Điện ảnh

Điện ảnh Việt lỡ nhịp tàu “phim chiến tranh”

31/07/2017, 20:34

Từ chỗ giàu tiềm năng và thành tựu về đề tài chiến tranh, phim điện ảnh Việt lại trở nên cằn cỗi, khô xác...

29

“Dunkirk”, hiện tượng phim chiến tranh đang gây sốt toàn thế giới

Đề tài kinh điển đã từng sôi nổi

Đề tài về chiến tranh không mới với người làm điện ảnh và chắc chắn không bao giờ cũ. Tháng 7 năm nay, các rạp chiếu toàn thế giới lại nóng lên với Dunkirk, sản phẩm mới từ đạo diễn lừng danh Christopher Nolan. Gần 2 giờ mô tả cuộc tháo chạy của 400 nghìn lính Anh ở bờ biển Tây Nam nước Pháp được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Bằng chứng là phim đã đạt 54 triệu USD doanh thu nội địa tuần mở màn. Còn về phía các nhà chuyên môn, đâu đó đã có ví von: “Cuộc đua tượng vàng Oscar cho phim xuất sắc nhất đã khởi động từ Dunkirk”.

Phát triển phim chiến tranh không chỉ là câu chuyện của Hollywood. Sau kiệt tác Cờ Thái Cực giương cao năm 2004, điện ảnh Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư cho các bộ phim chiến tranh kinh phí lớn. Quả ngọt đó là những sản phẩm cân bằng giữa chất lượng nghệ thuật và thương mại như: 71 into the Fire, The Admiral (Đại thủy chiến), The Front Line… Và đáng nói ở chỗ, nếu xét về bối cảnh lịch sử, câu chuyện chiến tranh của Hàn Quốc và Việt Nam lại rất gần.

Cần khẳng định một điều, phim chiến tranh Việt Nam không phải đang trong giai đoạn bập bõm bước đi như nhiều khán giả lầm tưởng. Nền điện ảnh hiện tại của chúng ta bắt đầu với tên gọi “Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam”. Và bộ phim khai sinh ra nó, Chung một dòng sông là một sản phẩm có bối cảnh kháng chiến chống Mỹ. Những năm 1960 - 1980, chiến tranh thực sự là đề tài thế mạnh của làng phim trong nước.

Sau phim Chung một dòng sông (1959) của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, liên tiếp ra đời các tác phẩm xuất sắc như: Nổi gió (1966) của đạo diễn Nguyễn Huy Thành, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) và Em bé Hà Nội (1974) của đạo diễn Hải Ninh, Cánh đồng hoang (1979) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sển... Cũng phải nhấn mạnh thêm, đó là thời kỳ mà phim chiến tranh Việt Nam đi khai phá các giải thưởng điện ảnh quốc tế, chứ không phải tâm lý xã hội như bây giờ. Liên hoan phim Moskva, giải thưởng điện ảnh lâu đời thứ nhì thế giới, đã từng đều đặn vinh danh những Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10 mỗi đợt ra mắt. Riêng Bao giờ cho đến tháng 10 còn vươn xa hơn: Chạm tay vào giải Đặc biệt của Liên hoan phim quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989.

Theo lý thuyết, sau những mùa gặt đầu tiên đầy thành tựu như vậy, cùng với sự trương nở của nền điện ảnh nước nhà, phim chiến tranh Việt Nam sẽ phải tiếp tục đơm hoa, kết trái ngày một mạnh. Nhưng sau tất cả, ở thời điểm hiện giờ phim chiến tranh của điện ảnh Việt là một mảnh đất đang thiếu sức sống. Đạo diễn Đặng Nhật Minh của Bao giờ cho đến tháng 10 bùi ngùi chia sẻ: “Gần đây, sau một vài phim như Sống cùng lịch sử, Những người viết huyền thoại, Nhà tiên tri… đề tài này vắng bóng dần”.

Mảnh đất khô cằn

Sang thế kỷ 21, hàng loạt phim chiến tranh Việt ghi nhận giá trị thương mại bằng không. Đau thương nhất có thể nói đến Ký ức Điện Biên (2004) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, chỉ thu về 60 vé sau 3 ngày công chiếu. 10 năm sau, phim Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) thậm chí còn không bán được vé nào, cuốn gói sau vài ngày công chiếu. Nếu áp dụng định nghĩa bom tấn - bom xịt vào điện ảnh Việt Nam, thì tất cả các phim chiến tranh ra mắt từ năm 2000 đổ lại đều thuộc dạng bom xịt.

Chất lượng nghệ thuật cũng bị đặt dấu hỏi. Yếu tố quan trọng nhất là tính chân thực hầu như không sản phẩm nào làm tốt. Phim Ký ức Điện Biên bị chỉ trích do những thếp áo sạch tinh tươm giữa chiến hào. Phim Mùi cỏ cháy phô bày các cảnh chiến đấu giả tạo với lượng khí tài quân sự, binh lính lèo tèo trên đầu ngón tay, quá ít khói lửa và xác chết cao su đập thẳng vào mắt khán giả.

Ở thời hiện đại, chiến trường lên phim muốn chân thực đòi hỏi phim trường nhân tạo với sự đầu tư khí tài, quân trang thực tế hùng hậu. Kiệt tác Giải cứu binh nhì Ryan từng tốn 6 triệu USD chỉ để mô phỏng bờ biển Normandy trong cảnh quay kéo dài 27 phút. Còn với phim Trân Châu Cảng, đạo diễn Michael Bay phải nhờ tới sự viện trợ của 2 hạm đội Hải quân Mỹ đóng quanh Honolulu, Hawaii cùng xấp xỉ 8 triệu USD để tái hiện cảnh Trân Châu Cảng một thời. Trong khi đó, Việt Nam thậm chí chưa có phim trường điện ảnh đủ tiêu chuẩn. Và theo đạo diễn Sống cùng lịch sử Nguyễn Thanh Vân: “Việc mượn các phương tiện khí tài, quân trang, quân dụng hay thậm chí là bộ đội đóng vai quần chúng ngày càng trở nên khó khăn”.

Trên hết, có những rào cản nhất định bó hẹp nội dung đề tài này. Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền (chỉ đạo phim Người trở về) cho biết: “Phim chiến tranh là đề tài mang tính lịch sử, tính xác thực, đôi khi người làm nghề phải chịu sự giằng xé giữa một bên là hiện thực hoặc là thi vị hóa nó. Điều đó đang vấp phải những luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là trong khâu kiểm duyệt, thông qua hay không thông qua”.

Ở bộ phim Dunkirk không khai thác những người lính lý tưởng, hào hùng mà tái hiện cả một đoàn quân tháo chạy, tàn tạ và sợ hãi giữa ranh giới sống - chết. Khi được hỏi liệu một bộ phim như vậy ở Việt Nam sẽ có số phận ra sao, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã trả lời (giả định) một cách ngắn gọn: “Không được hoan nghênh”.

Phim chiến tranh vẫn đang vận động cùng sự phát triển của điện ảnh thế giới. Thậm chí, nhìn từ cơn sốt phòng vé của Dunkirk, hay Fury trước đó, dường như khoảng cách giữa hàn lâm nghệ thuật và thương mại đang bị kéo gần. Chỉ có điều, điện ảnh Việt Nam dường như đã “lỡ nhịp tàu” của dòng phim này, dù từng có bước khởi đầu không hề tệ.