Thế giới giao thông

Hai dự án giao thông lớn của Anh khó thành vì Brexit

29/06/2017, 15:12

Anh phải duy trì các mối quan hệ đầu tư thương mại với Liên minh châu Âu để cứu các dự án hạ tầng.

30

Dự án mở rộng sân bay Heathrow có thể bị ảnh hưởng vì Brexit "cứng"

Anh phải duy trì các mối quan hệ đầu tư thương mại với Liên minh châu Âu (EU) để cứu các dự án hạ tầng trọng điểm như xây thêm đường băng số 3 tại sân bay Heathrow, tuyến đường sắt cao tốc 2 (HS2)… Nếu không, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn đã suy giảm sau khi nước này trưng cầu dân ý ra khỏi EU (Brexit).

Brexit "cứng” đẩy nước Anh vào thảm họa

Đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Hạ tầng quốc gia Anh Lord Adonis được tờ Guardian dẫn lại ngày 27/6. Ông Adonis cho biết, nếu Anh theo đuổi đường lối Brexit cứng nhắc (cắt các quan hệ thương mại của Anh với châu Âu), các khoản đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng trọng điểm trên có thể sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán.

Trong khi đó, phần lớn các dự án như tuyến đường sắt cao tốc HS2 trị giá 71 tỷ USD nối Thủ đô London tới West Midlands, tuyến đường sắt Crossrail 2, tuyến đường sắt HS3… đều phụ thuộc vào nguồn vốn tư nhân. 

“Nếu chúng ta theo đuổi Brexit "cứng", tôi nghĩ nó sẽ đẩy nước Anh rơi vào thảm họa. Điều quan trọng là, chúng ta phải thực hiện Brexit trong đó vẫn duy trì các quan hệ thương mại của Anh với châu Âu và cần phải có quá trình chuyển đổi trong thời gian dài. Như vậy, chúng ta mới đạt được thỏa thuận thương mại với cam kết toàn diện”, ông Adonis nói.

Theo ông, “những quyết định về Brexit sẽ có ảnh hưởng tới các dự án hạ tầng. Vì khi đó, các doanh nghiệp sẽ chần chừ và không đầu tư dài hạn. Những dự án yêu cầu đầu tư tư nhân ngay lập tức như mở thêm sân bay thứ 3 Heathrow sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”. 

Do vậy, từ đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Hạ tầng quốc gia Anh cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ khẩn trương xúc tiến các quyết định về hạ tầng, không để các dự án này bị trì hoãn vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Các dự án trọng điểm giúp phát triển kinh tế

f13515b5e254ac6a37048ad72cce8ed5

Giao thông đường bộ ở London, Anh (ảnh minh họa)

Các dự án trọng điểm như: Mở rộng sân bay Heathrow (London), xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc HS2, HS3… được cho là những dự án tạo đà để phát triển kinh tế Anh. Chẳng hạn, về sân bay Heathrow, Bộ Giao thông vận tải nước này cho biết, việc mở thêm đường băng thứ 3 sẽ thúc đẩy nền kinh tế và dự án này có thể tạo ra 77.000 việc làm, tạo đà cho sân bay Heathrow 70 tuổi của Anh bắt kịp với các sân bay lớn nhất châu Âu tại Paris, Amsterdam và Frankfurt.

Hiện nay, sân bay Heathrow do một loạt các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ, trong đó hai nhà đầu tư lớn nhất là một tập đoàn của Tây Ban Nha và một quỹ thịnh vượng của Qatar.

Chi phí để xây thêm đường băng số 3 ước tính khoảng 17,6 tỷ bảng Anh (tương đương 22 tỷ USD) nhưng có thể được giảm bớt. 

Chính phủ Anh đã thông qua đề xuất xây thêm đường băng thứ 3 của Heathrow nhưng cần được sự chấp thuận của các nghị sĩ Anh, dự kiến sẽ được công bố trong năm nay.

Heathrow

Sân bay Heathrow nhìn từ trên cao

Phần lớn các nghị sĩ đều ủng hộ đường băng thứ 3, nhưng nhiều quan chức cấp cao đến từ cả đảng Lao động và Bảo thủ lại cực lực phản đối vì lo ngại việc xây dựng thêm một đường băng sẽ gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. 

Thêm nữa, Quốc hội Anh đang ở tình trạng “treo” (không có chính đảng chiếm đa số) nên nguy cơ cao sẽ không có quyết định nào được đưa ra và nước Anh tiếp tục rơi vào một thời kỳ trì hoãn các quyết định hạ tầng trọng điểm”, ông Adonis nói. Do đó, khả năng xây dựng đường băng thứ 3 tại Heathrow vẫn còn bỏ ngỏ.

Heathrow-1

Máy bay chở khách tại sân bay Heathrow

Ngoài Heathrow, Chính phủ Anh dự định xây dựng đường sắt cao tốc HS2 bằng vốn Nhà nước, dự kiến trình kế hoạch xây dựng giai đoạn 2 của đường sắt này đồng thời quyết định phần còn lại của tuyến lên Quốc hội trong năm nay.

Đường sắt cao tốc HS2 được kỳ vọng giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ London tới nhiều thành phố lớn. Ví dụ, chặng đường từ London tới thành phố lớn thứ hai của Anh, Birmingham chỉ còn khoảng 49 phút, giảm gần một nửa so với mốc 90 phút hiện nay.

Chính phủ Anh dự tính dự án hệ thống đường sắt cao tốc sẽ tạo ra các khoản lợi nhuận lên tới 47 tỷ bảng, tiền bán vé trong giai đoạn 60 năm tới là khoảng 34 tỷ bảng.

Nhưng do kinh tế chậm phát triển nên Bộ Tài chính Anh đang tính toán lại việc đầu tư. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Anh (NAO) vừa qua đã cảnh báo Dự án hệ thống đường sắt cao tốc 2 (HS2) trị giá 71 tỷ USD là quá tham vọng, chậm tiến độ và vượt chi ngân sách.