Dồn lực đầu tư hạ tầng giao thông là đúng
Quốc hội thông qua Nghị quyết dừng DA Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dồn nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông.
Cao tốc Bắc - Nam sau khi được đầu tư sẽ tạo ra tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại, chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng, Quốc hội thông qua Nghị quyết dừng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để dồn nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có các công trình giao thông trọng điểm quốc gia là rất đúng đắn, bởi hạ tầng giao thông đi trước mới thúc đẩy KT-XH đất nước phát triển.
Cấp thiết đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Với 92% phiếu thuận, ngày 22/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc dừng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tại cuộc họp báo Chính phủ sau đó, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để tạo động lực phát triển KT-XH đất nước.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng, việc Quốc hội thống nhất dừng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dành nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng đồng bộ, hiện đại là chủ trương rất đúng đắn.
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương dừng dự án điện hạt nhân để dồn nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có các công trình trọng điểm như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành. Bởi, một đất nước phát triển phải có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, do vậy, dù có tốn tiền cũng phải tập trung đầu tư để giao thông đi trước mở đường, thúc đẩy KT-XH phát triển, giao thông không thể đi sau”, bà An nói và cho biết, thời gian qua, nhiều tuyến đường bộ cao tốc được xây dựng và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
“Tuy nhiên, tôi có cảm giác việc đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc còn chắp vá và không liên tục. Do đó, đầu tư để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là cần thiết. Chỉ có điều xây dựng làm sao để dự án phát huy hiệu quả, công trình phải đảm bảo chất lượng”, bà An chia sẻ.
Còn TS. Trần Du Lịch (ĐBQH khóa XIII) nhận định, cao tốc Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH đất nước. “Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi đã có ý kiến phải ưu tiên làm cao tốc Bắc - Nam trước, rồi sau mới tiến hành triển khai nâng cấp, mở rộng QL1”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.
“Chính phủ cần quyết tâm làm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong thời gian từ nay đến năm 2020, nếu không xong, có thể gối đầu sang một vài năm. Khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoàn thành và đưa vào khai thác, Nhà nước cần bố trí nguồn lực để mua lại quyền thu phí của một số dự án BOT trên QL1 để người dân có sự lựa chọn. Anh nào muốn đi nhanh, tiết kiệm thời gian, an toàn thì chọn cao tốc và phải trả phí; còn ai đi QL1 sẽ không mất tiền”, ông Lịch nói và cho rằng, đến thời điểm này, chúng ra mới đề cập đến việc đầu tư để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là hơi chậm. Một dự án cấp bách và quan trọng thế này cần phải đầu tư ngay.
Xem thêm video:
Không chỉ ưu tiên đường bộ
Ông Nguyễn Duy Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, cao tốc Bắc - Nam và CHK quốc tế Long Thành là hai dự án sẽ được Bộ GTVT tập trung triển khai trong thời gian tới. “Riêng CHK quốc tế Long Thành, Quốc hội đã thống nhất dành 5.000 tỷ đồng ngân sách để phục vụ công tác GPMB cho dự án”, ông Lâm chia sẻ.
Đối với cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã lập đề án đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 229.829 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng, vốn Ngân sách Nhà nước 93.534 tỷ đồng. Để đảm bảo khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Phan Thiết - Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22m, GPMB theo quy mô 6 làn xe. Đoạn Vinh - Túy Loan và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17m, GPMB theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Trước đó, trả lời Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đường cao tốc Bắc - Nam sau khi được đầu tư sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện. Tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua.