơ quan liên bang phải có quy định rõ về kích thước ghế và một thẩm phán yêu cầu cơ quan này cân nhắc lại vấn đề.
Thậm chí, một số nhà quan sát hàng không nghi ngờ việc các hãng hàng không có thể mặc sức thu hẹp ghế ngồi dù biết gây bất tiện cho hành khách trong khi giá vé không hề rẻ xuất phát từ thương vụ sát nhập giữa hai hãng hàng không lớn American Airlines và US Airways năm 2013 tạo ra tình trạng độc quyền và triệt tiêu cạnh tranh.
FAA trao “lệnh bài” cho các hãng hàng không
Tuy nhiên, trong phản ứng mới nhất, FAA cho biết, vấn đề ghế ngồi bị thu hẹp không phải việc của họ. FAA khẳng định đã khảo sát tình hình và kết luận không có “bằng chứng cho thấy, hành khách thông thường, kể cả những người quá cỡ mất nhiều hơn 2 giây mới có thể ra khỏi chỗ ngồi trong trường hợp khẩn cấp”.
Văn bản dài 5 trang FAA gửi tới Flyers Rights đính kèm tài liệu dài 7 trang do ông Jeffrey C. Gardlin, chuyên gia kỹ thuật cấp cao của FAA về an ninh và sinh tồn trên máy bay khẳng định: “Thời gian hành khách ra khỏi chỗ ngồi kể cả với những ghế đã bị thu hẹp đáng kể và hành khách tương đối to béo vẫn nhanh hơn thời gian cửa khẩn cấp mở ra và hoạt động”. Nói cách khác, FAA cho biết, kích thước ghế không cản trở hành khách ra khỏi ghế tới cửa thoát hiểm.
Nhận định về phản ứng của FAA, nhiều chuyên gia như ông Brent D. Bowen, Giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, Mỹ cho rằng: “Phản ứng của FAA như trao “lệnh bài” cho các hãng hàng không muốn làm gì thì làm: Thoải mái thu hẹp ghế và tăng số ghế trên mỗi chuyến”.