Hà Tĩnh: Doanh nghiệp vận tải bị làm khó ở Cửa khẩu Cầu Treo?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải tại khu vực Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, họ đang bị làm khó trong việc thông quan hàng hóa sang Lào.
Doanh nghiệp không làm cũng “chết”, làm cũng “chết”!
Ngày 6/7, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Cửa khẩu Cầu Treo), thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), ghi nhận cả trăm chiếc xe tải, xe đầu kéo hạng nặng đang nằm ở cả 2 phía tại khu vực kiểm soát thông quan hàng hóa. Các tài xế đều tỏ ra mệt mỏi vì phải chờ đợi.
Theo các tài xế, ngày 20/5/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản 3165 cho phép tất cả các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Cầu Treo thực hiện 1 lái xe/ 1 xe chở hàng làm thủ tục xuất nhập cảnh mà không phải thực hiện cách ly tập trung bắt buộc.
Chỉ đạo này được lực lượng chức năng triển khai thực hiện từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7/2020 mà không xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Bất ngờ từ ngày 2/7, lực lượng Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo không cho phép các doanh nghiệp vận tải hàng hóa thực hiện chủ trương này nữa. Ngược lại, tài xế sau khi theo xe sang Lào rồi về Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung.
Vì thế, các doanh nghiệp phải tăng cường tài xế, thực hiện 1 xe 2 tài xế (1 tài xế ở Lào và 1 tài xế ở Việt Nam). Việc sang xe, chuyển tài xế được thực hiện tại khu vực Cửa khẩu Cầu Treo.
“Việc thực hiện sang xe như thế này khiến anh em rất mệt mỏi, thay vì hàng hóa và con người thông suốt là cảnh vạ vật, chờ đợi. Nhiều lúc xe gặp sự cố, anh em phải chờ cả buổi cũng không có xe để chạy. Chưa hết, do phải thực hiện 2 tài xế/ 1 xe nên nhu cầu tài xế tăng vọt, nhiều tài xế tăng cường “chạy sô”. Trong khi đó, không phải ai cũng lái được xe đầu kéo, rơ moóc, container, mà chạy đường đèo núi rất nguy hiểm”, một lái xe vừa ngáp vừa nói.
Một lãnh đạo doanh nghiệp vận tải thường xuyên qua lại Cửa khẩu Cầu Treo cũng cho biết: “Việc thực hiện 1 tài xế/ 1 xe đã được thực hiện 1 tháng qua và không nảy sinh bất cập nào. Mặt khác, dịch bệnh ngày càng được kiểm soát tốt hơn, trong thời gian dài cả Việt Nam và Lào đều không ghi nhận ca bệnh nào lây lan trong cộng đồng. Đáng ra, lực lượng chức năng tại cửa khẩu phải tạo điều kiện để cho doanh nghiệp vận tải lưu thông hàng hóa, đằng này họ lại yêu cầu cách ly tài xế từ Lào về, hoặc thực hiện 2 tài xế/xe khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Trước giờ công ty chi trả lương cho 1 tài xế chạy Lào - Việt dao động từ 15 - 20 triệu/ tháng. Giờ thực hiện 2 tài xế/ 1 xe, chi phí lương mà công ty phải trả lên đến trên dưới 30 triệu/ tháng. Dịch vừa ổn định, khó khăn chồng chất, giờ càng khó hơn nhiều. Doanh nghiệp không làm thì "chết", nhưng làm như thế này thì cũng "chết".
Tỉnh chưa chỉ đạo, lực lượng chức năng đã tự ý thực hiện?
Theo tìm hiểu của PV, để quyết định cho phép tất cả các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Cầu Treo thực hiện 1 lái xe/1 phương tiện mà không phải thực hiện cách ly tập trung, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19. Đồng thời, dựa trên đề xuất của Sở Y tế Hà Tĩnh- cơ quan chủ trì công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, công văn của Ban chỉ đạo quốc gia nêu rõ, cho phép UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm dịch y tế biên giới không áp dụng cách ly tập trung đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khi qua biên giới Việt Nam.
Thế nhưng, qua tìm hiểu, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Cầu Treo đã tự ý bắt doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải thực hiện 2 tài xế/phương tiện hoặc phải chịu cách ly tập trung nếu tài xế từ Lào nhập cảnh về Việt Nam. Căn cứ mà họ áp dụng để thực hiện là Quyết định số 2553 về việc hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm Covid-19 do Bộ Y tế ban hành ngày 18/6/2020.
Ông Lê Văn Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Cầu Treo cho biết, đơn vị chỉ phối hợp trong công tác phòng chống dịch, còn về vấn đề con người thì do lực lượng kiểm dịch và Biên phòng kiểm soát. Từ khi có văn bản 3165 (của UBND tỉnh Hà Tĩnh), đơn vị chưa nhận được chỉ đạo khác từ cấp trên.
Một cán bộ kiểm dịch tại cửa khẩu cũng cho hay: Từ khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, đơn vị vẫn chưa nhận được chỉ đạo nào khác, nhưng hiện đơn vị đang áp dụng theo Quyết định số 2553.
Thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo thừa nhận: Sau văn bản 3165 của UBND tỉnh thì đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa nhận được chỉ đạo nào từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh.
Lý do đơn vị dừng thực hiện 1 tài xế/1 phương tiện mà không cần cách ly tập trung là khoảng ngày 21/6/2020, Trạm có nhận được văn bản 2553 từ lực lượng kiểm dịch. Sau khi xin ý kiến, Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh cho biết thực hiện theo chỉ đạo của ngành Y tế nên ngày 30/6 đơn vị chốt phương án này.
Ngày 1/7, đơn vị cho tuyên truyền và thông báo cho các tài xế. Từ ngày 2/7 thực hiện 2 tài xế/ xe (1 tài ở Việt Nam, 1 tài xế ở Lào), mọi tài xế từ Lào nhập cảnh về Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung.
Khi PV đặt vấn đề, vì sao tỉnh chưa có chỉ đạo mới mà lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Cầu Treo đã thực hiện theo Quyết định 2553, ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh- bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh Hà Tĩnh nói “xin không đánh giá đúng sai, cứng nhắc hay nóng vội”.
Một Phó ban Chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh Hà Tĩnh thì cho biết sẽ trao đổi thêm với lực lượng Biên phòng để nắm rõ vấn đề này.
Còn ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc sở Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực chỉ đạo Ban Chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh Hà Tĩnh nói: “Chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Trong khi đó, PV đã liên hệ qua điện thoại với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh Hà Tĩnh nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo tìm hiểu, Quyết định tạm thời 2553 của Bộ Y tế yêu cầu: "Khi tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 và trở về Việt Nam, chỉ được chở hàng đến khu vực giao, nhận hàng hóa ở cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa...". Thế nhưng, cuối văn bản này cũng nói rõ: “Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu, giải quyết”.