Gỡ vướng vận tải container đường thủy Hải Phòng - Ninh Bình
Cục Đường thủy nội địa VN đề xuất phương án vận tải container bằng đường thủy từ cảng biển Hải Phòng đi Ninh Bình.
Cục Đường thủy nội địa VN vừa khảo sát tuyến vận tải container đường thủy Hải Phòng - Ninh Bình, tìm giải pháp tăng cường kết nối, thúc đẩy thị phần vận tải đường thủy nội địa tại các cảng biển trên tuyến.
Theo cơ quan này, tuyến hành lang vận tải thủy số 2 là một trong các tuyến huyết mạch ở khu vực phía Bắc, kết nối cảng biển Hải Phòng với các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình.
Tuyến có khả năng đáp ứng cho tàu hàng rời đến 3.000 tấn hoạt động, tuy nhiên hoạt động vận tải container bằng đường thủy còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là hạn chế về tĩnh không cầu đường bộ, đường sắt trên tuyến.
Điển hình, do tuyến này đi qua nội thành Hải Phòng nên vướng các cầu có tĩnh không dưới 5m như cầu Quay, cầu Tam Bạc (3,2m), cầu Xi Măng (4,7m), chỉ đáp ứng cho sà lan container chở hai lớp (36 TEUs) hoạt động.
Để tháo gỡ, cần đầu tư kinh phí để nâng cấp tuyến, trong đó nâng tĩnh không cầu. Tuy nhiên, phương án này cần kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp.
Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa VN đang nghiên cứu các phương án để báo cáo Bộ GTVT. Trong đó, tận dụng tuyến ven biển từ cảng biển Hải Phòng về cửa sông Ninh Cơ, đi qua kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy - Ninh Cơ để sang sông Đáy, từ đó đi tiếp về cụm cảng thủy Ninh Phúc (Ninh Bình) và các cảng thủy tại các tỉnh khác như Hà Nam.
Một phương án cũng được xem xét là đi tuyến ven biển từ cảng biển Hải Phòng, đi qua cửa sông Văn Úc và đi tiếp thì sẽ tránh phải qua nội thành Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo Cục Đường thủy nội địa VN, xét yếu tố chiều cao phương tiện và các lớp container, nên chạy ven biển, vì chạy theo hành lang hiện hữu sẽ khó có kinh phí để nâng cấp cùng lúc nhiều cầu qua sông.
Như vậy, hàng rời vẫn đi theo hành lang hiện hữu; hàng container đi ven biển. Riêng đoạn ven biển từ cảng Hải Phòng về cửa sông Văn Úc dài khoảng 12km, Cục sẽ đề xuất cho phép tàu sông S1 được hoạt động (hiện chỉ tàu sông pha biển SB được phép hoạt động). Sau khi qua cửa Văn Úc, tàu S1 sẽ vào sông Luộc để tiếp tục đi trên hành lang số 2, vừa tránh được cầu hạn chế tĩnh không khu vực nội thành Hải Phòng vừa hiệu quả hơn.